Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hậu thủy điện Ia ly: Sau 30 năm tái định cư người dân vẫn chưa thoát nghèo

Ngọc Thu - 18:32, 14/03/2022

Sau gần 30 năm nhường đất xây dựng đại công trình Thủy điện Ia ly, nhiều hộ dân người đồng bào Gia Rai tại làng tái định cư (TĐC) xã Ia Phí, huyện Chư Păh (Gia Lai) vẫn loay hoay trong việc thoát nghèo. Các cấp chính quyền cũng chưa tìm ra giải pháp khả thi nào để giúp người dân phát triển kinh tế...

Làng tái định cư xã Ia Phí có 326 hộ dân Gia Rai, hơn 30% là hộ nghèo
Làng tái định cư xã Ia Phí có 326 hộ dân Gia Rai, hơn 30% là hộ nghèo

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm làng TĐC của xã Ia Phí, trên con đường dẫn vào làng, gió hất tung đất đỏ bụi bay mù. Nắng gắt, khô khốc khiến cho các nóc nhà làm bằng ngói như muốn vỡ ra. Vài cơn gió thổi qua, cũng làm cho mái tôn cũ kỹ trên mái nhà người dân rung lên bần bật. Bức tường của những ngôi nhà được sơn màu vàng, nay đã ố màu, kèm theo là những vết nứt chẻ dọc không biết đổ ập xuống lúc nào.

Xã Ia Phí có 3 làng là làng Kênh, Tum và Jút với 326 hộ dân, trên 1.400 nhân khẩu. Trong đó, 100% dân số là người Gia Rai. Các làng này đều nằm lọt thỏm giữa núi non trùng điệp, cách xa trung tâm xã hơn 10km. Sau nhiều năm di dân, nhường nơi “chôn nhau cắt rốn” để xây dựng đại công trình Thủy điện Ia Ly, cuộc sống của người dân TĐC xã Ia Phí vẫn chưa thể khá hơn.

Nhà ông Rơ Châm Vich, làng Tum, xã Ia Phívới diện tích khoảng 30 m2, có đến 9 nhân khẩu chung sống, hầu hết đều thất nghiệp
Nhà ông Rơ Châm Vich, làng Tum, xã Ia Phí với diện tích khoảng 30 m2, có đến 9 nhân khẩu chung sống, hầu hết đều thất nghiệp

Như nhà của ông Rơ Châm Vich, làng Tum, xã Ia Phí là một trong những căn nhà trong làng đã xuống cấp trầm trọng. Trong căn nhà với diện tích khiêm tốn khoảng 30 m2 có đến 4 thế hệ, với 9 nhân khẩu chung sống. Ông Vich có 3 sào rẫy trồng cà phê, nhưng không đạt năng suất vì không có nước tưới. Hai người con là lao động chính trong nhà chuyên đi làm thuê, nhưng công việc cũng không đều, vì vậy, khó khăn càng chồng chất. Cả nhà sống trong cảnh khó khăn, túng thiếu, chạy ăn từng bữa.

Ông Vich kể: “Năm 1995, mình nhường lại đất để làm thủy điện, nên cả gia đình chuyển đến nơi này sinh sống. Từ khi về làng TĐC ở, mình khó khăn nhiều lắm. Cây trồng không hiệu quả, đi làm thuê cũng không có việc thường xuyên. Nhà thì đông người, tiền hỗ trợ khi di cư cũng tiêu hết rồi, nên mình không biết làm gì cả. Bây giờ chỉ trông chờ vào định hướng của chính quyền địa phương hỗ trợ giúp mình và những đứa nhỏ có cái ăn, cái mặc, thoát nghèo thôi".

Người dân phải nấu ăn bằng bếp tự dựng tạm bợ bằng tấm tôn ngay sau nhà
Người dân phải nấu ăn bằng bếp tự dựng tạm bợ bằng tấm tôn ngay sau nhà

Theo ông Rơ Châm Thuyn, Thôn trưởng làng Tum, xã Ia Phí, khi dân làng về đây TĐC, bị thiếu đất sản xuất, cây trồng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, không cho năng suất cao. Vì vậy, nhiều gia đình không đủ ăn, trẻ em cũng phải bỏ học để đi làm. Dù có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân, nhưng cũng chỉ là trong chốc lát. Nhà dân thì xuống cấp hết rồi, nắng nóng gió thốc, trời mưa thì nhà ướt, dân làng cần hướng giải quyết lâu dài để ổn định cuộc sống.

Còn ông Rơ Châm Kiểu,Thôn trưởng làng Jút, xã Ia Phí buồn bã nói: Dân làng mình thiếu đất sản xuất. Không có đất trồng cây, phải nương theo đất ven lòng hồ. Khi mùa khô đến, nước hồ rút xuống, trơ đất ra thì bà con tranh thủ trồng mì (sắn). Có khi nước bất chợt lên sớm, hay có mưa to thì dân làng cũng phải lo nhổ mì sớm. Khi ấy cây mì sẽ giảm năng suất, chất lượng. Giờ mình chỉ vận động bà con cố gắng đi làm thuê các công ty cao su, trồng mì gần địa phương để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Khi trồng cây không đạt hiệu quả, người dân phải đi làm thuê nhổ mì cho các doanh nghiệp để mưu sinh
Khi trồng cây không đạt hiệu quả, người dân phải đi làm thuê nhổ mì cho các doanh nghiệp để mưu sinh

Nói về cuộc sống người dân tại địa phương, ông Rơ Châm Laoh, Chủ tịch UBND xã Ia Phí, cho hay: Năm 1995, dân 3 làng đã nhường đất để làm Thủy điện Ia Ly. Lúc ấy, mỗi người dân được hỗ trợ một số tiền và xây cất nhà ở tại khu TĐC này. Lâu nay, bà con chỉ quen với việc làm nông, trồng các cây ngắn ngày như lúa, mì… Vì khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước không bảo đảm tưới tiêu, nên người dân chỉ trồng cây 1 vụ/năm, nhưng năng suất cũng thấp.

Ngay dưới đại công trình Thủy điện Ia ly, hơn trăm căn nhà TĐC của người Gia Rai vẫn vô cùng khốn khó. Việc loay hoay thoát nghèo của người dân 3 làng TĐC xã Ia Phí đã đặt ra một bài toán khó mà các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền vẫn đang tìm cách giải.

Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, cho biết: Nhiều năm qua, huyện Chư Păh cũng đã tạo mọi điều kiện cho Nhân dân tại 3 làng phát triển sản xuất, bằng cách đưa các mô hình cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Tuy nhiên, bà con làng TĐC vẫn khó khăn, bởi thiếu tư liệu sản xuất, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Mặc dù, bà con đã được đền bù, được hưởng các chính sách của Nhà nước, nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Chính quyền địa phương mong rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nhà máy Thủy điện nên có một chính sách riêng cho làng TĐC đang thiếu đất sản xuất để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

'Huyện cũng mong muốn được Trung ương cấp kinh phí trích nguồn bổ sung để đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các làng TĐC, ưu tiên cho địa bàn có các công trình thủy điện để huyện tháo gỡ khó khăn, ổn định và nâng cao đời sống của bà con”, ông Kiên đề xuất.