Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam nhìn về “Sắc màu di sản”

Phạm Văn Thắng - 19:13, 27/03/2022

Chương trình du lịch “Sắc màu di sản”, là 1 trong 6 nội dung chính hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 của Quảng Nam, dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 9 - 12/2022, nhằm góp phần phục hồi và phát triển ngành Du lịch, đồng thời quảng bá hình ảnh mới của thương hiệu Quảng Nam - Du lịch xanh.

Phố cổ Hội An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ của hơn 1.000 di tích.
Phố cổ Hội An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ. (Ảnh TL)

Đành rằng điểm nhấn của “Sắc màu di sản” Quảng Nam là các di sản văn hóa thế giới (Phố cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn), Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Nghệ thuật hô, hát Bài Chòi… Nhưng, trong thời gian qua Quảng Nam còn tạo nên những sản phẩm du lịch “vệ tinh” xung quanh các di sản văn hóa thế giới như rừng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà (Hội An); trải nghiệm du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây (thị xã Điện Bàn), làng Trà Nhiêu (Duy Sơn), làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên).

Xa hơn một chút về phía Tây xứ Quảng có các làng Bhờ Hôồng, Dhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara, thác Grăng (Nam Giang), làng truyền thống Cơ Tu, Vườn cây di sản Pơ mu (Tây Giang), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Vườn sâm Tăk Ngo (Nam Trà My)...

Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách tham quan du lịch.
Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách tham quan du lịch (Ảnh TL)

Xuôi về phía Nam có Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ), Khu du lịch hồ Phú Ninh (Phú Ninh), Hố Giang Thơm (Núi Thành)… vừa để giảm áp lực du khách đến các khu di sản vào mùa cao điểm, vừa góp phần khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, tạo sinh kế cho người dân, giúp du khách trong và ngoài nước hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa Quảng Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những “di sản” đã được quảng bá, được các công ty du lịch lữ hành khai thác, tổ chức đưa du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, vẫn còn đó không ít những “vỉa trầm” chưa được chú ý đúng mức. Ngoài những làng nghề vừa nêu, Quảng Nam còn có các làng nghề nổi tiếng như nghề làm chiếu ở Bàn Thạch (Duy Xuyên), Triêm Tây (Điện Bàn), Thạch Tân (Tam Kỳ); nghề mộc ở Kim Bồng (Hội An), Văn Hà (Phú Ninh); nghề chằm nón ở Xuyên Đông, Mã Châu (Duy Xuyên), Mông Lãnh, Dưỡng Mông (Quế Sơn); nghề làm mành sáo, làm trống ở Lâm Yên (Đại Lộc); nghề thêu trướng, hoành phi liễn đối ở Ngũ Giáp (Điện Bàn); làm mì ở Phú Chiêm (Điện Bàn); làm bún ở Chợ Chùa (Duy Xuyên); làm đồ gốm ở Thanh Hà (Hội An)… Đặc biệt là những làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Bảo An, Mã Châu, Thi Lai, Đông Yên… đã nổi tiếng với sản phẩm lụa trắng từ giữa thế kỷ XVI.

Quảng Nam vừa là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Chăm Pa, vừa là nơi lưu giữ nhiều ký ức đẹp của lịch sử như Dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Bàn) - kinh đô thứ hai ở Đàng Trong, một trong những chiếc nôi ra đời của chữ Quốc ngữ; khu lăng mộ “Bà chúa tằm tang” Đoàn Quý Phi ở Duy Xuyên... cùng trên 260 di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, trong đó có 15 di tích xếp hạng quốc gia.

Nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc được tổ chức tại Lễ hội Bà Thu Bồn.
Nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc được tổ chức tại Lễ hội Bà Thu Bồn (Ảnh TL)

Giá trị văn hóa của Quảng Nam còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên vùng đất này. Điển hình như Lễ hội Bà Thu Bồn (Duy Xuyên), Lễ hội rước Cộ Bà (Thăng Bình), Lễ tế Cá Ông (Hội An), Lễ hội Vây cọp (Tiên Phước), Lễ hội Đâm trâu... của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Văn hóa ẩm thực cũng phong phú, đa dạng. Thức ăn có mì Quảng, cao lầu Hội An, bê thui Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng đập, giò ốc, ốc vú nàng (Cù Lao Chàm)…

Ngày nay, du khách có nhu cầu đi du lịch nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Họ thích sống chậm nên chọn đi du lịch để khám phá bản thân và thế giới, kết nối, trò chuyện với người dân địa phương. Họ học cách sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, tìm kiếm trải nghiệm có ý nghĩa để phát triển tiềm năng của bản thân, tạo động lực để thay đổi phong cách sống và công việc sau khi trở về nhà. Nhiều sản phẩm du lịch đã được tạo ra cho phép du khách có trải nghiệm mới và thay đổi nhân sinh quan như là du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông trại, du lịch khám phá, du lịch văn hóa… đã và đang hút khách.

Để phát triển du lịch đáp ứng kịp thời theo xu thế, nhu cầu của du khách, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và chính quyền địa phương các cấp của Quảng Nam cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phục hồi các di tích; đầu tư phát triển sản phẩm của các làng nghề truyền thống; giáo dục ý thức giữ gìn môi trường; quảng bá các di sản văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho người dân sống xung quanh di sản văn hóa, để họ có thể phát huy di sản.