Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao trình độ cho lao động DTTS: Đào tạo để chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp (Bài cuối)

Sỹ Hào - 23:17, 26/03/2020

Nước ta đang ở thời kỳ “dân số vàng” khi có khoảng 56,1/96 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Nhưng tình trạng già hóa dân số cũng đang “gõ cửa”. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, việc làm trong thời kỳ mới, yêu cầu đặt ra là phải có lộ trình đào tạo lao động mang tầm chiến lược.

Số người 60 tuổi trở lên tham gia LLLĐ đang ngày càng tăng. (Ảnh minh họa).
Số người 60 tuổi trở lên tham gia LLLĐ đang ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)

 “Đi tắt, đón đầu”

Trong số báo 25 (1607), ra ngày 25/3, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh: Từ nhiều năm nay, thực hiện chỉ tiêu “Lao động qua đào tạo”, các địa phương đã triển khai đào tạo cho lao động nông thôn (LĐNT), lao động DTTS; nhưng chủ yếu đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng).

Trước đòi hỏi của thị trường, việc làm trong thời đại công nghệ 4.0, có ý kiến cho rằng, đào tạo ngắn hạn không còn phù hợp. Nhưng thực tế không phải vậy.

Rà soát của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, lao động trong độ tuổi “chín” nhất (25 - 59 tuổi) hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động (LLLĐ), nhất là ở khu vực nông thôn; còn nhóm dân số có độ tuổi 15 - 24 (thanh niên) lại rất thấp.

Như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong tổng số gần 10,6 triệu người tham gia LLLĐ thì chỉ có khoảng 1,2 triệu lao động thanh niên; khu vực Tây Nguyên hiện có gần 3,6 triệu lao động thì chỉ có hơn 659 nghìn lao động thanh niên…

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở các địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ tham gia LLLĐ của nhóm thanh niên thấp xuất phát từ sự phát triển giáo dục, cũng như nhận thức về giáo dục, đào tạo của lao động đã được nâng lên. Cơ sở giáo dục được đầu tư, chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo được triển khai kịp thời nên hầu hết dân số trẻ ở địa bàn này đều muốn kéo dài thời gian học tập, chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết trước khi tham gia thị trường lao động.

Và vì thế, LLLĐ chính vẫn là nhóm dân số có độ tuổi 25 - 59. Nhưng một bộ phận lớn lao động DTTS trong độ tuổi này đang có hạn chế “kép”, là trình độ học vấn thấp (thậm chí nhiều người không biết chữ phổ thông), đồng thời không có chuyên môn kỹ thuật (CMKT). Trong điều kiện này, việc tiếp tục đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động là hết sức cần thiết để “đi tắt, đón đầu”.

Chủ động trước già hóa dân số

TCTK cũng đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng già hóa dân số ngày càng gia tăng khi nhóm dân số tuổi già (60 tuổi trở lên) tiếp tục tham gia LLLĐ hiện cao hơn 10 năm trước rất nhiều. Nếu như năm 2009, tỷ lệ tham gia LLLĐ của nhóm dân số tuổi già là 5,8%, thì cuối năm 2019 đã nâng lên 7,9%.

Số người 60 tuổi trở lên tham gia LLLĐ tăng lên, nhưng thu nhập của nhóm dân số này không cao so với lao động thuộc các nhóm tuổi khác, nhất là nhóm tuổi 25 - 59. Theo phân tích của TCTK, trong 100 lao động thuộc nhóm tuổi 25 - 59 thì có khoảng 17 người có mức sống “giàu nhất”; còn với nhóm tuổi già chỉ có 5,5 người.

Theo dự báo, khoảng 15 - 20 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển sang cơ cấu dân số già. Bước vào năm 2035, nước ta sẽ có 20% dân số, tương ứng khoảng 21 triệu người cao tuổi; đến năm 2049, tỷ lệ này khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân sẽ có một người cao tuổi.

Số người cao tuổi trong tương lai gần này là số lao động trong độ tuổi 25 - 59 hiện nay. Trong khi đó, hiện LLLĐ chính này vẫn có tới 76,9% chưa được đào tạo CMKT; thậm chí nhiều lao động DTTS không biết chữ, không có sinh kế ổn định khi không có đất sản xuất, thiếu vốn…

Chính vì vậy, đẩy mạnh đào tạo nghề ngắn hạn tiếp tục là giải pháp cần thiết để chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho LĐNT, lao động DTTS. Đây cũng là giải pháp “đi tắt, đón đầu” để ứng phó với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra.

Một vấn đề cũng cần được các nhà hoạch định chiến lược lưu ý, theo TCTK, hiện vẫn còn khoảng 8,3% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông không đi học. Cùng với đó, cả nước vẫn còn 13,3% thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo. Nếu không có giải pháp, thì LLLĐ “nhiều không” này sẽ kế cận số lao động trình độ thấp hiện nay. Vậy, chất lượng nguồn lao động của nước ta sẽ ở vị trí nào trên bản đồ lao động thế giới?