Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào DTTS sập bẫy lừa đi lao động nước ngoài - Vì sao: Cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả (Bài cuối)

Hường-Dung-Thu-Anh - 06:09, 19/07/2022

Hầu hết nạn nhân bị lừa sang Campuchia đều là thanh niên vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Học vấn còn thấp, không có công ăn việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn, là những nguyên nhân khiến họ dễ rơi vào cạm bẫy. Để giúp người dân nêu cao cảnh giác, các địa phương, cơ quan chức năng cần đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đồng thời cần xử lý nghiêm khắc, kịp thời các đối tượng vi phạm.

Dân làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai đang trông ngóng những công dân bị lừa sang Campuchia trở về quê hương
Dân làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai đang trông ngóng những công dân bị lừa sang Campuchia trở về quê hương

Cảnh báo tình trạng lừa người qua biên giới

Sau khi rà soát từng nhà, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xác định có khoảng 82 trường hợp đi lao động tại Campuchia, 7 trường hợp đã quay về, còn 75 trường hợp vẫn đang làm việc ở Campuchia. Những trường hợp này đã lén lút đi, nhiều gia đình còn không biết con đi làm ở đâu, hoặc có những trường hợp khi chuộc con về cũng giấu giếm không dám khai báo.

Trung tá Sùng A Dính, Trưởng Công an xã Quang Kim cho biết: Trên địa bàn xã có những trường hợp được gia đình cho là bị lừa bán sang Campuchia, và liên lạc về cho gia đình chuộc người với số tiền lớn. Tuy nhiên, sau khi về gia đình cũng như nạn nhân không đến trụ sở trình báo, làm việc. Điển hình như trường hợp Tao Văn D. gia đình khai báo là đã bị lừa bán sang Campuchia làm việc từ 17/2, cùng với 1 người ở thị trấn Bát Xát. D. làm việc đến giữa tháng 6, thì điện về cho gia đình chuyển sang cho 120 triệu để chuộc người. Sau khi chuyển tiền D. đã được về nhà nhưng đến nay, D. vẫn chưa đến trụ sở để làm rõ vụ việc.

“Trước những vấn đề “nóng” của lao động tại Campuchia, lực lượng chức năng đang vào cuộc để làm rõ những trường hợp, đang cho là bị bán đi lao động hoặc tống tiền. Còn bao nhiêu trường hợp đi lao động ở Campuchia không khai báo, rất cần sự nhận thức đúng đắn của người lao động để bảo vệ quyền lợi của chính mình, bởi không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương lại cao”, Trung tá Sùng A Dính chia sẻ.

Tại Thanh Hóa, tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia làm việc cũng diễn ra phức tạp. Qua nắm tình hình, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa xác định: Từ tháng 4 đến nay, toàn tỉnh có 27 nạn nhân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Trong đó, cơ quan chức năng đã giải cứu được 19 trường hợp, 4 trường hợp gia đình phải nộp tiền chuộc người theo yêu cầu của các đối tượng, số còn lại đang bị khống chế, giam giữ trái phép ở Campuchia.

Lao động bị lừa sang Campuchia sau khi trở về mong muốn tìm được công việc ổn định
Lao động bị lừa sang Campuchia sau khi trở về mong muốn tìm được công việc ổn định

Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 21 đơn, đề nghị giải cứu từ người thân của các nạn nhân bị lừa sang Campuchia. Như thông tin trình bày của gia đình nạn nhân, con em họ đang bị bóc lột, cưỡng bức lao động và nếu muốn về phải đóng tiền chuộc.

Trung tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho rằng: Để tránh bị lừa đảo, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời mời làm việc nhẹ lương cao trên internet, nhằm tránh những bẫy lừa của tội phạm.

“Người dân có nhu cầu tìm việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ, muốn tìm việc ở nước ngoài, thì thông qua các cơ quan của Sở Lao động Thương binh - Xã hội, chính quyền địa phương để có hướng dẫn, tư vấn cụ thể. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi lao động thì cần có sự chia sẻ, gắn kết, hỗ trợ để tìm công việc phù hợp, tránh trường hợp bị các đối tượng dẫn dụ, lừa đảo. Cùng với đó, bản thân người lao động cũng cần trang bị kiến thức về pháp luật, nhận diện những thủ đoạn lừa đảo để tránh tiền mất tật mang, xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc”- Trung tá Đinh Văn Sơn nói.

Tích cực tuyên truyền, nêu cao cảnh giác

Vụ việc 7 thanh thiếu niên dân tộc Gia Rai ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vừa bị lừa sang Campuchia làm việc là một bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người trên địa bàn. Để ngăn chặn tình trạng lừa người qua biên giới, các ngành chức năng đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu.

Trung tá Đinh Công Thông, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O, Bộ đội Biên phòng Gia Lai cho biết: Đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền tập trung để Nhân dân nắm chắc được các loại hình tội phạm, sự nguy hại về nạn mua bán người. Tham mưu với chính quyền địa phương, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao an sinh xã hội. Phối hợp với phòng Lao động, Thương binh- Xã hội huyện để định hướng giúp người dân có việc làm ổn định.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đến nhà dân khu vực biên giới để tuyên truyền
Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đến nhà dân khu vực biên giới để tuyên truyền

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho hay: thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp dân làng nêu cao cảnh giác đề phòng, phát hiện kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục, lôi kéo dân làng làm điều sai trái. Đối với các công dân đã trở về nhà sau khi bị lừa sang Campuchia làm việc, chính quyền địa phương, cộng đồng hỗ trợ kịp thời, giới thiệu việc làm. Đồng thời, giúp các công dân đó học nghề và có công việc ổn định.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, trước tình trạng trên địa bàn có nhiều lao động bị lừa đi Campuchia làm việc, Tỉnh ủy đã yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cụ thể, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân địa phương biết được thủ đoạn lừa đảo, rủi ro và hậu quả của việc xuất cảnh sang Campuchia. Đồng thời, kêu gọi người dân tố giác những đối tượng lôi kéo, môi giới, tổ chức người đi xuất cảnh lao động trái phép, mua bán người để ngắn chặn, xử lý. Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, lôi kéo, môi giới, không để tình trạng xuất cảnh trái phép đi lao động nước ngoài tái diễn.

Ở góc độ ngành công tác dân tộc, ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai chia sẻ: Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào vùng DTTS được các địa phương triển khai đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Tranh thủ tầm ảnh hưởng của Người có uy tín, già làng, trưởng thôn trong đồng bào DTTS miền núi để tuyên truyền. Đồng thời, giúp người dân vùng biên giới chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhận diện việc mua bán người qua biên giới để tránh bị lừa đảo…

Trước tình trạng hàng trăm lao động Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc, ngày 7/7 Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo, tại đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin: Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân Việt Nam tại Campuchia gặp khó khăn để đưa về nước. Đến nay, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia đã đưa khoảng 400 trường hợp lao động về nước, đồng thời hướng dẫn hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp gặp khó khăn về xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú hoặc vi phạm luật pháp sở tại.