Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những ngư phủ đặc biệt trên sông Đà

PV - 14:27, 15/03/2018

Từ trung tâm huyện Mai Châu (Hòa Bình), băng qua những đoạn đường gấp khúc, trơn trượt, một bên là núi cao vời vợi, trùng trùng; một bên là vực sâu thăm thẳm, sơ sẩy một chút là có thể lăn xuống vực sâu, mất hút. Đấy là con đường duy nhất để đến được với các thầy, cô giáo và học sinh Trường THCS Tân Dân (xã Tân Dân). Tại đây, chúng tôi có một đêm ăn, ở và đánh bắt cá cùng các thầy giáo để ngày mai có một bữa cơm bổ dưỡng cho các học trò.

6 năm nay các thầy cô giáo nơi đây đêm nào cũng xuống sông Đà để bắt cá, tôm nâng cao khẩu phần ăn cho các em học sinh. 6 năm nay các thầy cô giáo nơi đây đêm nào cũng xuống sông Đà để bắt cá, tôm nâng cao khẩu phần ăn cho các em học sinh.

 

Về nơi con chữ treo ngược cành cây

Đón chúng tôi bằng cái bắt tay khá chặt, thầy Hiệu trưởng Hà Mạnh Quyết hồ hởi: Đường sá đi lại khó khăn quá các nhà báo ạ. Hôm nay còn không mưa đấy, chứ mưa thì trơn trượt và có những đoạn chỉ còn nước xuống dắt xe, đi bộ.

Được thành lập từ năm 2007, sau khi tách từ huyện Đà Bắc ra, Trường có 116 học sinh, trong đó có tới 60 em ở nội trú và hơn chục giáo viên ở lại bám trường. “Đa phần, các thầy cô giáo đều ở xa, cách trường cả trăm cây số nên việc trở về nhà sau giờ học là không thể. Các thầy cô đành phải ở lại cùng các em bán trú”, thầy Quyết cho biết.

Chính vì vậy, mỗi lần cuối tuần, thầy cô nào về nhà đều trở lại bằng những chuyến xe hàng nặng trĩu nào gạo, nào mắm, nào muối, thức ăn… để cung ứng cho một tuần “gieo chữ” nơi đây.

Bữa cơm của học sinh trường THCS Tân Dân có thêm món cá do các thầy đánh bắt. Bữa cơm của học sinh trường THCS Tân Dân có thêm món cá do các thầy đánh bắt.

 

Những ngày đầu thành lập, Trường THCS Tân Dân được các phụ huynh dựng tạm bợ từ những vách lá đơn sơ nằm ngay mép sông Đà. Đường đến trường xa, cuộc sống đói nghèo bủa vây, cái ăn không đủ nên trẻ em cứ đến trường được vài ngày rồi lại tự động bỏ học dở chừng ở nhà trông em hoặc lên nương, làm rẫy phụ giúp gia đình. Nguy cơ thất học tràn lan, hiện hữu với trẻ nhỏ tại xã vùng sâu của huyện Mai Châu.

“Nhiều lúc đến chúng tôi cũng nản, nói gì đến các em. Nhưng mỗi đêm về, nằm nghĩ đến các em, sợ các em thất học chúng tôi lại tự động viên nhau cùng gắng sức vậy”, thầy Hà Mạnh Quyết bộc bạch.

Từ khi Trường THCS Tân Dân có thêm dãy nhà nội trú, hơn 60 học sinh ở xa có hoàn cảnh khó khăn được ở lại đây yên tâm học chữ, nhưng cái ăn, cái mặc cho một tuần ở lại cũng là vấn đề, bởi cuối tuần mới đi bộ về thăm nhà được. Dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng điều kiện vật chất của các em vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều em vẫn còn tư tưởng nghỉ học. “Thế nên, dạy chữ các em thôi chưa đủ, phải ăn cùng, ngủ cùng, động viên các em nữa”, thầy Quyết cho hay.

Đêm trên dòng sông Đà

Sau khi các học trò đã chìm sâu vào giấc ngủ, những trang giáo án cho ngày mai lên lớp cũng đã hoàn thành, thầy giáo Phùng Bá Thanh, giáo viên dạy môn Mỹ thuật cùng thầy Ngần Quốc Việt, lặng lẽ lấy đèn pin, vợt, túi đựng ra dòng sông Đà để bắt cá, tôm.

Hôm đó, 22 giờ đêm, tôi cùng hai thầy đã có mặt ở rìa dòng Đà Giang, gió rít liên hồi, muốn hất tung tất cả. Thầy Việt vỗ vai tôi hỏi: “Nhà báo có biết bơi không đấy? Gió to thế này, việc lật thuyền cũng có nhiều khả năng xảy ra lắm đấy”.

Vừa tiến lại vị trí của vó, một cơn gió mạnh ập vào, chiếc vó tiếp tục lộn ngược, thầy Thanh hét lớn: “Mau ngồi xuống, gió lớn lắm, vó bật ngược hất cả người xuống sông đấy”. Theo lời thầy Thanh, tôi và thầy Việt vội ngồi xuống, tay bám chặt chiếc dây thừng nối trên không trung, người run lên vì lạnh. Cứ như vậy, sau khoảng 5 phút đu với “tử thần”, gió giảm, thầy Thanh đứng nắm vó, còn thầy Việt lấy rổ hớt cá nhỏ như ngón tay ném vào vợt.

Cầm trên tay những con cá tươi rói, thầy Thanh nở nụ cười hiền khô: “Mùa Hè, rơi xuống sông chỉ ướt bộ quần áo về thay là xong. Còn mùa Đông, rơi xuống sông thì coi như chết điếng vì lạnh. Nhất là những ngày nhiệt độ xuống thấp bước chân xuống nước khi lên bờ vẫn còn lạnh tê chứ đừng nói rơi xuống sông cả người ướt sũng. Mùa Đông, chúng tôi thường mang thêm máy lửa, lấy thêm ít củi để sẵn trong bờ, phòng khi không chịu được lạnh để sưởi.

Cứ vậy, suốt 6 năm qua, luân phiên nhau, đêm nào các thầy cũng 2 lần xuống sông; lần thứ nhất từ khoảng 22 giờ đêm đến 23 giờ; lần thứ 2 từ 4 giờ đến 5 giờ sáng, các thầy đều có mặt trên bè vó nhặt nhạnh từng con cá, con tôm để cải thiện bữa ăn cho các em và thầy cô giáo.

Trở về trường lần này với chỉ vỏn vẹn khoảng 2kg cá bắt được, thầy Thanh giọng buồn buồn: Ở đây các em thiệt thòi nhiều so với các bạn miền xuôi nên các thầy phải chủ động hỗ trợ, hướng dẫn mọi thứ cho các em. Chúng tôi ngoài dạy chữ, còn dạy các em kỹ năng sống, cách làm người bằng các hoạt động ngoại khóa như dạy bơi, nấu ăn, cách sinh hoạt tập thể… để các em ra ngoài thêm cứng cáp, bản lĩnh hơn.

Chia tay những học trò nghèo, những người thầy cô nơi đây, chúng tôi ngược về với công việc thực tại của mình. Trong miên man suy nghĩ, vẫn đâu đó vọng lên câu nói nhẹ tênh của thầy Thanh: Mình gắn bó ở đây đã 8 năm, giờ thì chẳng muốn đi đâu nữa!

GIANG VƯƠNG - HỒNG QUANG