Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Vùng miền núi Phú Yên không ngừng khởi sắc

T.Nhân - H.Trường - 16:39, 02/04/2025

Vùng miền núi tỉnh Phú Yên gồm 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Đây là nơi sinh sống của 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số (chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao…) với trên 60.000 người. Nơi đây cũng từng là căn cứ cách mạng, ghi dấu một thời oanh liệt của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cho dù chưa hết khó khăn, nhưng diện mạo ở nhiều xã khó khăn đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao...

Xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân nằm giáp ranh với hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, được xem là xã cao nhất, xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên. Trước đây, xã Phú Mỡ là Khu căn cứ cách mạng mang tên Thồ Lồ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là căn cứ địa cách mạng vững chắc nhất của Phú Yên, là vùng bất khả xâm phạm mà kẻ thù không thể kiểm soát nổi. Trong chiến tranh, đồng bào DTTS một lòng tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, họ không sợ hy sinh, cùng tham gia và ủng hộ cho cách mạng.

Hiện nay, xã Phú Mỡ có gần 3.200 hộ dân, trong đó có hơn 99% là người DTTS. Là xã khu vực III, những năm qua, Phú Mỡ được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Một góc xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân hôm nay
Một góc xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân hôm nay

Theo UBND huyện Đồng Xuân, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), xã Phú Mỡ được ưu tiên đầu tư nhiều dự án, công trình về hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, giáo dục, y tế, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phục vụ nước sinh hoạt…

Giai đoạn 2021 - 2025, xã được đầu tư 32 công trình, dự án, với tổng nguồn vốn trên 35 tỷ đồng. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Ông Ka Pá Lực, thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ cho biết: Từ khi Chương trình 1719 được triển khai, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư, nâng cấp. Các công trình giao thông nông thôn giúp người dân đi lại thuận tiện, vận chuyển nông sản dễ dàng, giảm được chi phí khai thác, thu hoạch, giá thành sản phẩm được nâng lên. Người dân sản xuất cũng được thuận lợi khi đảm bảo nước tưới từ các công trình thủy lợi. Nhiều hộ dân khó khăn như ông Lực được hỗ trợ sinh kế, cho vay lãi suất thấp để mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập.

Huyện miền núi Sơn Hoà sau 50 giải phóng
Huyện miền núi Sơn Hoà sau 50 năm giải phóng

Ở miền núi Phú Yên, huyện Sơn Hoà được xem là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Với vị trí chiến lược quan trọng, dưới thời các chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn, huyện Sơn Hòa vừa là phên dậu, vừa là cửa ngõ thông thương với Thủy xá và Hỏa xá (hai tiểu quốc của người Gia Rai (Jrai) và Ê Đê trên cao nguyên Pleiku, nay thuộc tỉnh Gia Lai từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19).

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên vùng đất Sơn Hòa liên tiếp diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, tộc trưởng, già làng yêu nước đã có sức lan tỏa rất lớn trong toàn vùng Tây Nguyên.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Sơn Hòa là vùng căn cứ địa cách mạng, từng tên đất tên làng đã gắn liền với những chiến công hiển hách, vẻ vang của quân và dân Phú Yên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Với những chiến công và thành tích đạt được trong đấu tranh, sau ngày giải phóng huyện Sơn Hòa và 07 xã thuộc huyện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Người dân ở miền núi Phú Yên tập trung sản xuất, phát triển kinh tế
Người dân ở miền núi Phú Yên tập trung sản xuất, phát triển kinh tế

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân huyện Sơn Hòa khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh; đẩy mạnh sản xuất, tập trung ổn định đời sống. Với vị trí quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây, là địa bàn trọng yếu về chiến lược quốc phòng - an ninh của tỉnh, những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng của địa phương, hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc của Sơn Hòa không ngừng được đầu tư, đáp ứng yêu cầu về phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Lơ Mô Tu, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa chia sẻ: Giai đoạn 2020-2025, kinh tế của huyện Sơn Hòa cơ bản ổn định, có một số mặt phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đảm bảo theo đúng định hướng chung. 

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Hòa được phân bổ gần 160 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, ổn định dân cư, cải thiện sinh kế, giảm nghèo… Huyện đã xây dựng nhà ở mới cho gần 300 hộ nghèo; thực hiện 111 công trình giao thông nông thôn phục vụ việc đi lại và sản xuất cho người dân.

Hạ tầng giao thông ở miền núi được nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi
Hạ tầng giao thông ở miền núi được Nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi

Còn tại huyện Sông Hinh cũng là vùng căn cứ cách mạng, từng bị bom mìn cày xới. Chiến tranh đi qua, để lại trên mảnh đất này những hố bom, bãi mìn, đất đai khô cằn, cái nghèo, cái đói luôn đeo bám. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, ý chí tự vươn lên của người dân, những con đường sạch đẹp, những cánh đồng lúa, vườn cây xanh tốt và những căn nhà mới khang trang được xây dựng khắp các thôn làng, đã mang đến một diện mạo mới ở vùng đất này.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, huyện Sông Hinh được phân bổ 148 tỉ đồng; thực hiện 10 thành phần dự án và tiểu dự án. Tiêu biểu, Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đã hỗ trợ xây dựng 72 nhà ở; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 271 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 52 hộ dân. Nhờ các chương trình, chính sách dân tộc, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS huyện Sông Hinh ngày càng hoàn thiện. Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa; đường nội đồng được cứng hóa, đảm bảo việc đi lại của người dân.

Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Huyện luôn ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS; nhiều chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS cũng được quyết liệt triển khai. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm đáng kể. Thu nhập bình quân trong vùng đồng bào DTTS đạt 41,3 triệu đồng/người/năm.

Từ hoang tàn, đổ nát, sau 50 năm, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vùng căn cứ cách mạng xưa đã dần thay da đổi thịt, đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo thôn làng ngày càng khởi sắc. Dẫu còn bộn bề khó khăn, nhưng với những gì đã làm được, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng trên những vùng đất cách mạng.

Tin cùng chuyên mục
Đơn vị cung ứng giống cây dược liệu không thực hiện cam kết, nhiều hộ DTTS rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”

Đơn vị cung ứng giống cây dược liệu không thực hiện cam kết, nhiều hộ DTTS rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”

Từ năm 2024 đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS tham gia Dự án trồng cây dược liệu quý (trồng cây gấc) ở huyện A Lưới , TP. Huế rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Đất trồng cây gấc đã san ủi, hố trồng cây gấc đã đào, thế nhưng đơn vị tham gia liên kết sản xuất là Công ty La San lại chưa giao cây giống, vật tư trồng gấc như cam kết.