Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gieo chữ ở "đỉnh trời" Khuôn Vình

Chí Tín - Vũ Mừng - 08:09, 08/12/2023

Sau hơn ba giờ đồng hồ vừa cuốc bộ, vừa leo trèo, vừa "bò" qua những triền đất lở trơn nhẫy bởi trời mưa, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy xóm Khuôn Vình nằm tít trên “đỉnh trời” ở độ cao hơn 1400m so với mực nước biển. Xóm mấy chục nóc nhà, nằm rải rác trên mấy đỉnh núi xa mờ, mái thâm đen, vách liêu xiêu vì thời gian. Hai thầy cô giáo lên dạy chữ cho bọn trẻ con, khổ quá thành quen, điều trăn trở lớn nhất là làm thế nào để các học sinh dân tộc Mông, Dao, Giáy ở đây sẽ trưởng thành, ra khỏi thôn bản tiếp tục trau dồi kiến thức rồi quay lại giúp bản làng của mình đỡ khổ, đỡ nghèo.

Từ trung tâm xã Mậu Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang hỏi thăm đường vào xóm Khuôn Vình, chúng tôi nhận được nhiều cái lắc đầu: “Xa lắm, sợ không đi nổi”...

Đến khi gặp anh Mua Mí Say, Bí thư Chi bộ xóm Khuôn Vình mới biết, xóm có 52 hộ nhưng phân tán thành nhiều cụm, mỗi cụm vài nóc nhà, cách nhau hàng tiếng đi bộ. Đường vào cả chục cây số vẫn chưa được đổ bê tông, nền đất dốc ngược, thành ra người lạ không lên nổi cũng phải...

Điểm trường mầm non và tiểu học Khuôn Vình nằm chơi vơi trên đỉnh núi
Điểm trường mầm non và tiểu học Khuôn Vình nằm chơi vơi trên đỉnh núi

5 năm cắm bản

Thầy giáo Trần Văn Hùng (46 tuổi), quê ở huyện Vị Xuyên, về công tác tại xã Mậu Long huyện Yên Minh từ năm 1996. Quê xa xôi quá nên thầy Hùng lập gia đình rồi định cư luôn ở xã Mậu Duệ cùng huyện. Do đi xe máy được sếp vào hàng "cừ khôi" nên từ năm 2018 thầy được Ban Giám hiệu Trường PTDTBT tiểu học Mậu Long giao nhiệm vụ dạy lớp ghép Khuôn Vình.

Thầy giáo Trần Văn Hùng chủ nhiệm lớp ghép 1, 2 của điểm trường tiểu học Khuôn Vình
Thầy giáo Trần Văn Hùng chủ nhiệm lớp ghép 1, 2 của điểm trường tiểu học Khuôn Vình

Ngày nào cũng vậy, trời vừa tang tảng sáng, thầy Hùng tất tả lái xe đi hết con đường 15 cây số vắt vẻo trên mấy rặng đá tai mèo, ổ gà dày như lỗ tra thóc, trên chặng đường ấy, thầy phải nghỉ chân một lát ở điểm trường chính cho lại sức, rồi mới đi tiếp 8 cây số đường đất trơn tuột, vực sâu hun hút để tới điểm trường Khuôn Vình. Mỗi lần đi về hơn 2 tiếng đồng hồ.

Năm học này, thầy Hùng là giáo viên Chủ nhiệm của 24 đứa trẻ  độ tuổi lớp 1, lớp 2 ngồi chung một phòng. Lớp 1 chỉ có 10 em, còn lại là 2 và việc phân biệt học sinh lớp trên, lớp dưới bằng hướng ngồi ngang - dọc. Dạy xong lớp này, quay sang dạy lớp khác. Tiếng đánh vần ê a dài thườn thượt theo lời đọc mẫu kiên nhẫn của thầy giáo, có khi cả buổi học không được một phép tính cộng, trừ.

 5 năm gắn bó với điểm trường là 5 năm thầy Hùng miệt mài đưa con chữ về với các em học sinh đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy
5 năm gắn bó với điểm trường là 5 năm thầy Hùng miệt mài đưa con chữ về với các em học sinh đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy

Thủa ban đầu, hễ thấy bóng thầy đến nhà vận động học là trẻ con vội bỏ trốn. Nhiều đứa chậm chân, không chạy kịp bị thầy “túm” được cứ giãy nảy lên mà khóc. Thầy dỗ dành, hỏi tại sao không thích học. Chúng hồn nhiên hỏi học để làm gì? Thầy bảo học để làm cán bộ, để giúp bố mẹ, anh chị bớt nghèo, bớt vất vả, vậy là chúng lại đồng ý đi học. Lứa đầu tiên đến lớp khi đã  12, 13 tuổi, học đến lớp 2, lớp 3, nhiều học sinh đã đòi ở nhà lấy vợ, lấy chồng. Lúc này thay vì dỗ dành, thầy phải phân tích học để biết cách trồng trọt sao cho bắp ngô thêm to, con lợn, con bò nuôi thêm lớn; học để sau này trở thàn những người có đóng góp hữu ích cho bản làng, quê hương.

Chỉ dân vận học sinh thôi thì chưa đủ, mà còn phải dân vận phụ huynh. "Trên này sợ nhất trời mưa, bọn trẻ con không đến lớp. Đã có lần thầy giáo phải xuống tận nhà để động viên phụ huynh cho con đến trường", thầy Hùng thở dài.

(Bài Chuyên đề) Chưa đi chưa biết Khuôn Vình… 3
Các em học sinh tiểu học điểm trường Khuôn Vình

Xóm Khuôn Vình nằm tách biệt quá, đi lại khó khăn, nhà nọ cách nhà kia có khi vài rặng núi.  Có thời điểm thiếu cán bộ, thầy được xã nhờ kết hợp cùng xóm điều tra hộ nghèo và cả tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh các biện pháp tránh thai.

Mới hôm trước thôi, thấy nhiều người dưới xuôi chia sẻ trên mạng, mùa đông năm nay sẽ đến sớm và lạnh lắm, rồi họ dự định sẽ đi du lịch ngắm tuyết… Thầy giáo cắm bản chạnh lòng, bởi chẳng bao lâu nữa, cái rét sẽ về phà hơi giá buốt lên những tầng đá núi, cây ngô trên nương rồi lại táp đi vì lạnh, con chim trong rừng cũng vội vã tìm đường về phương Nam để trốn những ngày đại hàn...và những đứa trẻ nơi rẻo cao có hôm đến lớp chỉ phong phanh manh mỏng, co ro trong cái lạnh có thể giết chết cả trâu bò…

(Bài Chuyên đề) Chưa đi chưa biết Khuôn Vình… 4
Thầy giáo Trần Văn Hùng, cô giáo Hoàng Thị Tích, thầy giáo Phạm Văn Tường lội bộ 8km đường đất để lên điểm trường

Thầy giáo Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Mậu Long chia sẻ: “5 năm công tác tại điểm trường Khuôn Vình, thầy giáo Trần Văn Hùng luôn được phụ huynh có con em là đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây quý mến. Với sự giúp đỡ của chính quyền xã Mậu Long, xóm Khuôn Vình và tinh thần nhiệt tình của thầy Hùng, việc đảm bảo sĩ số lớp học và vận động học sinh đúng độ tuổi tới trường tại đây tăng lên rõ rệt”.

Người gieo chữ kiên cường

Điểm trường mầm non của xóm Khuân Vình thuộc Trường mầm non Mậu Long nằm cạnh điểm trường tiểu học, ngăn cách nhau bằng cái rãnh đất do trời mưa nhiều, nước trên núi đổ về lâu ngày tạo thành dòng. Cô giáo Hoàng Thị Tích (34 tuổi) được cử lên đây cắm bản từ đầu năm học vừa qua. Một mình cô quay cuồng với 24 học sinh người Mông, Dao, Giáy từ sáng tới tối. Đứa nào cũng bé như cây nấm còi cọc, chân không dép chai sần leo đá, quần áo ngắn ngủn, cũ mèm nhưng mắt thì to tròn sáng lung linh. Vài đứa mới lên 2 còn lại thì 3, 4 tuổi đủ cả.

(Bài Chuyên đề) Chưa đi chưa biết Khuôn Vình… 5
Cô giáo Hoàng Thị Tích - Người gieo chữ kiên cường

Trường nằm trên đỉnh mây, bốn mùa chỉ thấy sương trắng bàng bạc trôi buồn. Hiếm hoi lắm mới có khách lạ lên thăm, thành ra hỏi gì cô Tích cũng đỏ hoe đôi mắt: “Biết các anh lên thăm em cứ thấp thỏm đợi. Mấy hôm nay, trời dày đặc sương giá lại lất phất mưa phùn đường đi trơn trượt nguy hiểm lắm”.

7h30, những đứa trẻ lục tục đến lớp. Điểm trường nằm trên cao, đường chưa được bê tông hóa, vừa quanh co lại toàn sống trâu, bọn trẻ có đứa phải đi qua 3 - 4 lũng núi từ 6 giờ, nên đầu ướt sương lướt thướt, chân tay lem luốc bùn đất và vết gai cào xước. Ngày mưa đường trơn, cô giáo xuống tận chân dốc chờ học sinh, kẹp mỗi bên hông một đứa, bấm chân lên lớp.

(Bài Chuyên đề) Chưa đi chưa biết Khuôn Vình… 6
Các em học sinh điểm trường mầm non Khuôn Vình ngơ ngác khi được chụp ảnh

Cô Tích kể: “Về đường đi thì anh biết không, con đường gần chục cây số từ điểm trường chính lên đây, đi mãi chẳng gặp nấy một người. Có lần đất trên núi sạt xuống, phần đường còn đi được bé tẹo. Em về đó đợi mãi mà chẳng có ai, sau lại phải dò dẫm tự khiêng xe qua”.

Cứ lên lớp thì ủng và áo mưa là hai thứ không được quên, bởi thời tiết ở đây lạ lắm, dưới trung tâm có thể nắng to nhưng trên này đổ mưa rào rào. Mỗi lần như thế chúng em đành đi bộ: “Em cứ cắm mặt mà đi, 8 cây số phải mất cả tiếng, ngã xoành xoạch người bẩn như trâu đầm”.

(Bài Chuyên đề) Chưa đi chưa biết Khuôn Vình… 7
Hiên trước lớp học chỉ rộng chừng 80 cm thành sân tập múa hát của cô trò mầm non Khuôn Vình

Căn nhà lắp ghép chừng 30m2 của mấy cô trò được xây dựng từ lâu, vách tường xỉn màu ngà ngà, gõ vào nghe kêu bồm bộp. Dịp cuối năm, mỗi lần gió mùa đông bắc thổi mái tôn lại rít lên rờn rợn. Có bao nhiêu khe vách, cửa sổ, cô Tích đều phải mở ra hết cỡ để ánh sáng lọt vào. Hỏi chuyện điện đóm, cô ngơ ngác rồi buồn buồn: “Đường điện đi nhờ dây của các hộ dân trong xóm bé tí như sợi chỉ không đủ để thắp một bóng đèn”.

 Bí thư Chi bộ Mua Mí Say bảo: “Điện có rồi, ở dưới đường ấy” và giải thích: “Không đưa trạm hạ thế lên được vì xa quá. Kéo dây lên thì phải nhiều cột và quá hao. Cả xóm Khuôn Vình có 52 hộ, thì chỉ có 5 hộ là không thuộc diện nghèo. Điện ở xóm 5.000 đồng một số mà tháng nào cả xóm dùng khỏe mới hết 600.000 đồng tiền điện. Tính chi li mỗi nhà chỉ dùng hết hơn 10.000 đồng tiền điện trong một tháng”.

Học sinh điểm trường mầm non Khuôn Vình co ro trong giá lạnh đầu mùa
Học sinh điểm trường mầm non Khuôn Vình co ro trong giá lạnh đầu mùa

Lấy thêm cái áo khoác choàng cho học sinh, cô Tích thật thà: “Em không dám mơ đến lý tưởng, bởi ở trên này, không điện đóm, liên lạc, tivi còn không có, nói gì đến những điều xa xôi vời vợi... Em chỉ nghĩ đến bọn trẻ và tương lai của chúng. Có cái chữ để học lên lớp 1, hết tiểu học, lên trung học và nhiều trong số chúng nó sẽ trưởng thành, ra khỏi thôn bản về Hà Nội học Đại học, quay lại giúp bản làng của mình đỡ khổ, đỡ nghèo”.

Ở Sủng Cháng...có những người thầy, người cô như thế