Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điện ảnh Việt: Khao khát phục dựng lịch sử

PV - 08:42, 02/05/2022

Điện ảnh Việt trong bối cảnh thích ứng bình thường mới, có ba bộ phim lịch sử được công chúng ngóng chờ là Trưng Vương, Quỳnh hoa nhất dạ và Huyết rồng. Thế nhưng trên thực tế, thể loại phim lịch sử dường như vẫn còn nhiều loay hoay trong giới Nghệ thuật thứ bảy nước nhà.


“Quỳnh hoa nhất dạ” là bộ phim lịch sử về Thái hậu Dương Vân Nga
“Quỳnh hoa nhất dạ” là bộ phim lịch sử về Thái hậu Dương Vân Nga

Phim lịch sử là cách gọi chung cho những bộ phim nói về cuộc đời những nhân vật trong quá khứ. Dòng phim này bao gồm cả phim về chính sử và phim về dã sử, được nhận diện bằng những hình ảnh cổ trang. Thế nhưng, cổ trang chưa đủ để làm nên phim lịch sử. Và thực tế, thị trường phim ảnh đang cạnh tranh gay gắt hiện nay lại không mấy độ lượng với những nhà làm phim muốn khai thác yếu tố lịch sử...

Không ai gọi bộ phim Phạm Công - Cúc Hoa năm xưa là phim lịch sử. Bởi lẽ, Phạm Công - Cúc Hoa là một truyện thơ Nôm dài 4.610 câu lục bát, được tác giả Dương Minh Đức Thị sáng tác cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan chuyển thể Phạm Công - Cúc Hoa thành kịch bản phim truyện và được đạo diễn Lưu Bạch Đàn dàn dựng, thì nó đã trở thành một bộ phim ăn khách “đình đám” vào năm 1989. Thực tế ấy chứng minh, để có những hình ảnh cổ trang thuyết phục khán giả thì câu chuyện phim đừng quá phức tạp. Cho nên, những lời ca thán khó khăn về bối cảnh hay trang phục để làm phim lịch sử là hoàn toàn không hợp lý.

Cùng thời điểm với bộ phim Phạm Công - Cúc Hoa, có một phim lịch sử nổi tiếng không kém là Đêm hội Long Trì của đạo diễn Hải Ninh, với dàn diễn viên sáng giá thời ấy là Thế Anh, Lê Vân, Thu Hà... Đêm hội Long Trì phản ánh giai đoạn suy tàn của Chúa Trịnh cuối thế kỷ XVIII, cho công chúng thêm một góc nhìn về vướng mắc giữa Chúa Trịnh Sâm và gia đình Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Sự thành công của Đêm hội Long Trì nhờ dựa trên chất liệu có sẵn rất hấp dẫn từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Một bộ phim lịch sử ăn khách khác là Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ (Cánh Diều Vàng 2012). Bộ phim quy tụ dàn diễn viên trẻ, đẹp như Vân Trang, Khương Ngọc, Midu, Huỳnh Đông, Kim Hiền... với nội dung xoay quanh thảm án Lệ Chi Viên, và cốt truyện mạch lạc của Thiên mệnh anh hùng cũng là nhờ dựa theo tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn.

Rõ ràng, một trong những cơ sở để có phim lịch sử chính là “nương tựa” vào những tiểu thuyết lịch sử. Nhiều năm qua, tiểu thuyết lịch sử vẫn xuất hiện đều đặn, với những tác phẩm của các nhà văn như Hoàng Quốc Hải, Trần Thùy Mai, Phùng Văn Khai... nhưng không thấy đạo diễn nào “động lòng”. Văn chương cũng như điện ảnh, khi phản ánh lịch sử nghĩa là tiến hành giải mã quá khứ; giải mã đúng thì phục dựng được lịch sử, còn giải mã sai thì thành bóp méo lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử đã qua một lần “thử lửa” thẩm định của công chúng, mà giới điện ảnh không tận dụng để làm phim lịch sử thì thật uổng phí một nguồn tài nguyên quý giá.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh có bộ phim Phượng Khấu, đề cập đến 7 năm trị vì của Vua Thiệu Trị
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh có bộ phim Phượng Khấu, đề cập đến 7 năm trị vì của Vua Thiệu Trị

Phim lịch sử không cần đắn đo giữa chính sử và huyền sử. Bởi lẽ, những phim lịch sử của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc lôi cuốn khán giả Việt Nam luôn xóa nhòa hai khái niệm này. Chỉ cần có những thước phim đạt được giá trị thẩm mỹ, thì chính sử hay huyền sử không còn là điều cần bàn cãi. Bộ phim Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh phản ánh cụ thể cuộc đời của Vua Lý Công Uẩn; còn bộ phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không nêu rõ giai đoạn nào, nhưng những hình ảnh về nước Đại Cồ Việt của cả hai bộ phim đều chinh phục được người xem.

Có một tín hiệu đáng mừng hiện nay là nhiều đạo diễn trẻ mong muốn được thử sức với dòng phim lịch sử. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh có bộ phim Phượng Khấu, đề cập đến 7 năm trị vì của Vua Thiệu Trị, rất được khán giả yêu thích. Với dự án phim lịch sử Huyết rồng đang triển khai, vị đạo diễn này thổ lộ: “Xu hướng làm phim lịch sử Việt chủ yếu là tự phát nên sẽ khó lâu bền, cầm chừng là chủ yếu. Làm phim lịch sử nếu là tư nhân thì phải là tập đoàn lớn hoặc là chủ trương, chiến lược văn hóa của cả quốc gia. Khi đó, sự đầu tư, quản lý, nguồn kinh phí từ Nhà nước sẽ góp phần tạo ra một dòng phim lịch sử mang tính chính quy và bền vững hơn. Bây giờ, vì là tự phát nên mọi việc như lên ý tưởng, kêu gọi đầu tư, tự sản xuất, tìm kênh phát sóng… nếu không có đam mê, các bạn trẻ rất khó để theo đuổi đường dài. Trong khi đó, các nền điện ảnh lớn xung quanh khu vực đã làm từ lâu bằng chính sách quốc gia để phát triển dòng phim này chứ không thể phó mặc cho tư nhân”.

Nhiều nhà làm phim độc lập dù đã lường trước khó khăn nhưng vẫn quyết định đầu tư làm phim lịch sử, như dự án Trưng Vương của Trương Ngọc Ánh hoặc Quỳnh hoa nhất dạ của Thanh Hằng. Sự mạo hiểm của họ chỉ có thể giải thích là đáp số của niềm đam mê. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, người đã bỏ ra 40 tỉ cho Trưng Vương, chia sẻ: “Người Việt có sẵn lòng yêu nước và bản sắc riêng, ngay cả những tài liệu cổ sử Hán - Nôm thì chỉ người Việt giải mã tốt nhất và chỉ người Việt mới có trách nhiệm tốt nhất với văn hóa Việt. Yếu tố nước ngoài có thể hỗ trợ kỹ thuật cho dự án nhưng cốt lõi vẫn phải là người Việt Nam. Chúng tôi quyết định phải thực hiện những sản phẩm điện ảnh đa dạng, phong phú và mang lại rất nhiều niềm cảm hứng cho hậu thế, và chúng tôi luôn tin khán giả yêu điện ảnh sẽ luôn sát cánh ủng hộ chúng tôi”.