Chính quyền mời, doanh nghiệp tránh không làm việc
Trước những kiến nghị của người dân, ngày 12/4/2024, UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã làm việc với bà Nguyễn Thị Kim Thảo (đại diện doanh nghiệp K. Ngọc) và các hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Thảo có ý kiến sẽ hoàn thiện xây dựng, sữa chữa trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, đến hết tháng 5/2024 bà Thảo vẫn chưa hoàn thiện xong 14 căn nhà còn lại.
Ngày 24/6/2024, UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã gửi Văn bản đôn đốc bà Nguyễn Thị Kim Thảo quan tâm, khẩn trương hoàn thiện nhà ở cho các hộ gia đình, thời gian hoàn thiện trong tháng 7/2024. Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2024 bà Thảo vẫn chưa thực hiện xong 14 nhà còn lại.
Doanh nghiệp tài trợ dừng thi công, những căn “nhà tình thương” trở nên dang dở Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Trước sự chậm trễ trong việc hoàn thiện các căn nhà còn lại, ngày 27/8/2024, UBND xã tiếp tục làm việc với bà Nguyễn Thị Kim Thảo đề nghị quan tâm sớm hoàn thiện xong 14 căn nhà cho 14 hộ đã đối ứng tiền, đổ vật liệu, xây dựng móng, tường, chưa lợp, chưa lắp cửa, đóng nền. Tại buổi làm việc, bà Thảo có ý kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng 14 căn nhà trong tháng 9, 10 năm 2024.
Dù đã thống nhất với chính quyền xã Đăk Trăm là sẽ hoàn thành trong tháng 9, 10 năm 2024, thế nhưng đến năm 2025 này các căn nhà vẫn chưa hoàn thành. Ngày 10/02/2025, UBND xã Đăk Trăm đã ban hành giấy mời mời bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím làm việc để xác minh thông tin, tuy nhiên bà Thảo và bà Phím không đến làm việc; ngày 13/02/2025, UBND xã Đăk Trăm tiếp tục ban hành giấy mời, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím lại tiếp tục phớt lờ, không đến làm việc.
Còn 14 căn “nhà tình thương” chưa hoàn thành, mới đây, UBND xã Đăk Trăm 2 lần gửi giấy mời nhưng bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím không đến làm việcÔng Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Xã mời 2 lần thì bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím cũng không đến. Sau đó xã cử cán bộ chuyên môn liên hệ đến gặp trực tiếp bà Y Phím để hỏi nguyên nhân như thế nào thì bà Y Phím trả lời là những căn nhà dang dở họ không làm nữa, người dân tự hoàn thiện. Trên cơ sở đó thì có một số hộ dân có làm giấy xác nhận giữa bà Y Phím với hộ dân là bà Y Phím để cho người dân tự hoàn thiện căn nhà vào ở, có xác nhận của UBND xã. Bà Y Phím cũng có hứa là xoay sở tiền để trả cho người dân đã đưa tiền đối ứng, nhưng đến nay vẫn chưa trả cho người dân.
Tỉnh giấc mộng “nhà tình thương”
Với vỏ bọc hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” và được triển khai một cách rầm rộ đã làm cho người dân lầm tưởng đó là việc làm tốt. Nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã đăng ký xin được nhận hỗ trợ làm “nhà tình thường” từ đại diện doanh nghiệp K.Ngọc và bà Y Phím. Nhưng đổi lại, đó là nhiều căn nhà còn dang dở, sự rắc rối trong quá trình giải quyết, phải kiến nghị nhiều lần và nhiều người đã tỉnh giấc mộng “nhà tình thương”.
Vợ chồng anh A Thin và chị Hra Na Niê, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Do mới lập gia đình và đang ở chung với bố mẹ, khi thấy trong làng nhiều người đăng ký qua Y Phím để được doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà tình thương thì bố mẹ có bảo vợ chồng đăng ký để được hỗ trợ. Khi đăng ký thì chị Y Phím đồng ý và nhận 5 triệu tiền làm hồ sơ, tiền đối ứng 15 triệu. Nhưng sau đó đổ gạch, làm móng thì bỏ đến nay. Giờ đòi lại tiền cũng khó khăn.
Giờ đây, anh A Phú, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm cảm thấy tiếc nuối vì phải bán 1,5 hecta đất rẫy với giá rẻ để đóng tiền đối ứng làm “nhà tình thương”Còn với anh A Phú, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô thì đây là quyết định sai lầm. Bởi anh vừa phải bán 1,5 hecta đất với giá rẻ và số tiền đó thì cũng đối ứng vào để xây dựng nhà gần hết. Gia đình chỉ cầm về hơn 30 triệu đồng.
“Tính ra đối ứng 50 triệu và tiền hỗ trợ 90 triệu là 140 triệu nhưng căn nhà xây thì hơn 50m2, chỉ xây tường, tô, đóng gạch nền, lợp tôn, cửa sắt. Nhà xong thì gia đình thấy hụt hẫng vì vừa bán mất đất mà nhà thì cũng không ngon lành. Đây là bài học cho tôi và tôi chia sẻ vấn đề này để bà con biết, cảnh giác”, anh A Phú chia sẻ thêm.
Đăk Trăm là xã khó khăn, đồng bào DTTS chiếm hơn 95% dân số. Ước mơ có được căn “nhà tình thương” khang trang với đầy đủ nội thất theo lời hứa của bà Nguyễn Thị Kim Thảo, đại diện doanh nghiệp K.Ngọc và bà Y Phím đã không thành hiện thực.
Khi được hỏi về căn “nhà tình thương”, chị Y Lan, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô lắc đầu ngao ngán: Lúc đầu họ nói rất hay, tôi đóng trước 3 triệu đồng tiền làm hồ sơ. Khi làm nhà thì thông qua Y Phím tôi bán 1,2 hecta đất đang trồng cây bạch đàn với số tiền 96 triệu đồng, đóng tiền đối ứng 50 triệu. Còn dư 46 triệu tôi mua lại 5 sào đất có sẵn cây cà phê. Sau họ xây tường thôi, không làm nữa, tôi nói miết nhưng họ không làm, cuối năm 2024 tôi bán được ít cà phê nên có tiền tự làm cho xong căn nhà này.
Được doanh nghiệp cam kết hỗ trợ 90 triệu làm “nhà tình thương”, nhưng chị Y Lan phải bán đất rẫy đóng tiền đối ứng, bán cà phê để lấy tiền tự hoàn thiện căn nhàÔng A Vu, Thôn trưởng thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Đối với góc độ thôn thì cũng mong muốn doanh nghiệp đã hứa thì hỗ trợ đầy đủ cho bà con. Riêng những hộ đã bán đất cho họ thì làm nhà xong rồi cần tính toán lại số tiền đối ứng là bao nhiêu, số tiền còn dư lại thì nên trả cho bà con. Bán đất thì thôn cũng không biết, họ dẫn dân đi công chứng ở phòng công chứng tư bên huyện Ngọc Hồi.
“Một lần thất tín, vạn lần mất tin”, giờ đây, các hộ đồng bào DTTS ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã tỉnh giấc mộng “nhà tình thương”. Đối với các hộ chưa được nhà tài trợ hoàn thiện nhà, giờ đây chỉ mong muốn chính quyền địa phương có sự can thiệp để họ được nhận lại số tiền đối ứng, tự lo việc xây dựng, hoàn thiện căn nhà phục vụ cuộc sống cho chính gia đình mình.
Và có lẽ đây cũng là bài học, là lời cảnh tỉnh cho các hộ đồng bào DTTS và chính quyền địa phương khi tiếp nhận thông tin từ việc triển khai hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” của một số doanh nghiệp có động cơ làm "nhà tình thương" không trong sáng.