Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Phước: Tạo cơ hội cho đồng bào DTTS thoát nghèo thông qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Công Minh - 06:02, 06/12/2023

Trong những năm gần đây, bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bình Phước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi. Thông qua việc được đào tạo, nâng cao năng lực, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ tham gia các lớp học nghề do chính quyền tổ chức, nhiều hộ dân đồng bào DTTS ở Bình Phước tự tin thoát nghèo.
Nhờ tham gia các lớp học nghề do chính quyền tổ chức, nhiều hộ dân đồng bào DTTS ở Bình Phước tự tin thoát nghèo.

Bình Phước có 40 DTTS sinh sống, với gần 204 nghìn người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 270/KH-UBND thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng công tác giáo dục, đào tạo. Xem đây là giải pháp quan trọng, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Phước được xem là “cái nôi” về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS tại tỉnh Bình Phước.

Theo chia sẻ của ông Đặng Hùng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, hiện nay, trường đang dạy 420 em học sinh nội trú, trong đó phần lớn là người đồng bào DTTS. Với phương châm “trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em”, nhà trường đã tạo ra môi trường giáo dục gần gũi với các em học sinh. Nhờ vậy, các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường học mới và tiến bộ qua từng học kỳ. Trong đó, học sinh khá, giỏi, xuất sắc ở các khối lớp đạt 75%. Theo đó, 11 năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Môi trường giáo dục của nhà trường đã tạo được thói quen sinh hoạt cho học sinh và bảo đảm lượng kiến thức cơ bản khi bước vào trường cao đẳng, đại học hay trường nghề.

Tỷ lệ học sinh là con em đồng bào DTTS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Phước liên tục tăng qua từng năm.
Tỷ lệ học sinh là con em đồng bào DTTS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Phước liên tục tăng qua từng năm.

Ông Lý Thành Tâm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết, từ năm 2016 đến nay, Bình Phước đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo con em đồng bào DTTS.

Qua đó, hệ thống các trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa ngày phát triển, mở rộng, cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ, học sinh, sinh viên tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được các ngành, địa phương phối hợp tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.

Trong đào tạo mũi nhọn, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, đây được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, là tiền đề để con em đồng bào bước vào học nghề và quay về địa phương phục vụ, cống hiến. Đến nay, tỉnh có 07 trường trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS) dân tộc nội trú, hằng năm đào tạo hàng nghìn học sinh là con em đồng bào DTTS.

Song song với việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bình Phước cũng quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS.

Giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS được tỉnh Bình Phước chú trọng.
Giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS được tỉnh Bình Phước chú trọng.

Điển hình như trường hợp của anh Điểu Kiêng người dân tộc S’tiêng, ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập. Anh là một trong số ít người DTTS được cử tuyển đi học tại trường dân tộc nội trú. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Kiêng tiếp tục học đại học và được tỉnh bố trí công tác tại Phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập, hiện giữ chức vụ Trưởng phòng. Anh Kiêng cho biết: Bố trí cán bộ làm công tác dân tộc là đồng bào tại chỗ có nhiều lợi thế, vì họ biết đồng bào mình suy nghĩ gì, cần gì, từ đó đưa ra những giải pháp, những sáng kiến, tham mưu  hiệu quả.

Hiện toàn huyện Bù Gia Mập có 23 cán bộ, công chức, viên chức là người đồng bào DTTS (trong đó 4 người ở cấp huyện, 19 người ở cấp xã). Cũng theo anh Kiêng, cần cân đối đội ngũ cán bộ là người dân tộc địa phương để thực hiện chính sách cán bộ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào”, từ đó mới giúp đồng bào giảm nghèo bền vững.

Diện mạo nhiều vùng DTTS ở Bình Phước đổi thay nhờ người dân biết vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Diện mạo nhiều vùng DTTS ở Bình Phước đổi thay nhờ người dân biết vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cho 152 sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành đúng vị trí việc làm; trong đó, có nhiều cán bộ trẻ người DTTS được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Nhằm chuẩn hóa kiến thức cho những cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp tỉnh, Bình Phước đã cử 108 lượt người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Theo kế hoạch, cả ba cấp chính quyền của tỉnh cần tuyển dụng thêm 1.000 công chức, viên chức là người DTTS. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Phước có 219 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh là người DTTS là (chiếm tỷ lệ 4,1%); cấp huyện có 1.057 người (tương đương 6,6%); cấp xã hiện có 207 người (tương đương 8,6%).

Những năm qua, nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức khai giảng nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn. Các học viên DTTS khi tham gia các lớp dạy nghề của Trung tâm được đào tạo miễn phí, học tại địa phương nên không phải mất chi phí đi lại. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đạt tiêu chuẩn được doanh nghiệp phối hợp đào tạo hướng dẫn nộp hồ sơ tuyển dụng vào làm việc.

Người dân các DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước phấn khởi tham gia học nghề để tự vươn lên thoát nghèo.
Người dân các DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước phấn khởi tham gia học nghề để tự vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đặc biệt là đồng bào DTTS) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Trung tâm chú trọng đẩy mạnh và triển khai đúng hướng. Các lớp dạy nghề được phân bố hợp lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được quan tâm đầu tư và cải thiện và đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề được tăng cường, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ; chương trình, giáo án từng bước được cải tiến và hoàn thiện. Việc tham gia đầy đủ các lớp, khoá đào tạo của Trung tâm sẽ giúp các học viên dễ dàng trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, nâng cao thu nhập.

Theo anh Sùng Bá Giờ (ở TP Đồng Xoài, Bình Phước), sau khi tham gia lớp học nghề ngắn hạn về kỹ thuật cạo mủ cao su, anh được hướng dẫn nộp hồ sơ vào làm công nhân tại Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước. Cho đến nay, qua thời gian làm việc, những lao động nông thôn như anh Giờ đã phát huy kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo. “Từ Nghệ An vào Bình Phước, tôi được tạo điều kiện học nghề cạo mủ cao su và gắn bó đến hôm nay. Tôi tự nhủ phải cố gắng làm tốt công việc hơn nữa, đóng góp cho đơn vị và tăng thu nhập gia đình. Mong rằng, thời gian tới, nhiều người dân đồng bào DTTS như tôi sẽ được hỗ trợ về đào tạo nghề để có cơ sở từng bước vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống”.