Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo

Sỹ Hào - 16:17, 02/04/2025

Trong quý II/2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; tập trung giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hợp pháp tổ chức các sự kiện tôn giáo lớn theo quy định của Giáo luật và pháp luật.

Công tác tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được quan tâm

Theo Báo cáo số 122/BC-BDTTG ngày 26/3/2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, trong 3 tháng đầu năm, cùng với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, công tác tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và theo đúng Hiến chương, Điều lệ, tôn chỉ, mục đích đề ra.

Trong quý I/2025, nhiều lễ hội tín ngưỡng của đồng bào DTTS gắn với sản xuất nông nghiệp như: Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Lùng Tùng của người Thái, mở cửa rừng của nhiều dân tộc… cũng đã diễn ra, góp phần làm phong phú thêm đời sống tín ngưỡng của người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào.

Với sự đồng hành, giúp đỡ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhiều hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức theo quy định của pháp luật, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham gia.

Trong đó, có Tháng Ramadan/Ramưwan trong Cộng đồng Hồi giáo các tỉnh, thành phố; Tọa đàm khoa học “Hoằng pháp hải ngoại tại TP. Huế” do Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức; Đại lễ Vía Ngọc Hoàng Thượng Đế, giổ tổ Lão sư Trần Đạo Minh và Thượng Ngươn do Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo tổ chức; Đại Lễ Vía Đức Thái Thượng Lão Quân do Hội thánh Minh Lý đạo - Tam Tông Miếu tổ chức;...

Trong quý I/2025 cũng đã diễn ra nhiều lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn cả nước, thu hút đông đảo tín đồ và Nhân dân. Một số cơ sở tín ngưỡng nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, Đền Ngọc Sơn, (Hà Nội); Đền Trần ở Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh; Kiếp Bạc (Hải Dương); Bảo Hà (Lào Cai); Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… mỗi ngày có hàng chục nghìn người đến lễ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 28/3/2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 28/3/2025

Một số cơ sở tín ngưỡng tư gia (điện, đền) cũng thu hút đông người tham quan, đi lễ với các hoạt động như hầu đồng, cúng lễ, tiêu biểu như: Đền Ghềnh (Hà Nội); Đền Chúa Then, Chí Mừu (Bắc Giang); Đông Sơn, Bồng Lai (Hòa Bình)… Hoạt động gắn với thờ Mẫu tại nhiều đền, phủ, thu hút đông người tham gia như: Đền Bảo Hà (Lào Cai); Phủ Dày, Phủ Nấp (Nam Định); Đền Sòng Sơn (Thanh Hóa); Đền Lảnh Giang (Hà Nam); Đền Đồng Bằng (Thái Bình); miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)…

Trong 3 tháng đầu năm, các tổ chức tôn giáo cũng đã tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, thể hiện nghĩa cử nhân văn tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”. Các chương trình thi đua yêu nước tiếp tục nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức tôn giáo và tín đồ trên cả nước.

Quan hệ giữa chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo ngày càng cởi mở, gắn bó hơn. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, chúc Tết các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết các cơ quan của chính quyền và bày tỏ sự phấn khởi, đồng thuận cao với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo được tổ chức ngày 01/3, các chức sắc tôn giáo trên cả nước đến chúc mừng Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và các đơn vị thuộc Bộ.

Các chức sắc tôn giáo trên cả nước đến chúc mừng Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và các đơn vị thuộc Bộ nhân dịp lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 01/3/2025.
Các chức sắc tôn giáo trên cả nước đến chúc mừng Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và các đơn vị thuộc Bộ nhân dịp Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 01/3/2025

Các chức sắc tôn giáo trên cả nước bày tỏ vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác tôn giáo; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, chung tay với Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, chung sức, đồng lòng với chính quyền, Nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, các chức sắc tôn giáo sẽ tiếp tục hướng dẫn các tín đồ gìn giữ, phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn bó với dân tộc, đoàn kết đạo đời, cùng nhau thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tập trung tổ chức thành công những sự kiện tôn giáo lớn

Theo đánh giá của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, trong Quý I năm 2025, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước cơ bản ổn định; các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo phương châm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Tuy nhiên, việc chấp hành và thực hiện nếp sống văn minh của người dân và du khách tại một số cơ sở tín ngưỡng còn hạn chế, vẫn xảy ra các hiện tượng bán hàng rong, cúng lễ thuê, đốt nhiều đồ mã…; vẫn diễn ra tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.

Một số cơ sở tín ngưỡng chưa công khai, minh bạch trong việc quản lý thu chi tiền công đức, tiền cho thuê dịch vụ… dẫn đến thiếu nguồn kinh phí cho trùng tu, tôn tạo lại cơ sở tín ngưỡng; vẫn còn một số phần tử lợi dụng mạng xã hội đăng tải những nội dung xuyên tạc để tuyên truyền, lôi kéo số chức sắc, tín đồ tôn giáo cực đoan ở trong và ngoài nước chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung khảo sát tại đại giảng đường Minh Châu - nơi diễn ra Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung khảo sát tại đại giảng đường Minh Châu - nơi diễn ra Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025

Tại buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 28/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đề nghị, Bộ tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội; làm tốt các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo; không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đồng bào tôn giáo; kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo tại địa phương.

Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025 là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức; sau ba kỳ tổ chức thành công trước đó: Năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội; năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ Dân tộc và Tôn giáo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong thời gian tới, nhiều tổ chức tôn giáo hợp pháp trên cả nước sẽ tổ chức những hoạt động theo quy định của Giáo luật, như: Hội nghị Thượng hội thường niên năm 2025 của các Hội thánh Cao Đài; Đại hội Đại biểu Nhơn sanh nhiệm kỳ 2025 – 2030 của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho - Tam Quan; Hội nghị bầu đại biểu dự Đại hội toàn quốc cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2025 - 2026), tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu cấp toàn đạo của Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam;...

Đặc biệt, từ ngày 06 đến 08/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025 tại Học viện Phật Giáo Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh). Dự kiến có 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự; trong đó có khoảng 1.200 đại biểu khách quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự sự kiện.

Đây không chỉ là sự kiện lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà còn là dịp để Việt Nam giới thiệu hình ảnh đất nước và con người yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết tới bạn bè quốc tế; khẳng định với cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, về đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam

Với ý nghĩa đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đề nghị, Bộ Dân tộc và Tôn giáo phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025. Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ công tác tổ chức, bảo đảm an toàn, an ninh, bảo đảm được ý nghĩa của sự kiện.

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung khảo sát tại Công viên Láng Le - nơi diễn ra các sự kiện văn hóa trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025.
Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung khảo sát tại Công viên Láng Le - nơi diễn ra các sự kiện văn hóa trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025

Trước đó, ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung cùng Đoàn công tác của Bộ đã khảo sát công tác chuẩn bị tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Cơ sở II) tại TP. Hồ Chí Minh và các công trình phụ cận phục vụ Đại lễ. Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung cũng đã chủ trì phiên họp thứ hai Tổ công tác liên ngành hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam.

Tại phiên họp này, Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung lưu ý, thành viên Tổ công tác liên ngành tiếp tục chủ động tham mưu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án triển khai, đảm bảo hoàn thành các công việc hướng dẫn, hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đúng tiến độ.

Tin cùng chuyên mục
Vùng miền núi Phú Yên không ngừng khởi sắc

Vùng miền núi Phú Yên không ngừng khởi sắc

Vùng miền núi tỉnh Phú Yên gồm 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Đây là nơi sinh sống của 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số (chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao…) với trên 60.000 người. Nơi đây cũng từng là căn cứ cách mạng, ghi dấu một thời oanh liệt của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cho dù chưa hết khó khăn, nhưng diện mạo ở nhiều xã khó khăn đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao...