Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hoá: Nhiều kết quả tích cực từ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719

Hà Anh - 04:19, 15/11/2023

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa gồm 11 huyện, với dân số trên 1 triệu người. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 60%, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), đến nay tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng trong việc sắp xếp, ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn...
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng trong việc sắp xếp, ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn...

Trong hơn 2 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả sử dụng và phát huy nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS. 

Giai đoạn 2021-2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chương trình MTQG 1719 là 1.154.375 triệu đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ về nhà ở cho 339 hộ dân với tổng vốn 13.560 triệu đồng; đầu tư 32 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn 45.288 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.545 hộ, với số vốn giải ngân 7.463 triệu đồng.

Về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, tỉnh đã triển khai 4 dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh với tổng mức đầu tư dự kiến là 84.288 triệu đồng; các dự án đang ở bước lập hồ sơ, chuẩn bị đầu tư, tổng vốn đã giải ngân đạt 809 triệu đồng.

Đồng thời, để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức với diện tích 39.784 ha, hỗ trợ bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân với diện tích 75.210 ha; phê duyệt 5 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hiện đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát từng bước được ổn định, nâng lên
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát từng bước được ổn định, nâng lên

Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư 3 điểm du lịch; bảo tồn 03 làng, bản văn hóa truyền thống; tu bổ, tôn tạo 2 di tích; đầu tư xây dựng 78 thiết chế văn hóa, thể thao của các địa phương miền núi, với tổng vốn thực hiện là 40.247 triệu đồng. Đến nay, có 10 công trình đã hoàn thành, 76 công trình đang triển khai thực hiện; số vốn giải ngân 3.116 triệu đồng...

Nhờ đó, đời sống kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng ổn định, và từng bước được nâng cao. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa là 7,37%, vượt 4,37% kế hoạch năm; thu nhập bình quân của người dân tăng 5% so với năm 2020; 100% xã miền núi đã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 99,91% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 91,4% trạm y tế được xây dựng kiên cố; 86% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,6%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,45%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,56%.

Ghi nhận tại huyện Bá Thước - một huyện nghèo của tỉnh với 15 xã khu vực I, 5 xã khu vực II và 1 xã khu vực III, 51 thôn đặc biệt khó khăn cho thấy, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Bá Thước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, với tổng số vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 trên 100 tỉ đồng. 

Mô hình Homestay tại Pù Luông, huyện Bá Thước góp phần phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân
Mô hình Homestay tại Pù Luông, huyện Bá Thước góp phần phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân

Theo đó, huyện đã tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án, như: hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 47 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 414 hộ ở 17 xã; xây dựng 01 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng với diện tích trên 7.000ha. Xây dựng 12 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở Bá Thước; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; đầu tư xây dựng 71 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Tính đến tháng 10/2023, huyện Bá Thước đã đạt được 2/8 chỉ tiêu theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: 2021-2025. Huyện đã tập trung khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt có nhiều nghiên cứu cách làm hay, tạo sự khác biệt trong phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Hà Văn Thao, Trưởng bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cho biết: Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con Nhân dân bản Kịt đã được thụ hưởng nhiều chính sách về phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống kinh tế - xã hội đã có bước phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực...

Không chỉ riêng huyện Bá Thước, tình hình đời sống kinh tế - xã hội của 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh cũng đã có những đổi thay rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế như việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mất nhiều thời gian, dẫn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn chậm; khả năng bố trí vốn đối ứng của địa phương còn hạn chế, việc huy động đóng góp của Nhân dân để lồng ghép thực hiện Chương trình trên địa bàn các huyện, các xã miền núi rất khó khăn…

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ khắc phục khó khăn, triển khai quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, nhằm bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh.