Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi thay vùng đồng bào Mông ở Mường Lát

Thảo Nguyên - 08:59, 18/11/2023

Đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 3.600 hộ, với trên 19.500 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã biên giới của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đây là những địa bàn khó khăn cần có sự quan tâm đặc biệt. Theo đó, hàng chục năm qua, nhiều chương trình, dự án chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Đổi thay nếp nghĩ, cách làm

Tại bản Pom Khuông, xã Tam Chung (Mường Lát). Trước đây, đồng bào dân tộc Mông hầu hết chỉ dựa vào nguồn thu nhập chính từ việc làm nương rẫy, trồng rừng, thì nay đã dần thay đổi phương thức trong sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi dần tăng lên, từ đó góp phần ổn định đời sống.

Anh Lý Seo Châu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản cho biết: Bản Pom Khuông có 77 hộ, 440 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, bà con chủ yếu làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, diện tích lúa nước ít nên lúa, gạo không đủ ăn, thường xuyên trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước vào những tháng giáp hạt. Để thoát khỏi cái nghèo, cái đói thì trước tiên phải thay đổi được nếp nghĩ rồi đến cách làm, tìm hướng thoát nghèo cho gia đình và giúp đỡ bà con.

Hộ gia đình anh Lý Seo Châu làm giàu từ mô hình nuôi bò theo hình thức vỗ béo
Hộ gia đình anh Lý Seo Châu làm giàu từ mô hình nuôi bò theo hình thức vỗ béo

Năm 2015, anh Lý Seo Châu đã mạnh dạn nuôi bò theo hình thức vỗ béo, thay cho hình thức chăn thả tự nhiên. Gia đình anh là hộ đầu tiên của bản nuôi bò theo hình thức này. Đến nay, anh luôn duy trì đàn bò khoảng 15 - 20 con. Bò được chăm sóc, ăn uống đầy đủ nên lớn nhanh, giá bán cũng cao hơn.

 Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi bò vỗ béo, anh Lý Seo Châu cũng đã vận động bà con nuôi bò theo hướng mới, đồng thời tuyên truyền để họ không thả rông trâu bò, gây ô nhiễm môi trường, tận dụng phụ phẩm từ ngô sắn. Vừa chăn nuôi bò, gia đình anh Lý Seo Châu còn trồng hơn 200 cây ăn quả như nhãn, xoài, vải thiều. 

Hiện nay, Chi hội làm vườn và trang trại bản Pom Khuông có 60 thành viên cùng học hỏi nhau trong cách làm vườn, phát triển kinh tế. Trong đó, hộ gia đình Lý Seo Thề trồng nhiều cây nhãn, ổi và nuôi bò vỗ béo, cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm; gia đình Hầu A Dia và Mùa A Hồ, với mô hình trồng ổi cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng/năm

Ông Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung cho biết: Xã Tam Chung có 8 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái cùng sinh sống. Là xã thuần nông, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông lâm nghiệp, ngành nghề dịch vụ và lao động đi làm ăn xa. Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã đã bám sát vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng của người dân trên địa bàn xã.

Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đầu tư, hỗ trợ kinh phí để xã Tam Chung thực hiện các chương trình giảm nghèo trên địa bàn như mô hình nuôi gà tại bản Pom Khuông; mô hình trồng cây gai xanh tại bản Cân, bản Lát, bản Poọng, Suối Lóng...

 Cùng với đó, người dân cũng đã chủ động phát triển kinh tế hộ, như nuôi bò vỗ béo, trồng ổi ở bản Pom Khuông. Còn ở bản Suối Lóng, mô hình trồng cây ăn quả của hộ gia đình ông Sùng A Thào đã và đang phát triển phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Lát. Gia đình ông Sùng A Thào bắt đầu trồng các loại cây ăn quả như mít, nhãn vào năm 2019 với diện tích 2,2 ha. Ngoài ra, gia đình ông Thào còn trồng thêm 1.000 cây cau, 350 cây dừa, xoài, hồng xiêm; đào ao thả cá, nuôi dê, nuôi lợn bản địa.

Những công trình được làm từ sức đóng góp của bà con dân bản đã và đang tạo nên một Pù Toong hoàn toàn mới
Những công trình được làm từ sức đóng góp của bà con dân bản đã tạo nên diện mạo mới cho Pù Toong hoàn toàn mới

Ngoài ra, ở bản NTM Pù Toong, xã Pù Nhi, thời gian qua, cùng với sự chủ động của Ban quản lý bản, sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi, bà con đã tích cực khai hoang các piềng bãi, ruộng bậc thang để trồng lúa nước 2 vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc thay đổi giống cây trồng có năng suất cao. Quy hoạch đất trồng ngô, lúa rẫy, sắn phù hợp cho năng suất, góp phần ổn định lương thực cho bà con; vận động bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là nuôi bò lai Sind và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Cùng với đó, Bản triển khai dự án trồng cây đào lai 10 ha/20 hộ, cây mít thái 2,1 ha/6 hộ do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 hỗ trợ. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định như, mô hình trồng đào và mận, đào ao thả cá, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm của hộ gia đình ông Lâu Văn Chá; chị Chá Thị Chứ phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản và kết hợp nuôi gà, vịt, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; gia đình chị Thao Thị Dua với mô hình trồng mận, đào cho thu nhập ổn định...

Phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới, với hơn 8.800 hộ, 41.857 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông có hơn 3.400 hộ, 18.493 nhân khẩu. Là huyện có địa hình phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng giao thông khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu, năng suất thấp, đa số vẫn mang tính tự cung tự cấp, chưa trở thành hàng hóa, các loại hình kinh doanh ít, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao.

Tháng 8 vừa qua, Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Mường Lát đã tổ chức công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa huyện Mường Lát, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lập Đề án Phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Việc làm này, góp phần giúp huyện Mường Lát xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, KT-XH và giúp cho các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động trong công tác tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh ký kết chương trình phối hợp với các đồn biên phòng hướng dẫn Nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn
Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh ký kết chương trình phối hợp với các đồn biên phòng hướng dẫn Nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn

Cùng với đó, hiện nay Mường Lát đẩy mạnh trồng cây sắn năng suất cao và được Công ty CP Sản xuất chế biến nông, lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đầu tư giống sắn, phân bón. Công ty đã phối hợp cùng các Đồn biên phòng hướng dẫn Nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Diện tích ban đầu khoảng 2.000 ha. Đây sẽ là “lối thoát” cho cây sắn “tự tin” phát triển, và là điều kiện để người dân mạnh dạn hơn trong sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp.

Huyện Mường Lát đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết được xem là “chìa khóa” quan trọng góp phần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội thiết yếu; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sớm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo. 

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11, cũng như nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.