Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiên Giang: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình MTQG 1719

Thanh Phong (thực hiện) - 04:14, 26/11/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình, Kiên Giang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Danh Phúc, Tỉnh ủy viên - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang.

Tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo
Tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo

PV: Xin ông cho biết tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 trên địa bàn huyện tỉnh Kiên Giang.

Ông Danh Phúc: Chương trình MTQG 1719 triển khai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được thực hiện với 9 dự án và 11 tiểu dự án, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 446.627,8 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 388.372 triệu đồng. Ngân sách địa phương: 58.255,8 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/10/2023 nhiều dự án, tiểu dự án đã tiếp tục được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân các dự án, tiểu dự án tương đối thấp. Cụ thể: Dự án 1 về Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đã giải ngân là 12.979,4/74.453 triệu đồng, đạt 17,4% (trong đó 9.393 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 20,02%; 3.586,4 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 13,02%).

Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tiểu dự án 1 về Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, vốn sự nghiệp phân bổ là 714 triệu đồng, giải ngân được 52,9 triệu đồng, đạt 7,41%. Tiểu dự án 2, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS, vốn sự nghiệp phân bổ là 4.211 triệu đồng, giải ngân được 441,7 triệu đồng, đạt 10,5%.

Tiểu dự án 1 (Dự án 4) về Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, vốn phân bổ là 79.789,3 triệu đồng, giải ngân được 20.977,7 triệu đồng (20.774 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 26,8%; 203,7 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 8,7%).

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh
Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiểu dự án 1 về Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS, vốn phân bổ là 22.157,4 triệu đồng, giải ngân được 210,5 triệu đồng. Tiểu dự án 2 về Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vốn sự nghiệp phân bổ là 8.767 triệu đồng, giải ngân được 540 triệu đồng đạt 6,2%. Tiểu dự án 3 về Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS, vốn sự nghiệp phân bổ là 63.474 triệu đồng, giải ngân được 15.621,1 triệu đồng đạt 24,6%. Tiểu dự án 4 về Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp, vốn sự nghiệp phân bổ là 1.480,7 triệu đồng. Đến nay chưa giải ngân được nguồn vốn.

Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, vốn phân bổ là 13.290,6 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 8.989,6 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 4.301 triệu đồng), giải ngân được 2.309,2 triệu đồng (674,4 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 7,5%; 1.634,8 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 38%).

Dự án 7 về Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, vốn sự nghiệp phân bổ là 3.025 triệu đồng, giải ngân 610,1 triệu đồng, đạt 20,2%.

Dự án 8 về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, vốn sự nghiệp phân bổ là 2.683 triệu đồng, giải ngân là 467,3 triệu đồng, đạt 17,4%.

Dự án 9 về Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, Tiểu dự án 2 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, vốn sự nghiệp phân bổ là 2.161,5 triệu đồng, giải ngân 409.6 triệu đồng, đạt 18,9%.

Dự án 10 về Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình. Tiểu dự án 1 về Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, vốn sự nghiệp phân bổ là 6.941 triệu đồng, giải ngân 1.597,1triệu đồng, đạt 23%. Tiểu dự án 2về Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, vốn phân bổ là 773,7 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 481,7 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 292 triệu đồng), giải ngân 39 triệu đồng (chưa giải ngân vốn đầu tư phát triển; 39 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 13,4%). Tiểu dự án 3 về Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình, vốn sự nghiệp phân bổ là 887,8 triệu đồng, giải ngân 103,4 triệu đồng, đạt 11,6%.

Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025
Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025

PV: Xin ông cho biết, hiện nay, Kiên Giang đã và đang làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719?

Từ kết quả bước đầu trong thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình, ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 3,68%, giảm 1,05% so với năm 2022. Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ. Ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (vốn đầu tư) và năm 2021, 2022, 2023 thực hiện Chương trình đã được phân bổ để thực hiện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã nỗ lực, quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Tỉnh Kiên Giang đã ban hành các văn bản nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Ngày 10/10/2023 Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, Kiên Giang có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, nắm tình hình việc triển khai Chương trình để có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót.

Đồng thơi, tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Chương trình. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình; chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương trong triển khai Chương trình.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân tộc, khẳng định việc triển khai thực hiện tốt Chương trình là góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, của tỉnh, của đất nước.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Giồng Riềng (Kiên Giang) ngày càng được nâng lên
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Giồng Riềng (Kiên Giang) ngày càng được nâng lên

PV: Ông cho biết về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp của địa phương để đảm bảo tiến độ, đạt mục đích, ý nghĩa Chương trình MTQG?

Trong quá trình triển khai do Chương trình MTQG 1719 có quy mô lớn, nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, nên việc phối hợp còn hạn chế. Công tác tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung và giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2022, năm 2023 của Chương trình 1719 còn chậm.

Đối với dự án 1 về Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đối với vốn sự nghiệp không giải ngân hết do không còn đối tượng để hỗ trợ (chính sách chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán).

Đối với tiểu dự án 1, dự án 3: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc lựa chọn đối tượng tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng còn khó khăn, đối tượng phải là hộ nghèo, cận nghèo, đa số các hộ này đời sống còn khó khăn họ không tham gia để thực hiện dự án, vì vậy nguồn vốn phân bổ không sử dụng hết.

Đối với Tiểu dự án 1, Dự án 5: Xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS, việc huy động đối tượng tham gia các lớp xóa mù chữ gặp khó khăn, đối tượng đi làm ăn xa, các đối tượng còn lại không chịu tham gia lớp học, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch vốn được giao.

Người tham gia học nghề đa số là lao động chính trong gia đình, họ không có nhu cầu tham gia đào tạo nghề nên gặp khó khăn khi tổ chức các lớp đào tạo thuộc Tiểu dự án 3, dự án 5: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn từ các cơ quan trung ương, Ủy ban Dân tộc; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành trong tổ chức, triển khai thực Chương trình. Chương trình đã huy động được tổng hợp các nguồn lực để thực hiện, bao gồm cả nguồn ngân sách của trung ương, của tỉnh, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc giúp đỡ hướng dẫn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Chương trình đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống người dân... Nên đã tạo được niềm tin của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trân trọng cảm ơn ông!