Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Họa sĩ Chu Thị Thánh: Bền bỉ tình yêu sắc màu

PV - 09:45, 04/05/2019

Trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật hội họa của mình, họa sĩ Chu Thị Thánh, dân tộc Nùng đã gặt hái được nhiều thành công không chỉ bởi tài năng bẩm sinh, niềm đam mê, sự học hành chính quy bài bản, mà còn bởi một tình yêu bền bỉ như một định mệnh với sắc màu đầy biến hóa, đầy ấn tượng trong từng họa phẩm.

Làng quê vùng DTTS luôn là đề tài chứa nhiều cảm hứng cuốn hút các họa sỹ sáng tạo. Làng quê vùng DTTS luôn là đề tài chứa nhiều cảm hứng cuốn hút các họa sỹ sáng tạo.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi nghèo xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, vốn có năng khiếu vẽ trời ban, nên ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi mới 12 tuổi, Chu Thị Thánh đã chính thức được tuyển chọn vào học hệ sơ-trung cấp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Năm 1968, tốt nghiệp hệ trung cấp sau 7 năm học, bà về công tác tại quê nhà xứ Lạng và bắt đầu sự nghiệp sáng tác hội họa của mình.

Bằng tài năng và sự đam mê sáng tạo, ngay từ những tác phẩm hội họa mang tính khởi nghiệp của bà đã tạo được sự chú ý của công chúng yêu hội họa qua những tác phẩm mang đậm màu sắc, dấu ấn về phong cảnh núi đồi với rừng hồi, hoa lê, hoa đào, những phiên chợ và lễ hội dân gian như tung còn, hát đối đáp lượn, sli của đồng bào các DTTS nơi đây.

Với nguồn cảm hứng sáng tạo chủ đạo chính là quê hương, cùng với cá tính sáng tạo khai thác táo bạo về bố cục, đường nét, sắc màu tạo ra sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên qua mọi sắc thái tình cảm, nhiều họa phẩm của bà đã gây ấn tượng mạnh mẽ, để rồi lưu lại nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng người thưởng lãm.

Để tiếp tục con đường học hành và vươn tới những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo hội họa, năm 1976, bà đã quyết tâm thi vào hệ đại học, Trường Đại học Mỹ thuật Viện Nam.

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 đầy gian khó, bà một mình “thân gái dặm trường” vác ba lô và giá vẽ lên với Tây Nguyên vừa làm giáo viên dạy hội họa tại Trường Trung cấp Mỹ thuật ở Pleiku (Gia Lai), vừa hăm hở dồn hết tâm huyết vào sáng tác.

Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, cảm nhận được nhiều không gian sống, đặc biệt là số phận những dân tộc ít người ở nhiều vùng miền đất nước, bà đã thể hiện sinh động trong những bức tranh của mình với đủ cảnh huống, đủ trạng trái hỉ, nộ, ái ố.

Sau những gặt hái thành công ở Tây Nguyên, bà là một trong số ít nữ họa sĩ dân tộc ít người được chọn đi thực tập ở đất nước Hunggari trong một thời gian khá dài (từ 1985-1987). Đây được xem là cơ hội tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo hội họa của bà.

Họa sĩ Chu Thị Thánh bên tác phẩm của mình. Họa sĩ Chu Thị Thánh bên tác phẩm của mình.

Bằng bút pháp trữ tình giàu chất thơ, bà là một nữ họa sĩ rất thành công khi sử dụng chất liệu lụa để thể hiện tác phẩm với cách dùng, hòa màu xanh lam, hồng đen rất riêng biệt, độc đáo.

Những tác phẩm khẳng định tên tuổi họa sĩ Chu Thị Thánh chủ yếu được thể hiện trên lụa và sơn dầu, với bố cục sinh động, thơ mộng, màu sắc tươi tắn như: “Hội xuân tung còn”; “Phiên chợ vùng cao”; “Buổi sớm miền núi”; “Rủ nhau đi học”, “Về thăm quê ngoại”; “Hội chơi đu”; “Nhà sàn Lạng Sơn”, “Khung cảnh Tây Nguyên”… Trong số đó, có rất nhiều tác phẩm được lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ngoài các giải thưởng được tôn vinh, qua các cuộc triển lãm cá nhân, tranh của bà được nhiều nhà sưu tập tranh nước ngoài yêu thích, tìm mua trưng bày như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan, Hunggari, Thụy Điển, Thụy Sĩ. Đối với bà, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật hội họa của mình.

Đã ở vào lớp người “xưa nay hiếm”, trải qua bao thăng trầm của số phận và tình duyên éo le, dù không còn sung sức cho những chuyến đi trải nghiệm, khám phá nhưng qua bộc bạch của bà, tôi biết bà vẫn luôn trăn trở khát khao không ngừng vươn tới những đỉnh cao sáng tạo mới.

LƯƠNG ĐỊNH