Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hòa Bình: Xây dựng thương hiệu cá sông Đà theo chuỗi giá trị

Nghĩa Hiệp - 09:20, 25/11/2019

Trong 2 năm trở lại đây (2017 - 2019) tỉnh Hòa Bình đã tiến hành xây dựng thương hiệu cá sông Đà theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự phát triển bền vững cho nghề nuôi trồng thủy sản. Đến nay, cá sông Đà đã trở thành sản phẩm mang thương hiệu chuỗi giá trị của tỉnh Hòa Bình, mang lại thu nhập ổn định cho bà con các dân tộc trên địa bàn.

Hòa Bình: Xây dựng thương hiệu cá sông Đà theo chuỗi giá trị
60 lồng cá sông Đà được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP của TP. Hòa Bình
60 lồng cá sông Đà được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP của TP. Hòa Bình

Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà được tỉnh Hòa Bình triển khai tại các huyện, thành phố, bao gồm: TP. Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Tân Lạc và Mai Châu, với tổng số 300 lồng nuôi và 70 hộ tham gia bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Người dân tham gia nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ đầu tư, đào tạo, tập huấn và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Hòa Bình, sản phẩm chủ lực là các loại cá đặc sản và cá truyền thống như cá lăng đen, lăng vàng, lăng chấm, ngạnh, tầm, trắm đen, chiên, chép, trắm cỏ, rô phi. Hiện, toàn tỉnh có 4.250 lồng nuôi, tăng 1.933 lồng so với năm 2015, vượt 750 lồng so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó, tại TP. Hòa Bình có 2 cơ sở tham gia với quy mô 240 lồng, sản lượng khoảng 700 tấn/ha. Tại huyện Đà Bắc có 6 hộ tham gia, quy mô 93 lồng cá, sản lượng 300 tấn/ha.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã giúp người dân định hướng và quản lý các cơ sở nuôi cá sông Đà, thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, phối hợp tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp tham gia dự án, dự các hội nghị, tuần lễ, phiên chợ “Nông sản thực phẩm an toàn”… và liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho các hộ, doanh nghiệp. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, hộ nông dân nuôi cá đã tổ chức được thị trường tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà và ngày càng tạo dựng được uy tín đối với người tiêu dùng.

Ông Hà Việt Nhật, xã Ba Khan, huyện Mai Châu cho biết: “Từ khi tham gia dự án nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi đã phát triển từ 2 lồng cá lên 8 lồng. Mỗi năm thu về hơn 700 triệu đồng”.

Để tạo chuỗi giá trị cá sông Đà an toàn thực phẩm (ATTP), Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã tập huấn, phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP, đào tạo và cấp chứng chỉ thực hành nông nghiệp VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, tư vấn, hướng dẫn cho cơ sở và các hộ tham gia, thuê tổ chức đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các cơ sở.

Được chứng nhận sản phẩm bảo đảm ATTP, thông tin về nguồn gốc sản phẩm rõ ràng đã mở ra hướng đi mới, giúp chuỗi giá trị cá lồng sông Đà có đầu ra ổn định, giá bán sản phẩm luôn cao hơn 20 - 30% giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 sản lượng nuôi, khai thác đạt trên 5.600 tấn một năm, giải quyết việc làm cho 2.800 lao động, đồng thời hình thành các mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, tạo ra vùng sản xuất thủy sản tập trung, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hiệu quả, tạo thêm nhiều cơ hội để bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn có thêm cơ hội giảm nghèo.