Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thành phố Điện Biên Phủ: Nỗ lực bảo tồn nghề rèn của người Mông

Thuỳ Anh - 10:35, 07/11/2023

Trước kia đến những bản người Mông đều thấy gia đình nào cũng có 1 lò rèn nhưng ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, những lò rèn này ngày một vắng bóng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã mở lớp truyền dạy nghề rèn, nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá của đồng bào Mông, đồng thời tạo ra một sản phẩm du lịch mới trên địa bàn.

Nghệ nhân Cứ A Lộng, bản Lọng Háy, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
Nghệ nhân Cứ A Lộng, bản Lọng Háy, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có 3 bản là người Mông sinh sống, nhiều gia đình ở đây vẫn duy trì nghề rèn nông cụ truyền thống, vừa để sử dụng vừa để cung cấp ra thị trường. Sản phẩm phong phú, đa dạng như: dao, liềm, thuổng, búa... được thực hiện thủ công, từ khâu cắt sắt thép, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… không có sự can thiệp của máy móc.

Để làm thành một sản phẩm rèn, thì từ việc chọn lựa nguyên liệu, đến thời gian gia công và các bước thực hiện cũng cần những bí quyết riêng. Nghệ nhân Cứ A Lộng ở bản Lọng Háy, xã Mường Phăng năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng có đến gần 50 năm thâm niên làm nghề rèn, nếu không phải ngày mùa, ngày chợ thì ông vẫn cứ đều đặn dậy từ sáng sớm để làm dao cho khách đặt rồi mới làm những việc đồng áng khác trong ngày.

Nguyên liệu được sử dụng là những thanh thép có độ bền và tính đàn hồi tốt như nhíp ô tô… Người thợ rèn phải là người có sức khoẻ, sự khéo léo và kiên trì mới cho ra lò những sản phẩm tốt và đẹp mắt. Ông Lộng chia sẻ: Khi nung thép, không được nung quá già lửa cũng không non quá. Khi nó đỏ vừa đủ thì phải mang ra tán ngay, phải dùng nhiều lực và đều tay. Càng tán được đều và nhiều thì nó càng thôi ra những tạp chất, con dao sẽ có chất lượng tốt hơn.

Trong quá trình rèn nông cụ, cần có 1 người thợ chính và 1 người thợ phụ
Trong quá trình rèn nông cụ, cần có 1 người thợ chính và 1 người thợ phụ

Để nhận biết thanh thép đã được nung nóng đủ già hay chưa, người thợ rèn phải nhận biết màu đỏ của thép nung bằng mắt thường, điều này yêu cầu người làm phải rất tinh tế và nhiều kinh nghiệm. Do đó, thời gian làm việc cũng là yếu tố rất quan trọng. “Nếu làm vào những lúc nắng nóng quá, người thợ dễ bị hoa mắt nhìn màu đỏ của thanh thép nung không được chuẩn, nên vào mùa hè, mỗi ngày chỉ làm việc liên tục từ 6 giờ đến khoảng 9 giờ sáng là phải nghỉ. Quá giờ đó mặt trời lên cao, người cũng mệt rồi, nắng nóng sẽ làm cho mình hoa mắt, nhìn màu đỏ của thép nung không chuẩn nữa”, ông Lộng nói.

Trò chuyện với chúng tôi khi ông Lộng cùng học viên của mình đang làm dao, Ông Lộng lấy thanh dao vừa được nung đỏ gõ vào 1 cây chuối rồi nói: Tôi dao là phải dùng đến 1 cây chuối tươi như thế này, phần lưỡi dao phải ngập vào thân chuối, không ngập quá sâu cũng không được quá nông. Các ông bà mình từ xưa bảo nhựa chuối giúp cho thân dao được bền và sắc hơn, nếu cho vào nước lưỡi dao sẽ giòn hơn, khi dùng dễ bị mẻ và gẫy.

Thanh sắt phải được nung đỏ trong than củi và tán trên đe sắt
Thanh sắt phải được nung đỏ trong than củi và tán trên đe sắt

Và khi dao được tôi nguội hẳn với nhựa chuối, người thợ sẽ mài bằng đá mài. Công đoạn này không đòi hỏi sức lực nhiều, nhưng yêu cầu người thợ phải khéo léo và dẻo tay để có thể mài cho con dao được bóng, mịn và sắc.

Lò rèn của người Mông cũng không quá cầu kỳ, bếp lò được đắp bằng đất; than nung phải là than củi; ống bễ thổi lửa cấu tạo như một cái bơm khổng lồ. Cái bơm này được làm từ thân một cây to có đường kính khoảng 50cm, được khoét phía trong tạo thành một cái pít tông để lấy gió. Chiếc Pít tông này là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà chung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ, người thợ đẩy pít tông, rất nhẹ nhàng và không tốn sức.

Sau khi dao được tán xong sẽ được cắm vào cây chuối để tôi tăng độ bền dẻo cho dao
Sau khi dao được tán xong sẽ được cắm vào cây chuối để tôi tăng độ bền dẻo cho dao

Do toàn bộ các bước thực hiện của người thợ rèn đều hoàn toàn dùng sức lực tự nhiên, nên mỗi ngày một người thợ lành nghề chỉ làm được khoảng 3 con dao, còn với những người thợ trẻ thì sẽ được ít hơn.

Ngày nay để không mất nhiều sức, nhiều nơi đồng bào đã chuyển sang dùng quạt thổi bằng điện, máy mài, máy cắt sắt tạo hình. Tuy nhiên, các công đoạn quan trọng nhất như: quai búa tạo hình, làm tay cầm, tán và tôi dao… vẫn hoàn toàn thủ công. Vì vậy, sản phẩm làm ra có độ tinh xảo rất riêng, sắc bén và bền với thời gian.

Dao và các sản phẩm nông cụ sau khi tôi xong sẽ được mài sắc với đá mài
Dao và các sản phẩm nông cụ sau khi tôi xong sẽ được mài sắc với đá mài

Nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ tạo ra những nông cụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, trong các thôn, bản chỉ còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn rất lớn. Do đó, một số hộ vẫn giữ nghề rèn, tạo ra nông cụ để bán tại các phiên chợ, tăng thu nhập.

Nghề rèn của người Mông là một sản phẩm văn hoá có tính chất đặc trưng của đồng bào Mông, nhưng trong bối cảnh hội nhập về văn hoá và kinh tế thị trường, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề rèn của người Mông gặp không ít khó khăn.

Lớp truyền dạy nghề rèn dao của người Mông được TP. Điện Biên Phủ Chương trình MTQG 1719
Một Lớp truyền dạy nghề rèn dao của người Mông ở TP. Điện Biên Phủ

Nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, nghề rèn của người Mông cùng với 3 di sản văn hoá khác của tỉnh Điện Biên vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố di sản, thành phố Điện Biên Phủ đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu thực địa thu thập thông tin, đánh giá thực trạng nghề rèn thủ công truyền thống dân tộc Mông, sau đó đã tổ chức tập huấn, truyền dạy bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông theo Chương trình MTQG 1719 tại xã Mường Phăng.

“Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống là một việc làm hết sức cấp bách, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để thành phố tiếp tục nhân rộng, tạo thêm phẩm du lịch văn hoá, hướng đến du lịch văn hoá và trải nghiệm”, ông Hưng cho biết thêm.