Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Yên Bái: Tăng cường phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS

Văn Hoa - 05:43, 30/11/2023

Những năm qua, Yên Bái luôn quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục vùng DTTS và miền núi với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt và nhân văn. Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) có ý nghĩa đặc biệt, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống các trường học được đầu tư khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học cho học sinh (Trong ảnh: Cô và trò Trường Mần non Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Ảnh TL)
Hệ thống các trường học được đầu tư khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học cho học sinh (Trong ảnh: Cô và trò Trường Mần non Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Ảnh TL)

Đáp ứng yêu cầu dạy và học

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, THCS Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải có 534 học sinh, trong đó có 532 học sinh là người DTTS (chủ yếu là dân tộc Mông, Thái), học sinh thuộc hộ nghèo là 360 em học sinh. Trước kia, cả trường chỉ có 1 phòng bếp khoảng 56 mét vuông và 1 nhà ăn tạm, rộng chừng 50 mét vuông, rất khó khăn cho việc bố trí bữa ăn cho 316 em học sinh.

Thầy Lê Hải Đăng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, THCS Cao Phạ cho biết, nhờ nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nhà trường được đầu tư 2 tỷ, 311 triệu đồng xây dựng bếp ăn. Học sinh trong trường đã có bếp ăn mới 2 tầng, mỗi tầng rộng 128 mét vuông. Có bếp ăn mới rộng rãi, có quạt mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông, hệ thống vận chuyển thức ăn thuận tiện, đảm bảo vệ sinh, giúp các em học sinh đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể chất và yên tâm học tập. Đặc biệt, ngoài giờ ăn, phòng ăn là một không gian yên tĩnh, để học sinh tự học sau mỗi giờ lên lớp.

Phòng ăn Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, THCS Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải. Do được đầu tư khang trang, có quạt mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông, có hệ thống bàn học, ánh sáng đầy đủ nên đây là nơi lý tưởng cho các em học sinh tự học
Phòng ăn Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, THCS Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải. Do được đầu tư khang trang, có quạt mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông, có hệ thống bàn học, ánh sáng đầy đủ nên đây là nơi lý tưởng cho các em học sinh tự học

Ngoài việc hỗ trợ bếp ăn, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, học sinh trong nhà trường còn được tham dự các buổi tập huấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do ban Dân tộc tỉnh tổ chức; hội nghị về bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe sinh sản do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức. Nhờ đó, học sinh có thêm kiến thức để phòng ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, biết cách chăm sóc sức khỏe của mình hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường còn được đầu tư trang thiết bị dạy học như ti vi thông minh, máy tính xách tay. Đặc biệt, các em học sinh còn được hỗ trợ tiền ăn, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, được hỗ trợ thẻ bảo hiểm…, giúp các em yên tâm tới trường, tập trung và đạt những kết quả tích cực trong học tập.

Theo Báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Mù Căng Chải, thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Mù Căng Chải dành 22,981,96 triệu đồng, đầu tư xây dựng cho Trường PTDT bán trú - Tiểu học Khao Mang, xã Khao Mang; Trường PTDT bán trú - Tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm Có; Trường PTDT bán trú - THCS Cao Phạ; Trường PTDT bán trú - Tiểu học và THCS xã La Pán Tẩn.

 Đến nay, một số công trình đã hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu dạy và học cho các trường. Nhờ đó góp phần nâng cao chất giáo dục cho học sinh trên địa bàn huyện.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, THCS Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải được đầu tư khang trang. Hiện nhà trường có 534 học sinh, trong đó có 532 học sinh là người DTTS
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, THCS Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải được đầu tư khang trang. Hiện nhà trường có 534 học sinh, trong đó có 532 học sinh là người DTTS

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719, 11 tháng năm 2023 của UBND tỉnh Yên Bái. Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đối với nguồn vốn đầu tư, tỉnh Yên Bái tập trung đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, bán trú, có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS với kinh phí thực hiện là 108.099 triệu đồng (Vốn năm 2022 là 45.129 triệu đồng, năm 2023 là 62.970 triệu đồng). Các công trình được hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10/18 công trình, giải ngân 107.259 triệu đồng, đạt 99,22% kế hoạch.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, tỉnh Yên Bái thực hiện, với kinh phí 63 tỷ 950 triệu đồng, thực hiện 4 Tiểu dự án. Tiểu Dự án 1, đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, bán trú, có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS, tỉnh Yên Bái đã phân bổ vốn 34 tỷ 090 triệu đồng cho các huyện, thị. 

Hiện các huyện, thị xã giao phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì và đã hoàn thành việc mua sắm trang thiết bị cho các trường học, giải ngân 9 tỷ 008 triệu/34 tỷ 090 triệu đồng, đạt 16,58% kế hoạch.

Nghệ nhân Đặng Thị Thanh, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên truyền dạy sáo mũi (sáo cúc kẹ) của dân tộc Phù Lá cho học sinh
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên truyền dạy sáo mũi (sáo cúc kẹ) của dân tộc Phù Lá cho học sinh

Thực hiện Tiểu dự án 2 về Bồi dưỡng kiến thức dân tộc. Yên Bái đã phân bổ vốn 8 tỷ 218 triệu đồng. Sở Nội vụ đã tiến hành mở 3 lớp tiếng dân tộc Mông và bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 3, đối tượng 4, hiện đã thực hiện được 7/19 lớp (Số vốn còn lại 5.818 triệu đồng dự kiến 31/12 giải ngân 100% nguồn vốn giao).

Tiểu dự án 3 về Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo. Tỉnh Yên Bái đã phân bổ 7 tỷ 301 triệu đồng, các huyện đã tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và triển khai đặt hàng đào tạo nghề để mở các lớp nghề theo kế hoạch vốn được giao. Số vốn đã giải ngân 1 tỷ 573 triệu/7 tỷ 301 triệu đồng, đạt 21,54% kế hoạch.

Thực hiện Tiểu dự án 4 về Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã thực hiện, tổ chức 8 đoàn đi học tập, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tại một số tỉnh trong nước, 62/71 hội nghị tập huấn.

Có thể thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các tiểu dự án, nhất là Tiểu dự án 3, Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi; Tiểu dự án 4 về Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp, thuộc Dự án 5. Song, việc thực hiện các nội dung tiểu dự án của Dự án 5, đã phát huy tính hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Những ngôi trường tại tỉnh Yên Bái được đầu tư khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học. (Trong ảnh: Trường PTDTBTTH&THCS xã Kim Nọi, Mù Căng Chải)
Những ngôi trường tại tỉnh Yên Bái được đầu tư khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học. (Trong ảnh: Trường PTDTBTTH&THCS xã Kim Nọi, Mù Căng Chải)

Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG1719, tỉnh Yên Bái còn ban hành một số chính sách đặc thù, phù hợp vơí điều kiện thực tiễn của tỉnh, nhằm phát triển giáo dục đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đơn cử như Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, từ năm học 2023 - 2024 đến hết năm học 2025 - 2026 phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh trong thời gian tiếp theo;…

Nhờ sự quan tâm đặc biệt, với các giải pháp cụ thể, năm 2022, ngành giáo dục Yên Bái đứng thứ 24 toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đứng thứ 18 cả nước về phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; ngày càng có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế; đã có hàng trăm người xóa được mù chữ, được đào tạo nghề… Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái.