Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mơ Hra - Điểm đến hấp dẫn trên đại ngàn Tây Nguyên

Hà Đức Thành - 16:54, 22/12/2021

Là vùng đất còn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Ba Na, mô hình du lịch cộng đồng ở làng Mơ H’ra (xã Kon Lơng Khơng, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) là một trong những điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng đã và đang được nhân rộng, phát huy.

Đồng bào Ba Na ở Mơ H'ra biểu diễn cồng chiêng
Đồng bào Ba Na ở Mơ H'ra biểu diễn cồng chiêng

Nếu nói công việc làm báo là những chuyến đi, thì tôi đã có nhiều chuyến đi ý nghĩa về với buôn, làng và có những trải nghiệm tuyệt vời về đất và người Gia Lai - vùng Cao nguyên đầy nắng, đầy gió. Trong những chuyến hành trình như thế, tôi và các đồng nghiệp (Đài PT-TH Gia Lai) đã tìm về mạch nguồn văn hóa truyền thống của những cư dân Tây Nguyên, với những giá trị độc đáo mà cộng đồng người Ba Na, Gia Rai ở các buôn làng vẫn đang lưu giữ...

Bao đời nay, đồng bào Ba Na vẫn nằm lòng câu ca xưa: “Chán kẻ khác xin hãy đến với ta. Cho bữa ăn chẳng bao giờ hụt hẫng. Cho ghè rượu chẳng bao giờ vơi…” Câu hát như lời mời gọi của đại ngàn đã huyễn hoặc, làm say mê trái tim của bao người. Và chúng tôi-những người làm báo thật may mắn và vinh dự khi trở thành cầu nối chuyển tải và lan tỏa những thông điệp, câu chuyện văn hóa của vùng đất đại ngàn.

Chiều Tây Nguyên, khi mây giăng kín bao phủ cả một vùng trời, cơn mưa rừng nặng hạt đổ xuống, dù không thể lên nương, nhưng bà con Ba Na làng Mơ H’ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang ai cũng cảm thấy hồ hởi khi nhận được tin báo của già làng Đinh Hmưnh: Có đoàn khách du lịch 30 người từ TP.Hồ Chí Minh đến thăm làng. Niềm vui lan tỏa khi làng đón bạn phương xa tới, được giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của người Tây nguyên trên quê hương Kbang anh hùng, vui hơn là bà con sẽ có cơ hội kiếm thêm thu nhập từ công việc còn khá mới mẻ - “Nghề du lịch”.

Già Đinh Hmưnh bộc bạch: “Làm du lịch là công việc còn rất mới lạ, trong làng chưa nhiều người biết nhưng ai nấy cũng rất vui, phấn khởi vì làng mình được nhiều người đến thăm. Bà con sẽ cố gắng hết sức để giới thiệu cho khách biết về ngôi nhà rông truyền thống đẹp nhất vùng, biết bộ trang phục thổ cẩm của người Ba Na; giới thiệu cồng chiêng, múa xoang, và mời khách uống rượu cần... Mong sao mỗi lần đến làng khách được vui, hài lòng và sẽ trở lại nhiều lần nữa.”

Mỗi người một việc, người thì làm cơm phục vụ, người thì chuẩn bị diễn tấu cồng chiêng, đàn T’rưng; có người thì làm hướng dẫn viên dẫn đoàn tham quan một số danh thắng của địa phương, giới thiệu các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ từ đan lát, dệt thổ cẩm cho đến chế tác nhạc cụ, tất cả mang thương hiệu và là đặc sản của làng. Những vị khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng và bất ngờ trước cách làm du lịch rất riêng nhưng cũng khá thú vị của bà con Ba Na nơi đây.

Những món ăn dân dã, quen thuộc của dân làng, từ cơm lam, cà đắng lá mì, cho đến cá suối nướng, gà nướng... đã được du khách ưa thích, tấm tắc khen ngon. Đặc biệt, trong không gian sắc màu âm nhạc truyền thống với tiếng đàn T’rưng réo rắc có cả đội cồng chiêng cùng với đội thiếu nữ múa xoang bên ánh lửa bập bùng. Ghè rượu vơi rồi lại đầy, hương men say nồng, chếnh choáng, nhịp chiêng ngân xa, vòng xoang nối dài đã mang đến cho những vị khách phương xa món ăn tinh thần đậm đà hương sắc của núi rừng Tây Nguyên, để rồi như muốn níu chân người đi sẽ lại tìm về...

Ông Huỳnh Công Hiếu, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Bà con đã kể cho chúng tôi nghe, thấy được một câu chuyện văn hóa riêng của chính buôn làng mình, điều này là rất quý, rất tuyệt vời. Ấn tượng ở đây khác với các điểm du lịch khác chính là sự mộc mạc, thuần khiết mà bà con đem đến cho khách. Món ăn được làm từ vườn, trang phục do bà con tự thêu dệt, bản nhạc cồng chiêng do bà con tự biểu diễn...với tôi là điều rất tuyệt vời và chắc chắn tôi sẽ trở lại đây nhiều lần nữa.”

Du khách khám phá và trải nghiệm nghệ thuật cồng chiêng của người Ba Na
Du khách khám phá và trải nghiệm nghệ thuật cồng chiêng của người Ba Na

Có thể nói, “đánh thức” các giá trị văn hóa truyền thống lâu nay còn “ngủ quên” bằng việc khôi phục, nâng tầm di sản trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn chính là hướng đi đã giúp cho làng Mơ H’ra trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Gia Lai. Nhất là khi năm 2019, Hội đồng Anh đã lựa chọn làng Mơ H’ra để thực hiện dự án “Di sản kết nối”, với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Ba Na nâng cao được chất lượng các sản phẩm đặc trưng của địa phương, từng bước hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng, biến nó thành sinh kế, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Theo ông Đinh Đình Chi, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kbang, dự án “Di sản kết nối”, vừa giúp địa phương xây dựng, khôi phục lại các thiết chế văn hóa thiết yếu như: Nhà Rông truyền thống, các hiện vật đặc trưng cho đời sống văn hóa, tâm linh của người Ba Na, quan trọng hơn là đã giúp bà con khơi thông tư duy, tiếp cận được với cách làm du lịch – Một công việc còn rất mới mẻ. “Khi triển khai Dự án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản bà con làng Mơ H’ra hồ hởi đón nhận, thực tế bà con đã làm rất tốt, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với địa phương. Hiệp hội du lịch cộng đồng Việt Nam cũng đánh giá làng Mơ H’ra đã cơ bản đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch. Một điều rất đáng mừng là mô hình này đã khuyến khích giới trẻ nhận thức được giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên và biến nó thành sinh kế, góp phần vào sự phát triển của đời sống cộng đồng Ba Na”. – Ông Chi cho biết.

Mô hình du lịch cộng đồng Mơ H’ra là một trong những minh chứng sinh động cho hướng đi mới đã và đang được ngành du lịch tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện đó là: Biến các di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển du lịch, từ đó có điều kiện quay trở lại đầu tư cho di sản. Nghĩa là, di sản phải tự sống được, phải có ý nghĩa, gắn với đời sống đương đại hôm nay - “Luồng gió mới” này đã lan tỏa sâu rộng ở Gia Lai.

Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được tỉnh quan tâm đầu tư, phục dựng, nâng lên một tầm cao mới; các nghệ nhân dân gian nắm giữ di sản được tôn vinh, có cơ hội, điều kiện truyền lại cái vốn quý văn hóa cho thế hệ trẻ. Qua đó, giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu và tự mình có ý thức trân quý, gìn giữ các giá trị di sản là bản sắc văn hóa của dân tộc mình từ kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực...

Cũng từ đây, hình thành những ngôi làng, mô hình du lịch cộng đồng như: Mơ H’ra, S’tơr, Plei Ốp, Đê K’Tu... Đáng mừng hơn là hiện nay các sản phẩm du lịch cộng đồng ở Gia Lai không bó hẹp trong phạm vi buôn làng mà đã kết nối vào hệ thống sản phẩm du lịch cộng đồng trong cả nước, gồm các điểm như: A Lưới-Huế; Tây Giang-Quảng Nam; Kon Kê Tu-Kon Tum.... được rất nhiều khách du lịch đón nhận.

Chia tay Mơ H’ra khi bình minh vừa ló rạng, chúng tôi vẫn nghe đâu đây âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng trầm hùng, mang âm hưởng tươi vui như mỗi khi vào mùa lễ hội… Có lẽ những vị khách phương xa vẫn đang còn lưu lại đầy quyến luyến. Rồi đây, khi những mô hình du lịch cộng đồng như ở làng Mơ H’ra phát triển sẽ đánh thức cả một miền đất bừng lên sức sống mới, những buôn làng Gia Lai vốn lặng lẽ thưa vắng sẽ tấp nập, vui tươi hơn chào đón du khách thập phương đến khám phá và trải nghiệm…