Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào DTTS sập bẫy lừa đi lao động nước ngoài - Vì sao: Đường trở về chông gai (Bài 2)

Hường-Thu-Dung-Anh - 08:46, 14/07/2022

Quyết định theo khát vọng làm giàu nơi xứ lạ, mỗi bước đi của “con mồi” đều được các đối tượng “cò mồi” đón rước, mọi chuyện dễ dàng, hanh thông nhiều lao động trẻ Việt Nam tưởng chừng đến Campuchia công việc cũng thuận buồn xuôi gió. Nhưng khi vào làm việc thực tế không như mong đợi, người lao động muốn về nước thì phải qua một hành trình chông gai.

Đồng bào DTTS sập bẫy lừa đi lao động nước ngoài - Vì sao? Bài 2: Gian nan đường trở về
Bà con trong làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai thăm hỏi, cùng chia sẻ với gia đình có người thân bị lừa đi lao động sang Campuchia

Quay quắt lo tiền chuộc con

Ngôi nhà gỗ xập xệ khoảng chục m2 của hai anh em Puih Thái và Puih Đại nằm ở phía cuối làng Kloong, xã Ia O, càng thêm hiu hắt sau cơn khủng hoảng. Thái và Đại đã trở về nhà, nhưng nỗi lo cuộc sống nặng nề hơn với người mẹ nghèo.

Đưa ánh mắt xa xăm, buông tiếng thở dài nặng nhọc, bà Puih Phiăn, mẹ của Thái và Đại bảo: Nhà mình nghèo lắm, cuộc sống của cả gia đình dựa vào mấy sào rẫy, khó khăn lo ăn từng bữa. Ông già quanh năm bám nương rẫy ít khi có mặt ở nhà. Giờ gánh thêm khoản nợ 150 triệu đồng vay mượn khắp nơi để chuộc 2 con về, lại càng thêm khó. Nhưng cũng mừng vì hai đứa đã về đến nhà.

Trước đó, những ngày đầu tháng 7 Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đưa nhóm thanh niên làng Kloong, xã Ia O về địa phương an toàn, trong đó có hai người con của bà Puih Phiăn là Puih Thái và Puih Đại.

Bà Puih Phiăn bộc bạch: Anh em chúng nó vì tin vào lời của kẻ xấu nên mới bị lừa qua nước ngoài. Qua đấy chúng nó bị đánh đập, chịu không được mới gọi về cho gia đình để chuộc lại người. Khi Thái gọi điện về khóc lóc cầu cứu, gia đình định bán đất nhưng đất ít quá không ai mua. Chị gái của hai đứa đứng ra đi vay mượn, chạy vạy khắp nơi mới đủ 90 triệu đồng cứu em. Chuyển tiền theo yêu cầu của người ta, mình thấp thỏm lo không biết em có được về thật không hay mất cả người lẫn tiền. Đến khi, Thái thông báo đã về được tới cửa khẩu, thì lúc đó gia đình mới yên tâm một phần. Lo xong con lớn, lại đến con nhỏ Puih Đại vẫn chưa được về. Khi nhận được thông tin gia đình tiếp tục xoay sở, vay mượn cho được số tiền 65 triệu đồng để chuộc Đại, đến ngày 7/7 Đại về đến nhà. 

“150 triệu đồng là số tiền lớn, nếu để hai ông bà già lo chẳng biết khi nào con mới được về, may con gái lớn thương em chạy vạy khắp nơi mới có tiền chuộc. Giờ để các con bình tâm, cả nhà cùng lo làm trả nợ”, bà Puih Phiăn nói.

Lúc bước chân đi làm ai cũng chỉ nghĩ là sẽ có tiền phụ giúp gia đình, không ngờ lại mang về đống nợ. Em chỉ mong có việc làm để kiếm tiền sau đó phụ gia đình mình trả nợ”.

Ksor Chiêuở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai

Không chỉ riêng gia đình Puih Thái, Puih Đại, mà gia đình các nạn nhân khác trong làng Kloong trong vụ lừa đi lao động Campuchia đều đang đau đáu về số nợ lớn không biết phải gồng làm sao để trả khi đất sản xuất ít, công ăn việc làm không có.

Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Gia Lai: Qua xác minh ban đầu hiện có 9 công dân bị lừa qua Campuchia trái phép thuộc 2 huyện Ia Grai và Chư Prông để làm việc và bị tống tiền. Các đối tượng lừa đảo có trường hợp thông qua quen biết, có trường hợp liên hệ qua mạng xã hội, các trường hợp sau, khi bị đưa trái phép qua Campuchia muốn trở về Việt Nam đều bị buộc đưa tiền chuộc người mới cho về, số tiền yêu cầu từ 50-150 triệu đồng.

5 thanh niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai trở về nhà nước ngày 7/7
5 thanh niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai được đón trở về nhà ngày 7/7

Xứ "Cam" đi dễ khó về

Không khó để tìm được mối sang Campuchia làm việc. Cách đơn giản nhất là mạng xã hội, chỉ cần đăng dòng câu hỏi “Muốn được sang làm việc ở Campuchia”. Ngay lập tức đã có hàng chục người inbox riêng để hỏi nhu cầu. Và tất nhiên những lời giới thiệu có cánh được bung ra ngay đầu câu chuyện rằng, lương cao, ăn ở có công ty bao hết, tiền đi xe, ăn uống trên đường cũng được chi trả đầy đủ, chỉ cần lên xe và đi thôi.

Tuy nhiên, thực tế khác xa với “thiên đường” mà người môi giới vẽ ra. Nghe theo lời dụ dỗ hầu hết các trường hợp sang đến đất Campuchia rồi mắc kẹt không thể về.

Theo người thân của anh Đặng Văn T. ở thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, T. đi sang Campuchia đã hết hợp đồng 6 tháng nhưng chưa thể về, vì chưa đáp ứng được doanh thu mà phía công ty sử dụng lao động đã giao. Thời gian trước, T. bảo nếu muốn về phải đền cho công ty số tiền là 30 triệu đồng, nhưng quá khó khăn gia đình xoay sở không được nên đến nay T. vẫn chưa được về nhà.

Điều đáng lo nhất là khi người lao động không đạt được số doanh thu được giao, sẽ bị cộng dồn vào tháng tiếp theo, và mức khoán doanh thu tháng sau luôn nhiều hơn tháng trước. Vì vậy, số tiền chuộc ngày một lớn lên. 

“Ở bên đó, nó suốt ngày nhắn về hỏi vay tiền. Lúc đầu nó nói để về chỉ mất 10 triệu đồng thôi, vì đi chui đóng mỗi bên 5 triệu, nhưng hôm sau lại nhắn số tiền lên 30 triệu. Nó bảo càng ngày doanh thu cộng dồn càng cao, cơ hội về càng khó”, người thân của Đặng Văn T. chia sẻ.

Các địa phương khác của huyện Bát Xát cũng có hàng chục trường hợp đi lao động tại Campuchia, có những trường hợp đã liên lạc về gia đình cầu cứu mang tiền chuộc về. Nhiều gia đình đã báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp, vì số tiền quá lớn không thể lo nổi.

Mất tiền mà chuộc được người thân về cũng coi như có phần nào may mắn, nhiều trường hợp mất tiền của, hao tâm tổn sức mà tin con vẫn bặt vô âm tín, thậm chí có gia đình mất con mãi mãi vì giấc mộng làm giàu nơi xứ người.

Ngày 7/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã thông tin trong cuộc họp báo của Bộ cho biết, đến nay các cơ quan chức năng hai bên đã đưa khoảng 400 trường hợp công dân Việt Nam bị lừa đi lao động trái phép tại Campuchia về nước. Đồng thời hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp gặp khó khăn trong việc xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú hoặc vi phạm luật pháp sở tại.