Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điện Biên: Cà phê “3 được” nhưng nhiều nông dân lại “khóc ròng”

Vũ Lợi - 19:21, 24/10/2021

Sau nhiều năm liên tục thấp thỏm với điệp khúc được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, năm nay, người trồng cà phê ở Điện Biên đang rất vui mừng bởi có tới “3 được”, đó là: Được mùa, được giá và được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng trái ngược với niềm vui “3 được”, nhiều nông dân lại “khóc ròng” tiếc nuối vì đã lỡ chặt bỏ phần lớn diện tích cà phê.

Người dân Mường Ảng thu hoạch cà phê
Người dân Mường Ảng thu hoạch cà phê

Chặt, bỏ hàng nghìn ha cà phê

Huyện Mường Ảng - nơi được coi là thủ phủ cà phê của Điện Biên đang có khoảng trên 2.000ha cà phê. Cách đây 4 năm, diện tích cà phê của địa phương này lên đến gần 4.000ha.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm qua, cây cà phê  không phát huy được giá trị kinh tế. Người trồng cà phê sống chật vật vì đầu ra không ổn định, giá thấp, không bù được chi phí sản xuất. Chính vì vậy, nhiều nông dân chặt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng cây ngắn ngày như ngô, sắn, chanh leo…

Chị Nguyễn Thị Hương, người trồng cà phê ở bản Hua Nguống, xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng, chia sẻ: Trồng cà phê Arabica đòi hỏi rất nhiều công đầu tư, chăm sóc mới có năng suất. Đó là chưa kể phải đầu tư một khoản tiền lớn cho việc thuê hái. Cà phê Arabica có đặc điểm quả chín không đều nên phải thu hái làm nhiều đợt và tuân thủ những nguyên tắc nhất định.

Tuy nhiên, để hái cà phê đúng kỹ thuật thì năng suất lao động thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Nếu tăng giá thu hái để đảm bảo thu nhập cho người lao động thì lại “đội” chi phí của các chủ vườn. Bên cạnh đó, điệp khúc được mùa - mất giá, được giá - mất mùa diễn ra trong nhiều năm. Mỗi năm, đến mùa thu hoạch, người trồng cà phê luôn lo lắng cho dù được mùa hay được giá. Và kết quả là nhiều nông dân không đủ kiên nhẫn đã quyết định chặt hoặc bỏ không chăm sóc.

Niềm tin… “cây mũi nhọn”

Có mặt trên đất Mường Ảng đã hơn 20 năm qua nên không thể phủ nhận vai trò của cây cà phê. Giá trị mà nó đem lại có thể nhìn thấy rõ nhất là đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Năm nay cà phê Mường Ảng được mùa, được giá và được bao tiêu sản phẩm
Năm nay cà phê Mường Ảng được mùa, được giá và được bao tiêu sản phẩm

Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng khẳng định: Trước đây, khi cây cà phê chưa phát huy hiệu quả kinh tế với người trồng, nhưng huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên vẫn luôn kiên định với mục tiêu phát triển loại cây này. Thậm chí còn coi cà phê là “cây mũi nhọn” trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

“Hiện nay, toàn huyện có khoảng 2.100ha cà phê, sản lượng ước đạt khoảng 2.500 tấn cà phê thóc, tương đương khoảng 13.000 tấn cà phê tươi. Giá trị cây cà phê mang lại cho người lao động địa phương là rất lớn. Đó là tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, mang lại thu nhập khoảng 50-60 tỷ đồng mỗi năm cho người lao động/niên vụ.”, ông Cường nói.

Tuy nhiên theo ông Tạ Mạnh Cường, cái khó nhất để người lao động và người trồng đều sống được từ cây cà phê, thì quan trọng phải tìm được đầu ra cho sản phẩm tương xứng với giá trị vốn có của nó. Bởi vậy, những năm qua, huyện Mường Ảng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi các thị trường lớn để tìm hiểu, quảng bá sản phẩm và kêu gọi đối tác đầu tư, thu mua. Dù vậy, vùng nguyên liệu không đủ lớn để đầu tư nhà máy và quãng đường vận chuyển lại xa, đội giá thành nên nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Bà con nông dân thu hái cà phê
Bà con nông dân thu hái cà phê

Có thể thấy, từ nhiều năm nay, vấn đề sống còn của cây cà phê Mường Ảng nằm ở phương án đầu ra. Nhưng hiện nay, đã có một công ty đầu tư một nhà máy chế biến cà phê có quy mô lớn tại huyện Mường Ảng đi vào hoạt động từ giữa tháng 10/2021. Doanh nghiệp này còn cam kết với UBND huyện Mường Ảng cùng toàn thể các hộ tham gia trồng cà phê sẽ thu mua và bao tiêu toàn bộ với đơn giá 10.000 đồng/kg quả cà phê tươi; đảm bảo tiêu chuẩn của công ty đề ra là quả xanh không vượt quá 5% và quả nổi không vượt quá 5%.

Cà phê được mùa, được giá, lại được bao tiêu sản phẩm, đó thực sự là tín hiệu vui để ngành sản xuất, chế biến cà phê ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên có thể vực dậy sau nhiều năm thăng trầm. Từ đây, người trồng cà phê sẽ có thêm động lực, niềm tin và có thể yên tâm đầu tư, phát triển bền vững vào loại cây vẫn được coi là mũi nhọn của địa phương trong những năm tới.