Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả hoạt động của các làng nghề ở An Giang

Phương Nghi - Hoàng Quý - 08:50, 08/11/2023

Tỉnh An Giang có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, sản phẩm của các làng nghề làm ra được đông đảo khách hàng gần xa ưa chuộng. Nhờ hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị… các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề và làng nghề truyền thống có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Sản phẩm của Làng dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm ở xã Châu Phong, Thị xã Tân Châu nổi tiếng luôn thu hút du khách nước ngoài.
Sản phẩm của Làng dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm ở xã Châu Phong, Thị xã Tân Châu nổi tiếng luôn thu hút du khách nước ngoài.

Làng nghề giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh An Giang đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, đầu tư khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề, các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương, qua đó đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhiều nghề, làng nghề đã phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi.

Hiện tỉnh An Giang có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận đạt tiêu chí “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”. Trong đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống, với 3.706 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 12.200 lao động. Gắn bó với các làng nghề, hơn 10.200 lao động có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, doanh thu của các làng nghề đạt 168 tỷ đồng.

Đặc biệt, An Giang có 14 nghề và làng nghề truyền thống đã tồn tại trên 50 năm, như làng nghề se nhang (TP. Long Xuyên), nghề rèn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), làng dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong (Thị xã Tân Châu), làng nghề mộc Chợ Thủ (huyện Chợ Mới), làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer (huyện Tịnh Biên), nghề sản xuất mắm (TP. Châu Đốc)… Đây chính là tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong việc gắn kết làng nghề với phát triển du lịch. Qua đó, tạo sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương. 

Làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ, xã Phú Bình, huyện Phú Tân có 327 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động.
Làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ, xã Phú Bình, huyện Phú Tân có 327 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động.

10 năm trở lại đây, với sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của những làng nghề dệt lụa, thổ cẩm Chăm xã Châu Phong, Thị xã Tân Châu bên bờ sông Hậu đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ông Mohamad ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong chia sẻ: Mặc dù thổ cẩm của người Chăm khác trước rất nhiều nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp và được nhuộm màu thủ công từ chất liệu tự nhiên như klek (mủ cây), pahud (vỏ cây), trái mặc nưa là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở An Giang.

“Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới như túi xách, ba lô, khăn choàng, nón, móc khóa… Đây là những mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch ghé tham quan làng nghề. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, cơ sở còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, mức thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày”, ông Mohamad nói.

Còn ở huyện Chợ Mới, nghề mộc Chợ Thủ ở xã Long Điền A, được mệnh danh “đệ nhất làng mộc” bởi có nhiều nghệ nhân với kỹ thuật điêu khắc tinh xảo. Ông Trần Minh Đoàn, Trưởng Ban làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới cho biết: Năm 2006, làng nghề được tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống với hơn 1.000 cơ sở và khoảng 2.000 thợ. Từ cái nôi này, nghề mộc phát triển ra 4 xã lân cận của huyện Chợ Mới, với hơn 1.700 hộ, gần 3.000 lao động. Nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Chợ Thủ là độ tinh xảo pha lẫn nét mộc và truyền thống. Nhờ đó, sản phẩm đồ gỗ nội thất, mộc gia dụng, chạm khắc của làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới luôn được khách hàng trong tỉnh và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh ưa chuộng”

Làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3.500 lao động địa phương.
Làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3.500 lao động địa phương.

Những năm gần đây, An Giang có thêm nhiều làng nghề mới sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng được khách du lịch ưa chuộng và xuất khẩu được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như nghề dệt chiếu Uzu, thị xã Tân Châu, mỹ nghệ tre bông, tranh lá thốt nốt, huyện Tri Tôn, thắt bính lục bình, huyện Thoại Sơn... đã luôn thu hút, hấp dẫn du khách thập phương.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: “Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút khách du lịch. Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch mang đến “hiệu quả kép”: vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội”.

Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã tạo ra sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cùng với việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong tỉnh, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Bảo tồn và phát triển làng nghề

Mặc dù giải quyết nhiều việc làm cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, tuy nhiên, làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang phát triển còn chậm, mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Đa phần làng nghề còn sử dụng công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch chưa nhiều… Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại…

Để duy trì và phát triển làng nghề, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Kế hoạch tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Công nhận làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất; bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư: Bên cạnh mục tiêu duy trì sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống, kế hoạch còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, góp phần thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hiện nay, một số cơ sở sản xuất đường thốt nốt, rèn, bánh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh và sản phẩm.

“Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh sẽ khôi phục, phát triển, công nhận ít nhất 1 làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP (ngày 12/4/2018 của Chính phủ). Đồng thời, tập trung giải pháp thực hiện tốt các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo từng ngành nghề, lĩnh vực… Các cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm đối với ngành nghề nông thôn, làng nghề phù hợp với thị trường tiêu thụ gắn với phát triển sản phẩm du lịch…”, ông Trần Anh Thư cho biết.