Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khánh Hoà: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Hoàng Thanh- CTV - 05:41, 01/12/2023

Với hơn 72 nghìn người là đồng bào DTTS, gồm 35 dân tộc, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, những năm qua, Khánh Hòa đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực để phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi. Lĩnh vực giáo dục của tỉnh Khánh Hòa đã có những chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả.

(BCĐ- CHuyên đề KHánh Hòa): Khánh Hoà: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
Học sinh Trường Tiểu học Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa

Nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục được triển khai hiệu quả

Đơn cử như với bậc học mầm non, căn cứ khoản 2, Điều 4, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 quy định: Cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non là 3.070.000 đồng/tháng/45 trẻ, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm học. Mức quy định này của tỉnh cao hơn mức quy định trong Nghị định số 105 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hoà còn được hỗ trợ chi phí học tập. Ở bậc học mầm non, mức hỗ trợ mỗi em là 290.000 đồng/tháng; bậc tiểu học là 260.000 đồng/tháng… Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã dành hơn 121,5 tỷ đồng để hỗ trợ tiền ăn, học bổng, nhà ở, miễn giảm học phí, chi phí học tập… cho học sinh thuộc hộ nghèo, khuyết tật, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thầy Huỳnh Tấn Lộc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh phấn khởi nói, nhờ những sự hỗ trợ này đã phần nào giúp các em học sinh dân tộc thiểu số không phải bỏ học giữa chừng. Mức hỗ trợ tuy không lớn nhưng giúp nhà trường và gia đình học sinh đạt được hai mục tiêu. Một là nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh. Trẻ em không còn phải theo cha mẹ lên rẫy, lên rừng mà được tới trường học bán trú, được ăn những bữa trưa no, ngon miệng, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao thể chất. Hai là, với các gia đình dân tộc thiểu số, đây cũng là một giải pháp góp phần giảm nghèo thông qua việc tiết giảm các chi phí xung quanh việc đi học của con cái.

Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh đến trường, tỉnh Khánh Hòa còn chú trọng đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dậy và học tập cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

(BCĐ- CHuyên đề KHánh Hòa): Khánh Hoà: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục 1
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Cam Đức 1 (huyện Cam Lâm).

Năm học 2023-2024, Khánh Hòa có 37 trường mầm non, 56 trường tiểu học, 21 trường THCS, 11 trường THPT được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, trang thiết bị dạy học, ước tính tổng kinh phí thực hiện trong năm 2023 hơn 701 tỷ đồng. Theo đó, nhiều trường đã được nâng cấp sửa chữa, xây mới khang trang. Điển hình như:

Trường Mầm non Anh Đào (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) nhờ nguồn kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng, thay vì 3 điểm trường rải rác, trường đã nhập lại 1 điểm trường tại thôn A Pa 1. Giờ đây trường đã có nhiều đổi khác, đủ chỗ học cho gần 300 HS người Raglai.

Còn tại điểm trường Tà Giang 2: Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) vừa được xây lại với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Giờ đây trường đã có 5 phòng học, 1 phòng thiết bị; bàn ghế, bảng viết mới; hệ thống nước sạch cũng đã hoàn thành lắp đặt. Đồng thời, điểm trường thôn Tà Giang 2 vừa xây mới 4 phòng bộ môn, nâng cấp khu nội trú, nhà ăn, bếp, công trình vệ sinh, nước sạch và một số công trình phụ trợ khác, với hơn 14 tỷ đồng đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Đây là mức đầu tư nâng cấp lớn nhất kể từ khi thành lập trường đến nay. Trường có 1 điểm chính và 3 điểm phụ với tổng cộng 625 học sinh người Raglai. Năm học 2023-2024, trường có 240 học sinh (100% là người Raglai) thuộc các xã: Cam Thịnh Tây; Cam Phước Đông - huyện Cam Ranh và Sơn Tân - huyện Cam Lâm). Từ năm học 2023 - 2024, tất cả 108 HS ở điểm trường Tà Giang 2 sẽ được học 2 buổi/ngày; các em từ lớp 3 trở lên được học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình mới…

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh (xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh) cũng đã có cổng mới, màu sơn mới, khu phòng học bộ môn, nhà ăn riêng, sân sau được đổ bê tông... Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trong các dự án đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 cho các trường dân tộc nội trú có 3 dự án (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 34,2 tỷ đồng. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa còn có chính sách hỗ trợ thêm cho học sinh, sinh viên đồng bào DTTS và giáo viên dạy học sinh người DTTS.

(BCĐ- CHuyên đề KHánh Hòa): Khánh Hoà: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục 2
Các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh bên khu nội trú vừa xây mới.

Tiếp tục đổi mới về giáo dục đào tạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh vẫn đứng trước không ít khó khăn như: Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế; một bộ phận giáo viên còn chậm đổi mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa đồng bộ; chất lượng GD ở một số vùng khó khăn chưa cao; nguồn lực thu hút đầu tư cho GD chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đồng đều giữa các huyện, thị xã, thành phố...

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, ngành GD tỉnh phấn đấu tiếp tục tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên các cấp học cơ bản đáp ứng theo yêu cầu. Theo đó, kết quả nổi bật trong đổi mới công tác quản lý giáo dục của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua đó là việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường. Trên cơ sở đó, các nhà trường đã chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống... Ngành giáo dục cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa môn Ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến Trung học phổ thông; tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đổi mới phương pháp dạy học… phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

(BCĐ- CHuyên đề KHánh Hòa): Khánh Hoà: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục 3
Học sinh trường dân tộc nội trú Cam Ranh với các hoạt động sáng tạo ngoài giờ học. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống trường, lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa mới và hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên gần 66% vào năm 2025. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách mở để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”.

Trong Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 15/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ 15%; tỷ lệ mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường 82%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 99,5%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 99,95%, học trung học cơ sở trên 98%, học trung học phổ thông và trung cấp nghề trên 70%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 98%.