Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần sớm ban hành điều lệ trường dự bị đại học để nâng cao chất lượng đào tạo

Cù Hương - Tùng Nguyên - 06:50, 23/11/2023

Để đảm bảo chất lượng, cách thức và tổ chức thực hiện việc giáo dục được hiệu quả nhất, pháp luật quy định cụ thể điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, đối với các trường dự bị đại học (DBĐH) đến thời điểm này vẫn chưa có Điều lệ.

Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) tổ chức Lễ Khai giảng Năm học mới 2023 – 2024. (Trong ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân nhà trường tại Lễ khai giảng)
Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) tổ chức Lễ Khai giảng Năm học mới 2023 – 2024. (Trong ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân nhà trường tại Lễ khai giảng)

Chưa có Điều lệ

DBĐH là hệ thống trường chuyên biệt, ưu tiên dành cho học sinh DTTS. Các trường DBĐH có nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng cho con em đồng bào DTTS trước khi vào đại học, cao đẳng, nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Theo thống kê, cả nước hiện có 4 trường dự bị đại học dân tộc, gồm: Trường DBĐH dân tộc Trung ương, Trường DBĐH dân tộc Sầm Sơn, Trường DBĐH dân tộc Trung ương Nha Trang và Trường DBĐH TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng cho con em đồng bào DTTS trước khi vào đại học, cao đẳng còn được thực hiện tại hệ DBĐH của Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc và 03 khoa DBĐH dân tộc thuộc các trường: Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ và Đại học Trà Vinh. Từ năm học 2020 - 2021, Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cũng tham gia đào tạo hệ DBĐH, với quy mô ban đầu 35 học sinh.

Trước khi các trường DBĐH được chuyển giao cho Ủy ban Dân tộc (UBDT) quản lý (theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ), các trường DBĐH trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Bộ này cũng đã ban hành nhiều Thông tư về Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường DBĐH, gần đây nhất là Thông tư hợp nhất số 14/VBHN-BGDĐT ngày 6/5/2014. Tuy nhiên, hiện các trường DBĐH vẫn chưa có Điều lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc có hay không có điều lệ không quá quan trọng, chỉ cần có Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường là đủ. Tuy nhiên, cần phải làm rõ rằng, giữa Điều lệ và Quy chế có giá trị pháp lý khác nhau, từ đó tác động đến tổ chức và hoạt động của một cơ sở giáo dục.

Trường DBĐH có nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng cho con em đồng bào DTTS trước khi vào đại học, cao đẳng. (Trong ảnh: Trường DBĐH dân tộc Sầm Sơn, Thanh Hóa)
Trường DBĐH có nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng cho con em đồng bào DTTS trước khi vào đại học, cao đẳng. (Trong ảnh: Trường DBĐH dân tộc Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Theo Luật sư Nguyễn Cao Thông (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), “Điều lệ” là văn bản do quốc gia hoặc tổ chức xác lập điều chỉnh các vấn đề về hoạt động của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp xác định, các quan hệ với các tổ chức, cơ quan khác nhau và các công dân hoặc điều chỉnh hoạt động của các tổ chức khác nhau và công dân, các quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc hoạt động kinh tế cụ thể.

“Còn Quy chế là văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc quy phạm xã hội do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành, quy chế theo một trình tự, thủ tục nhất định, có hiệu lực đối với các thành viên thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế”, luật sư Thông cho biết.

Khoản 2 - Điều 53 Luật Giáo dục 2019 đã quy định: “Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục cụ thể hóa các nội dung của điều lệ nhà trường để áp dụng cho từng loại hình cơ sở giáo dục”. Cụ thể hóa ở đây được hiểu là Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục sẽ triển khai cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu Điều lệ nhà trường.

Hoàn thiện quy định

Thực trạng các trường DBĐH chưa có Điều lệ đã được UBDT chỉ ra trong quá trình rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020, UBDT xác định, các trường DBĐH chưa có Điều lệ nằm trong danh mục các chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực GD&ĐT chưa được ghi nhận hoặc chưa được cụ thể trong các văn bản pháp luật.

“Chưa có Điều lệ nên hệ thống trường DBĐH gặp khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo vì không có quy định về tổ chức và hoạt động của trường, như: tổ chức và nhân sự; cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học; tài sản và tài chính; thanh tra, kiềm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm, Vì vậy, cần xây dựng Thông tư ban hành Điều lệ trường DBĐH”, Báo cáo số 1533/BC-UBDT khẳng định.

Báo cáo số 1533/BC-UBDT cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Thông tư về Điều lệ trường DBĐH. Nhưng đến khi chuyển giao các trường DBĐH về cho UBDT quản lý theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các trường DBĐH vẫn tổ chức và hoạt động theo Quy chế được ban hành theo Thông tư hợp nhất số 14/VBHN-BGDĐT ngày 6/5/2014.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đến thăm và làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang tháng 12/2022. (Ảnh: Lê Phương)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đến thăm và làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang tháng 12/2022. (Ảnh: Lê Phương)

Thực tế cho thấy, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường DBĐH là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030. Trong Nghị quyết, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người DTTS (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 - 150 sinh viên/vạn dân (người DTTS); nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực rất thấp đạt tối thiểu 130 sinh viên/vạn dân.

Tuy nhiên, kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS gần đây nhất do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, việc thực hiện mục tiêu này rất khó khăn. Cụ thể, tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có trình độ đại học trở lên ở nước ta mới chỉ đạt 3,3% (tỷ lệ chung toàn quốc là 9,3%); cao nhất là dân tộc Pu Péo cũng chỉ đạt 13,5%; 52 DTTS còn lại đều có tỷ lệ người có trình độ đại học dưới 10%; một số dân tộc có tỷ lệ người có trình độ đại học cực thấp: Ba Na 0,3%; Xinh Mun, La Hủ, Xtiêng 0,4%; Mảng 0,5%; Chơ Ro 0,9%...

Trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ bồi dưỡng hệ DBĐH được quy định tại Nội dung số 02 – Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 5. Theo đó, Chương trình sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục chuyên biệt (trong đó có các trường DBĐH) và các trường đại học tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hệ DBĐH, hướng tới đạt quy mô 200 sinh viên/vạn dân (người DTTS) thuộc nhóm các dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù, các dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Giải pháp về chính sách đã có, điều cần thiết hiện nay là hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của các trường DBĐH, trong đó xây dựng và ban hành Điều lệ nhà trường để các trường cụ thể hóa Điều lệ bằng Quy chế mang tính đặc thù. Đây cũng là giải pháp để thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó yêu cầu “đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng cử tuyển, chế độ dự bị đại học, đào tạo nghề cho đối tượng người DTTS”.

Theo đánh giá của Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT), các trường DBĐH hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác tuyển sinh. Những năm học vừa qua, hầu hết các trường DBĐH trong cả nước không tuyển đủ chỉ tiêu được giao hàng năm, trừ Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương.