Mãi khắc ghi 3 lần được gặp Bác Hồ
Những ngày tháng 5, chúng tôi trở lại nhà Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh để nghe ông kể về 3 lần được gặp Bác Hồ. Nhớ về những lần gặp Bác, ông lại bồi hồi xúc động, hình ảnh và những lời căn dặn của Bác đã theo ông suốt cuộc đời. Đó cũng là niềm tự hào để ông giáo dục con cháu nỗ lực học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nhấp ngụm trà nóng, ông Yang Danh chậm rãi kể: Năm 13 tuổi, tôi cùng lớp học sinh các tỉnh Tây Nguyên ngày ấy vượt đường Trường Sơn băng rừng, lội suối ra miền Bắc học tập theo chủ trương “Gieo những hạt giống đỏ miền Nam trên đất Bắc”, với mục đích đào tạo cho thế hệ lực lượng học sinh miền Nam nòng cốt sẽ quay trở về xây dựng quê hương. Hồi đó, tôi được tuyển chọn ra miền Bắc học tại Trường Dân tộc Trung ương. Tại đây, tôi may mắn được gặp Bác Hồ 3 lần. Mỗi lần gặp gỡ, chúng tôi đều cảm nhận tình thương trìu mến của Bác.
Đối với nhiều người, một lần được gặp Bác Hồ đã là may mắn, nhưng mình lại được gặp Bác đến 3 lần, cháu nghĩ xem niềm vui đó lớn đến nhường nào? Ông Yang Danh cười tươi nói với tôi như vậy và ông kể lại cặn kẽ những lần được gặp Bác Hồ.
Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh chỉ dạy cách đánh cồng chiêng cho đồng bàoLần thứ nhất là vào một buổi trưa hè năm 1961, sau khi ăn cơm xong, tôi cùng chúng bạn học sinh Trường Dân tộc Trung ương chuẩn bị ngủ trưa thì nghe chị phụ trách lớp thốt lên: “Các em ơi, Bác Hồ đến, Bác Hồ đến…”. Tất cả học sinh ngạc nhiên, vui mừng chạy ùa ra vây quanh Bác Hồ và các bác lãnh đạo Đảng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được gặp Bác.
“Sau khi thăm cán bộ trong trường, tham quan dãy nhà tập thể, các phòng học, Bác đến nói chuyện với các học sinh miền Nam. Ngày đó, tôi còn nhút nhát, gặp Bác mừng lắm, nhưng chỉ đứng từ xa, các bạn chen lên trước ngồi. Tôi nhớ như in lời Bác ân cần hỏi thăm chúng tôi: Các cháu ăn có no không? Mặc áo ấm không? Có đoàn kết không? Rồi Bác dặn dò các cháu phải ăn uống cho khỏe, đoàn kết thương yêu nhau, ngoan ngoãn, chăm học để thành tài xứng đáng là những hạt giống đỏ của miền Nam về xây dựng quê hương”, ông Yang Danh kể lại.
Lần thứ 2 là vào ngày 15/5/1962, nhân kỷ niệm 21 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/1962), khi ấy tôi đang học lớp 2D Trường Dân tộc Trung ương, vì có thành tích học giỏi, chăm ngoan được chọn là một trong số 35 học sinh đến Phủ Chủ tịch thăm Bác Hồ.
Được gặp Bác Hồ chúng tôi háo hức lắm, dậy từ 4 giờ sáng chờ xe đưa tới Phủ Chủ tịch. Lần này, chúng tôi được đứng gần Bác hơn và nghe Bác ân cần thăm hỏi, căn dặn. Bác đứng giữa chúng tôi nói chuyện khoảng 15 phút, rồi mang kẹo ra phát cho từng người. Bác dặn dò chúng tôi phải học giỏi, chăm ngoan. Rồi Bác và chúng tôi bắt nhịp cùng hát vang bài ca Kết đoàn, không khí rất đầm ấm, thân tình.
“Lần gặp này, chúng tôi được Bác Hồ tặng mỗi người một Huy hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, một cuốn sổ tay, rồi được chụp ảnh cùng với Bác. Tất cả kỷ vật Bác tặng, tôi cất giữ cẩn thận, nhưng trong một lần di trú đến Lạng Sơn, nơi chúng tôi ở bị trúng bom của giặc Mỹ, tất cả đồ đạc bị cháy hết, tôi chỉ còn giữ được chiếc Huy hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Sau này, tôi đã hiến tặng chiếc Huy hiệu này cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, trưng bày”, ông Yang Danh cho hay.
Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh (bên trái), một trong số ít người vinh dự 3 lần được gặp Bác HồLần thứ 3 là vào ngày 18/5/1963. Khi ấy, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1963), đoàn gồm 18 học sinh giỏi của Trường Dân tộc Trung ương được vào Phủ Chủ tịch để thăm Bác. Trong khi chờ Bác Hồ đến, các học sinh vinh dự được trò chuyện cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khoảng 30 phút sau, Bác Hồ đến vẫy tay chào mọi người, tất cả học sinh đứng dậy vỗ tay và cùng hô vang: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!. Rồi cùng hát vang các ca khúc: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Đội ta lớn lên cùng đất nước, Tiến lên đoàn viên.
“Bác nở nụ cười hiền từ, lần lượt đi tới xoa đầu từng học sinh, rồi phát kẹo cho mỗi người. Rồi Bác kể cho chúng tôi nghe về gương các anh hùng thiếu niên: Kim Đồng, Lê Văn Tám, K’pa K’lơn…, gương thiếu niên học giỏi Nguyễn Ngọc Ký… Cũng trong lần đó, Bác tiếp tục nhắc nhở mọi người phải chăm ngoan, học tập tốt để xứng đáng là những hạt giống đỏ của miền Nam”, ông Yang Danh xúc động nhớ lại.
Người nặng nợ với văn hoá Ba Na
Dù đã trải qua hơn 60 năm, nhưng ký ức về những lần gặp gỡ Bác Hồ, nghe lời Bác căn dặn vẫn như mới hôm qua. Với ông Yang Danh, từng cử chỉ, lời nói của Bác được khắc ghi trong lòng và ông xem đó là động lực, chân lý soi sáng cuộc đời, ông ra sức học tập, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Giờ đây, tuổi đã cao và đã trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống, tất cả đối với ông như một sự nghiệm sinh, ông vẫn miệt mài với công việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông bảo, mình còn sống thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những gì còn thiếu để làm phong phú hơn tư liệu văn hóa của dân tộc mình.
Mối duyên nợ với văn hóa dân gian bắt đầu từ năm 1969, sau khi học xong phổ thông tại Trường Dân tộc Trung ương, ông có hai sự lựa chọn: Một là đi học tại Trường Ðại học sư phạm Việt Bắc (Thái Nguyên); hai là nhận công tác tại Ðài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội. Với suy nghĩ, nếu làm báo thì sẽ có nhiều cơ hội sớm được trở về quê hương, ông chọn làm việc ở Ðài Tiếng nói Việt Nam, rồi được cử đi học.
Thấm nhuần lời dạy của Bác trong những lần được gặp, dù công tác ở cương vị nào Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh cũng luôn hoàn thành suất xắc nhiệm vụ và giờ đây ở cái tuổi "xưa nay hiếm" ông vẫn miệt mài truyền dạy văn hoá truyền thống cho lớp trẻNăm 1979, sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí - Trường Tuyên huấn Trung ương, ông được phân công về công tác tại Báo Gia Lai - Kon Tum, làm phóng viên rồi Tổ trưởng Tổ Văn - Xã. “Từ năm 1980, tôi bắt đầu có ý thức sưu tầm để góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người Ba Na Kriêm. Từ khi về hưu (năm 2007) đến nay, tôi có nhiều thời gian để viết hơn. Nhờ cái duyên và có điều kiện (nghiệp vụ nhà báo) nên tôi làm được văn hóa”, ông Yang Danh chia sẻ.
Tác phẩm đầu tiên đáng kể của Yang Danh về văn hóa, là “Nhận diện văn hóa Ba Na Kriêm”, đoạt giải A3 - Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1999. Công trình này là kết quả của sự tổng hợp, so sánh, nghiên cứu để tìm ra những nét đặc trưng của văn hóa Ba Na Kriêm như: Đâm trâu, cồng chiêng, nhà sàn, hoa văn...; Giải thưởng là kết quả của quá trình nhiều năm ông lăn lộn ở cơ sở, nhiệt tình tìm tòi các lĩnh vực, chi tiết cụ thể của văn hóa Ba Na nói riêng và văn hóa các DTTS Việt Nam nói chung.
Liên tục từ đó đến nay, ông Yang Danh đã có 10 tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật về văn hóa Ba Na Kriêm, như: Rượu cần, ẩm thực, nhà sàn, rẫy, lễ hội đâm trâu, các trường ca... Các công trình này đã mang về cho ông 4 giải A, 2 giải B, 2 giải Khuyến khích của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Mới đây nhất, ông cho ra đời tác phẩm Văn hóa dân gian Ba Na Kriêm Bình Định (NXB Hội Nhà văn), xuất bản tháng 12/2023. Tập sách là kết quả quá trình dày công sưu tầm, nghiên cứu của tác giả về một số loại hình văn hóa và phong tục tập quán truyền thống của người Ba Na Kriêm Bình Định. Trong đó, tập trung vào đặc điểm văn hóa vật chất như: làng, nhà rông, các nhạc cụ cổ truyền, dệt – đan truyền thống và các đặc điểm văn hóa tinh thần: dân ca, truyện kể dân gian, lễ tục cưới hỏi…
Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương còn lưu giữ đậm nét văn hoá truyền thống của người Ba Na Yang Danh là một trong những học sinh được tuyển chọn ra miền Bắc học tại Trường Dân tộc Trung ương. Sau khi học xong lớp 10 Trường Dân tộc Trung ương, ông Yang Danh làm phóng viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1975, ông tiếp tục học 4 năm đại học báo chí tại Trường Tuyên huấn Trung ương. Từ năm 1979 - 1982, ông công tác tại Báo Gia Lai.
Từ năm 1983 - 1993, ông về công tác tại huyện Vĩnh Thạnh với nhiều chức vụ khác nhau, sau đó đảm nhiệm chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh. Năm 1994 - 2006, ông giữ các chức vụ: Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, quyền Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và sau đó về nghỉ chế độ. Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2004; phong tặng danh hiệu Nghệ nhâ Ưu tú năm 2015…