Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần nhiều nguồn lực hơn nữa để người dân Luận Khê thoát nghèo

Quỳnh Trâm - 20:27, 08/11/2023

Là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), Luận Khê có vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng giao thông yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Để người dân địa phương thoát nghèo, cần nhiều nguồn lực hơn nữa.

 Hệ thống giao thông của xã Luận Khê còn nhiều khó khăn
Hệ thống giao thông của xã Luận Khê còn nhiều khó khăn

Nhiều bước chuyển tích cực

Xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa chừng gần 70km về hướng Tây. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn với những bất lợi như địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông không thuận lợi, nông nghiệp manh mún, kém hiệu quả kinh tế.

Nhiều năm trước, xã Luận Khê được biết đến là nơi đói nghèo, lạc hậu, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, cuộc sống của người dân thiếu thốn trăm bề. Những năm gần đây, nhờ chính sách quan tâm của Nhà nước và những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, vùng đất nghèo này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, nhờ công tác tuyên truyền, vận động tốt, những hủ tục lạc hậu trong nếp sống, sinh hoạt của người dân cũng dần được xóa bỏ, nhận thức của đồng bào ngày càng nâng cao. Tình hình an ninh trật tự tại địa phương này được đánh giá ổn định, không có trọng án hay đơn thư khiếu kiện vượt cấp, người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhờ các nguồn lực của Nhà nước đối với vùng DTTS, các công trình hạ tầng cơ bản phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như điện, đường giao thông, trường học, trạm xá, công trình thủy lợi…được đầu tư mới và khang trang hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 xã Luận Khê đã được đầu tư, thi công và hoàn thiện các công trình điển hình như: Tu sửa Hồ Quán Thánh; Tu sửa nhà 2 tầng trường PTDTBT THCS; Công trình đường tràn Pắng Muồng; Công trình đường tràn Cỏ Ho thôn Nhàng...

Trước đó, tuyến đường đi các thôn Kha, Buồng đã được bê tông hóa, thay thế con đường núi thường xuyên lầy lội, trơn trượt trước đây. Điều này giúp bà con vô cùng phấn khởi, học sinh đến trường đầy đủ và đều đặn hơn. Đến năm 2023, xã đã đạt 7/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới.

Vẫn chưa đủ nguồn lực để thoát nghèo

Tuy đã có những đổi thay tích cực, diện mạo của xã miền núi thay đổi đáng kể. Song, xã Luận Khê vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều điều kiện để thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Mùa mưa đến cầu tràn Cửa Dụ bị lũ nhấn chìm, khiến xã Luận Khê bị cô lập
Mùa mưa đến cầu tràn Cửa Dụ bị lũ nhấn chìm, khiến xã Luận Khê bị cô lập


Trở ngại lớn nhất của xã miền núi này hiện nay vẫn là giao thông không thuận lợi do bất lợi về địa hình. Con đường tỉnh 519B từ đường Hồ Chí Minh vào xã Luận Khê vốn nhỏ hẹp, nay xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bong tróc, xói lở tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Trong khi đó, mỗi khi mùa mưa lũ đến, cầu tràn Cửa Dụ thường bị nước lũ dâng cao nhấn chìm, khiến giao thông tê liệt, cô lập toàn xã. Việc con đường huyết mạch thường xuyên bị chia cắt gây kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương này.

Bên cạnh đó, một số thôn bản xa trung tâm như Ngọc Trà, Mơ Thắm vẫn chưa có đường giao thông, khiến công cuộc thoát nghèo vô cùng gian nan.

Ông Vi Văn Hiệp (thôn Mơ Thắm, xã Luận Khê) cho biết: “Niềm mong mỏi bao năm qua của bà con là có con đường giao thông thuận tiện hơn, để các cháu đi học đỡ vất vả, vận chuyển hàng hóa cũng thuận lợi hơn để người dân sớm thoát nghèo”.

Luận Khê rất cần thêm nguồn lực để thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn
Luận Khê rất cần thêm nguồn lực để thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn


Ông Lương Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Luận Khê cho biết, những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Song, khó khăn vẫn còn đó. Việc huy động đóng góp xã hội hóa từ Nhân dân để xây dựng hạ tầng cơ sở và xây dựng nông thôn mới là rất khó khăn bởi lẽ thu nhập của bà con còn bấp bênh. Là một xã thuần nông nhưng hoạt động sản xuất của bà con trong xã còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát, tự cấp tự túc, tập quán canh tác còn mang tính lạc hậu... vì vậy hiệu quả kinh tế còn thấp. Các mô hình, dự án giảm nghèo còn quá ít, nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Xã mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chương trình, chính sách để có được nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Đẩy nhanh thực hiện các công trình dự án đã được đầu tư và thi công các công trình xây dựng cơ bản như các công trình giao thông, cầu tràn, công trình nước sạch...Đặc biệt, đề nghị cấp trên quan tâm bố trí vốn xây dựng cầu Cửa Dụ để xã khỏi bị cô lập mỗi mùa mưa bão”, ông Thạch đề xuất.