Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những người phụ nữ DTTS “giữ lửa” văn hóa dân tộc

Băng Ngân - Trương Vui - 10:30, 09/11/2023

Bằng cách làm thiết thực, sáng tạo như: thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ, giữ gìn, truyền dạy tiếng nói, chữ viết, điệu múa hay nghề truyền thống..., nhiều phụ nữ DTTS trên những bản làng vùng cao đang trở thành nhân tố tích cực trong việc lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Bà Hù Thị Xuân miệt mài vận động từng chị em tham gia đội văn nghệ, cùng nhau ôn lại, truyền dạy những điệu múa, ca cổ của dân tộc mình (Ảnh: TL)
Bà Hù Thị Xuân miệt mài vận động từng chị em tham gia đội văn nghệ, cùng nhau ôn lại, truyền dạy những điệu múa, ca cổ của dân tộc mình (Ảnh: TL)

Nhắc đến những tấm gương phụ nữ đóng góp có hiệu quả vào việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, không thể không nhắc đến bà Hù Thị Xuân, người dân tộc Si La ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Bà không chỉ là một già làng có uy tín, mẫu mực trong xã, mà còn là người rất tâm huyết gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Là người con của dân tộc Si La, một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc tại Việt Nam, hơn ai hết, bà Xuân hiểu được ý nghĩa và vai trò quan trọng của việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc bao đời, nhất là khi sự  hội nhập mạnh mẽ giữa  các dân tộc  như hiện nay, nếu không gìn giữ, truyền dạy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình cho con cháu, thì chẳng bao lâu nữa những giá trị truyền thống kia sẽ không còn.

Từ tâm niệm đó, nhiều năm qua, bà Xuân miệt mài đến từng nhà, vận động từng chị em tham gia đội văn nghệ của bản, cùng nhau ôn lại, truyền dạy những điệu múa, ca cổ của dân tộc mình. Nhớ đến đâu, bà truyền dạy đến đó với mong muốn không chỉ khơi dậy niềm đam mê hát dân ca, niềm yêu thích với văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ được vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Không những thế, bà Xuân còn tham gia cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La, như một cách làm “sống lại” những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mất đi của dân tộc. Nhờ vậy đến nay, nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc như thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, mừng cơm mới, tạ ơn trời đất, lễ cấm bản... đã bắt đầu được phục dựng lại.

Đặc biệt, nghệ nhân Hù Thị Xuân cũng tích cực vận động nhân dân bản Seo Hai tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Tè phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, khuyến khích bà con người Si La gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, vận động các gia đình dạy cho con em học tiếng dân tộc Si La...

Với đóng góp không nhỏ của mình trong gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, bà Hù Thị Xuân đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Lai Châu và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền địa phương. Bà còn là một trong các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương Người có uy tín năm 2023, được tổ chức vào tháng 11 tới đây tại Thủ đô Hà Nội.

Bà Thị Mương cần mẫn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Stiêng (Ảnh: TL)
Bà Thị Mương cần mẫn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Xtiêng (Ảnh: TL)

Cùng với việc gìn giữ tiếng nói, những điệu múa, lời ca cổ hay phong tục truyền thống, thì nhiều nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS cũng đã và đang được bảo tồn, phát huy dưới đôi bàn tay khéo léo cùng tư duy đổi mới của những người phụ nữ vùng cao.

Với niềm trăn trở phải bảo tồn và lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc Xtiêng, dù tuổi đã cao, bà Thị Mương (sinh năm 1956, người ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) vẫn tích cực vận động chị em trong vùng tranh thủ thời gian nông nhàn, cùng khơi dậy và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào.

Bà Mương cho hay, dệt thổ cẩm chính là cái nghề truyền thống đã “ăn sâu” trong máu của mỗi người phụ nữ Xtiêng. Bởi đây không chỉ là việc chuẩn bị cho mình những bộ trang phục dân tộc đẹp, mà đã trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Stiêng qua nhiều thế hệ.

Vì vậy, người phụ nữ Xtiêng này đã cùng nhiều chị em thành lập nên Tổ dệt thổ cẩm, với khoảng 30 thành viên, cùng chung tay đóng góp vào việc gìn giữ nghề truyền thống, đưa thổ cẩm Xtiêng tham gia các hội thi, giao lưu văn hóa để quảng bá văn hóa dân tộc.

Cũng từ đây, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Xtiêng được giới thiệu, đến gần hơn với người tiêu dùng, gián tiếp giúp các chị em trong Tổ gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế.

Thời gian tới, bà Mương dự kiến sẽ mở thêm lớp dạy nghề cho các hội viên, chị em phụ nữ trên địa bà, với mong muốn cất cánh cho những sản phẩm thổ cẩm dân tộc trên cả thị trường trong và ngoài nước, để nghề dệt thổ cẩm và những sắc màu trang phục truyền thống sẽ mãi được tiếp nối, phát triển.

Bằng sự cần mẫn và tình yêu với văn hóa dân tộc, bà Hù Thị Xuân, bà Thị Mương, cùng rất nhiều những người phụ nữ DTTS khác, đang ngày ngày thầm lặng góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Như sợi dây kết nối giữa giá trị từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, họ đã khẳng định vai trò và những đóng góp không nhỏ của mình trong lĩnh vực văn hóa thời kỳ hội nhập, điểm tô cho bức tranh văn hóa các dân tộc thêm phong phú, nhiều màu sắc.

Từ đó, nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc, để nhịp cầu văn hóa trên khắp các bản làng vùng cao sẽ luôn được nối dài, trường tồn trong nhịp sống hiện đại hôm nay.