Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi): Dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan

PV - 16:59, 13/12/2022

Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

Chiều 13/12, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày cho biết mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

Tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan. Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội.

Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến tham gia của Nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào chiều 13/12 - Ảnh: VGP/ĐH
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào chiều 13/12 - Ảnh: VGP/ĐH

Lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Về đối tượng, nội dung và hình thức lấy ý kiến nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho hay, đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức ở Trung ương: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước.

Các cơ quan nhà nước ở địa phương, gồm: HĐND, UBND, TAND và Viện KSND.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.

Về nội dung lấy ý kiến: Toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Việc tổ chức lấy ý kiến thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Thông qua Cổng TTĐT của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí. Điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật và các hình thức khác phù hợp.

Chính phủ đề nghị thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.

Tờ trình của Chính phủ cũng đề cập đến trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Cụ thể, Chính phủ xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao tổ chức lấy ý kiến TAND, Viện KSND các cấp và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân của ngành mình.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân của địa phương.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân.

Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm đăng tải, tuyên truyền, phố biến, phản ánh các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan, phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân; tổng hợp các ý kiến gửi về Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo) trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Sau khi nghe báo báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến về nội dung này./.