Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gìn giữ, phát huy giá trị di sản múa Tắc Xình

Văn Phong và CTV - 10:05, 14/12/2023

Múa Tắc Xình (múa Cầu) là nét văn hóa hấp dẫn gắn với lễ hội cầu mùa của người Sán Chay ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Cứ mỗi độ Xuân về, khi các dân tộc tưng bừng mở hội cũng là lúc người Sán Chay bước vào Lễ hội cầu mùa.

Hình tượng gieo mầm vụ mùa mới trong điệu múa Tắc Xình của người Sán Chay
Hình tượng gieo mầm vụ mùa mới trong điệu múa Tắc Xình của người Sán Chay

Múa Tắc Xình có 9 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: thăm và dọn đường, bắt quyết, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Động tác múa và âm nhạc cho múa đơn giản, dễ thực hành, tuy nhiên, những người tham gia múa Tắc Xình phải là nam giới với chủ lễ là thầy cúng hoặc người múa có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.

Theo tín ngưỡng của người Sán Chay, múa Tắc Xình mang ước nguyện của con người, về một năm tiết trời thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc. Đồng thời thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Trải qua thăng trầm của thời gian, múa Tắc Xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của người Sán Chay. Chính vì thế, năm 2014, Bộ VHTTDL đã công nhận múa Tắc Xình của người Sán Chay là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thế nhưng cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay hiện đang có nguy cơ mai một, biến đổi. Cùng với đó những nghệ nhân - chủ thể văn hóa lưu giữ các điệu múa dân gian Tắc Xình ngày càng ít dần đã làm cho việc phổ biến, trao truyền cho lớp trẻ thế hệ kế thừa di sản gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản múa Tắc Xình là rất cấp thiết, không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự hào về bản sắc riêng của cộng đồng Sán Chay, mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết cộng đồng và góp phần vào công tác xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh Thái Nguyên.

Các học viên tham gia lớp bảo tồn và phát huy múa Tắc Xình tại xã Tức Tranh
Các học viên tham gia lớp bảo tồn và phát huy múa Tắc Xình tại xã Tức Tranh

Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy múa Tắc Xình, dân tộc Sán Chay, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, năm 2023”. Với mục tiêu khuyến khích, động viên bà con Nhân dân tham gia các chương trình tập huấn, tham gia các hoạt động liên quan đến bảo tồn, gìn giữ văn hoá, qua đó tạo động lực tinh thần, đoàn kết và đồng thuận, động lực để bà con phấn đấu giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giúp các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, nhận thức về bản sắc của dân tộc, từ đó gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc mình.

Lớp trao truyền được tổ chức tại xóm Đồng Tâm, gồm những nghệ nhân am hiểu về các điệu múa Tắc Xình thực hiện công việc truyền dạy cho 50 học viên là người dân trên địa bàn của xã Tức Tranh, học sinh Trường THCS và THPT Tức Tranh. Trong đó, học viên cao tuổi nhất hiện trên 50 tuổi và học viên nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi. Tại mỗi lớp học, các học viên đã được truyền dạy, hướng dẫn thực hành một số điệu múa Tắc Xình truyền thống; tìm hiểu về lịch sử ra đời, nội dung và ý nghĩa của các điệu múa; cách chế tác nhạc cụ bằng tre, mai và biểu diễn nhạc cụ…

Em Nịnh Thị Anh Thư, 14 tuổi, học sinh trường THCS Tức Tranh cho biết: “Là người con của đồng bào dân tộc Sán Chay, em cũng giống như bao bạn học sinh khác đều mong muốn có thêm sự hiểu biết về lịch sử văn hoá dân tộc mình, chúng em được dạy những điệu múa, động tác hay, bổ ích như điệu múa chim câu, phát nương, gieo hạt… từ đó em có thể dạy lại cho các bạn cùng lớp, em cảm thấy rất vui và tự hào khi văn hoá dân tộc mình được tiếp nối và trao truyền qua nhiều thế hệ”.

Nghi thức rước lễ lên đình làng trước khi thực hiện múa Tắc Xình
Nghi thức rước lễ lên đình làng trước khi thực hiện múa Tắc Xình

Ông Trần Văn Hải, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh năm nay đã 50 tuổi. Mặc dù phải lao động chăm lo cho gia đình thế nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia lớp học. Ông Hải chia sẻ: “Mỗi khi lớp học diễn ra, chúng tôi nhiều thế hệ từ người trẻ đến người già được quây quần bên nhau cùng tập những điệu múa, những động tác hay, đơn giản nhưng lại có ý nghĩa lớn. Đây cũng một dịp để để bà con gặp gỡ, giao lưu và tăng cường đoàn kết”.

Có thể thấy, thông qua chương trình đã giúp các học viên hiểu được về lịch sử ra đời, nội dung và ý nghĩa cũng như hình thức biểu diễn của những điệu múa Tắc Xình trong đời sống văn hóa của đồng bào, đồng thời lan tỏa các giá trị này trong cộng đồng.

Chương trình bước đầu đã phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn, phát huy và lan toả bản sắc văn hóa các dân tộc, đề cao vai trò, năng lực chủ thể văn hóa, của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng. Từ đó hướng tới mục tiêu đưa giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với cuộc sống đương đại.