Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội

PV - 15:40, 06/09/2023

Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai Luật, nghị quyết của Quốc hội - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội - Ảnh: VGP

Đánh giá toàn diện về kết quả, vướng mắc trong triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội

Tham dự Hội nghị có Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các đồng chí Bộ trưởng Bộ: Tư pháp, Y tế, Tài chính, Ngoại giao, Nội vụ; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng các cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc và điều hành hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, được tổ chức trực tiếp tại Nhà Quốc hội và kết nối với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa đảm bảo tính toàn diện chưa, chú trọng đối với các luật nghị quyết mới được ban hành. Việc giám sát văn bản quy định chi tiết thi hành luật nghị quyết trong một số trường hợp chưa đánh giá đầy đủ về tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi và hiệu lực của văn bản. Một số luật có  ố lượng nội dung quy định chi tiết nhiều, nhưng chưa đảm bảo tính cụ thể để khi có hiệu lực thi hành...

Để Hội nghị đạt được kết quả tích cực, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tham dự phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, thảo luận thẳng thắn, xây dựng, khách quan. Các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu cần phản ánh sâu sắc, rõ nét, chính xác những kết quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, cùng trao đổi, thống nhất những giải pháp khả thi, thiết thực, tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngoài ra, Hội nghị sẽ nghe các tham luận của các cơ quan về việc triển khai đối với 21 luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là những văn bản quan trọng, có tác động lớn, được dư luận xã hội quan tâm, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ, như: Việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thí điểm đấu giá biển số ô tô; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại TPHCM, Cần Thơ; 

Việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; việc chuẩn bị triển khai Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… 

Hội nghị sẽ nghe 2 báo cáo quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, khái quát về 4 nội dung chủ yếu: Việc tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và một số giải pháp, kiến nghị; đánh giá một số vấn đề nổi lên về công tác tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến trước kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; một số yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai Luật, nghị quyết của Quốc hội - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội - Ảnh: VGP

Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết

Báo cáo tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước kỳ họp thứ 5, công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể. Ngay khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch để triển khai thi hành; rà soát nội dung giao quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Phó Thủ tướng cho biết, về việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành và phổ biến luật, nghị quyết, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, 41/63 (năm 2022), 28/63 (năm 2023) tỉnh, thành phố cũng đã ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn các luật, pháp lệnh mới, xây dựng kế hoạch triển khai các luật, pháp lệnh. 

Để triển khai thực hiện luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã ban hành kế hoạch hoạt động. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ban hành kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong Kế hoạch công tác năm, kế hoạch triển khai luật, pháp lệnh.

Về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Kết quả, tính đến ngày 15/8/2023, số văn bản đã được ban hành là 37 văn bản, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành. Trong số 37 văn bản được ban hành, có 9/37 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Về công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Theo đó, tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm lĩnh vực và một số nội dung cụ thể liên quan đến một số luật theo tổng hợp tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội. Ban Cán sự Đảng Chính phủ có báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.

Về công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngay sau kỳ họp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ rà soát các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; xác định nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp rà soát, gửi thông báo đến HĐND, UBND cấp tỉnh những nội dung luật, pháp lệnh, nghị quyết giao cho địa phương quy định chi tiết để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. 

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định: Một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn văn bản nợ chưa được ban hành chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ. 

Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở chưa phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này còn chậm. Một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế về kỹ năng, thiếu nguồn nhân lực chuyên biệt phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc.

Đề ra giải pháp cho vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”. Các bộ, ngành thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Đối với việc triển khai công tác lập pháp cuối năm 2023 và năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có quan tâm, chỉ đạo sát sao, dành nhiều ưu tiên cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động, khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường thời gian để các đại biểu thảo luận về nội dung các dự án luật, tập trung vào những vấn đề quan trọng, những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Những vấn đề giao các cơ quan quy định chi tiết vấn đề bảo đảm thời gian, nguồn lực để ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức thi hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc triển khai Chương trình năm 2023, năm 2024; dành thời gian cho ý kiến đối với nội dung các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.