Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Loay hoay giải cứu những dòng sông “chết” ở Hà Nội

Sỹ Hào - 06:06, 08/04/2024

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cùng với UBND TP. Hà Nội xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng, dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026 - 2030. Một trong những mục tiêu của đề xuất là “hồi sinh” những dòng sông “chết” trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ý tưởng này là khó khả thi.

Loay hoay giải cứu những dòng sông “chết” ở Hà Nội
Sông Tô Lịch vẫn “chết” sau nhiều nỗ lực hồi sinh.

Vấn đề lớn

Tình trạng ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn Thủ đô, không phải bây giờ mới được đề cập. Danh sách những dòng sông “chết” đang có nguy cơ kéo dài ra, với sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Lừ,...

Ý tưởng giải cứu những dòng sông “chết” ở Hà Nội cũng đã được bàn nhiều lần, trong hội thảo lẫn trên diễn đàn của HĐND thành phố và trên nghị trường Quốc hội. Nhiều đề án, dự án đã, đang được tiến hành với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư.

Nhưng hầu như tất cả vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đơn cử như sông Tô Lịch, bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước cho con sông này.

Kế đó, rất nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên sông Tô Lịch như: tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao... đã được triển khai. Nhưng với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp qua hàng trăm ống xả thải trực tiếp, hiện nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh.

Để cứu sông Tô Lịch và một số dòng sông “chết” khác trên địa bàn Thủ đô, dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (trên địa bàn huyện Thanh trì), với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng đã được triển khai từ tháng 10/2016. 

Dự án được kỳ vọng hồi sinh các con sông đang ô nhiễm nghiêm trọng như sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ. Mặc dù là dự án cấp bách, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn hoàn thiện các hangh mục quan trọng.

Loay hoay giải cứu những dòng sông “chết” ở Hà Nội 1
Cống Long Tửu là công trình đầu mối của hệ thống Bắc Đuống, nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội.

Việc giải cứu những dòng sông “chết” trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn đang loay hoay ở các giải pháp mang tính thử nghiệm, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, một số dòng sông còn ô nhiễm trầm trọng hơn; ô nhiễm môi trường tại các con sông ở Thủ đô trở thành vấn đề “đại sự”.

Xây đập dâng có khả thi?

Câu chuyện giải cứu những dòng sông “chết” trên địa bàn Thủ đô được xới xáo lại tại Hội nghị công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (diễn ra ngày 21/3/2024). Trong quy hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Tại sự kiện này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sẽ đề nghị UBND TP. Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng. Mục tiêu của dự án là đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông; đồng thời góp phần “hồi sinh” những dòng sông “chết” trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hà Nội nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng (đoạn qua Văn Giang - Hưng Yên) và đập Long Tửu (đoạn qua Đông Anh - Hà Nội) trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. 

Khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, Đáy hay thậm chí Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Bộ NN&PTT khẳng định, khi có đập dâng, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào giai đoạn 2026 - 2030.

Tuy nhiên, theo GS. Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT), việc xây dựng đập dâng có tác động ngược lại chứ không thể làm “sống” lại những dòng sông “chết” của Hà Nội. Mục đích của đập dâng, chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập; còn ô nhiễm sông thường xảy ra ở phía hạ lưu.

“Nếu như chúng ta ngăn ở trên lại, dòng nước xuống dưới ít thì lại càng ô nhiễm cho hạ lưu, chất thải đổ ra không được dòng nước rửa trôi”, GS. Vũ Trọng Hồng cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, việc xây đập dâng để nâng mực nước sông Hồng chỉ là giải pháp phần ngọn. Vấn đề cốt lõi là phải thu thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất trước khi đổ xuống sông. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì dù nước sông Hồng có được dẫn thì các dòng sông nội đô vẫn sẽ ô nhiễm.

Loay hoay giải cứu những dòng sông “chết” ở Hà Nội 3
Liên quan đến xây dựng đập dâng trên sông Hồng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước và đã nghiệm thu vào năm 2020. (Trong ảnh: Đoàn công tác Viện Quy hoạch thủy lợi khảo sát thực trạng thượng lưu các công trình thủy lợi dọc sông Hồng như cống Xuân Quan, Liên Mạc; trạm bơm Đan Hoài, Thanh Điềm, Ấp Bắc… )

“Quan trọng hơn, khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại”, ông Huân cho biết.

Tại một hội thảo do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá ảnh hưởng của hạ thấp mực nước sông Hồng và các giải pháp giảm thiểu, TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những tác động môi trường, cảnh quan đối với việc xây dựng 2 đập dâng. 

Ông Tứ nhấn mạnh, để có thể “hồi sinh” các con sông nội đô Hà Nội, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây ô nhiễm từ nguồn thải, loại và số lượng nước thải để từ đó đưa ra các giải pháp khác nhau, khả thi và phù hợp với từng giai đoạn về nguồn lực thì mới bảo đảm thành công.

Theo các chuyên gia, các dòng sông trên địa bàn Thủ đô bị ô nhiễm không liên quan gì đến việc xây dựng đập dâng. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm và “hồi sinh” các dòng sông “chết” của Thủ đô phải xem xét toàn diện nhiều mặt, nhiều lĩnh vực; được đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết với các ngành khác. Việc chỉ xây đập dâng để cứu các dòng sông nội đô của Hà Nội hiện nay là giải pháp khó khả thi.