Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Dân ở nhiều vùng miền núi khó khăn nhưng cán bộ lại “rất khá”

PV - 16:39, 30/09/2020

“Dân ở nhiều địa phương miền núi khó khăn nhưng cán bộ cấp huyện thì rất khá, thậm chí cán bộ lãnh đạo còn dùng phương tiện phục vụ cá nhân sang trọng hơn cán bộ nơi khác. Chúng tôi nhìn thấy nhiều”.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, sáng 30/9, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Qua hỗ trợ do Covid-19 mới thấy ai nghèo thật!

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,37%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%.

Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hồ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%. Bên cạnh đó, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 12,5% và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến cuối năm nay khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên làm việc sáng 30/9
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên làm việc sáng 30/9

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định kết quả thực hiện Nghị quyết 76 là tích cực. Chúng ta chưa bằng lòng với những gì đã đạt được nhưng quốc tế đánh giá Việt Nam là gương sáng trong giảm nghèo.

Ông Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận việc phấn đấu giảm nghèo bền vững là rất khó khăn, tình trạng tái nghèo, tái cận nghèo còn cao và thực tế còn tình trạng mâu thuẫn là ở một số huyện, tỉnh nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo phát sinh thấp hơn một số tỉnh kinh tế khá giả.

“Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân cơ bản là việc tách hộ để được hưởng chính sách nghèo, cận nghèo, rồi giải quyết nhà ở, đất ở. Phải thẳng thắn với nhau là còn tình trạng trục lợi” – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh và phân tích nguyên nhân “một số địa phương theo bài cũ bình xét hộ cận nghèo, hộ nghèo có ưu ái”.

“Dịch Covid-19 vừa qua cho ta nhiều bài học quý khi thực hiện gói hỗ trợ đã phát hiện ra nhiều sai sót. Phát tiền mới thấy người này, người kia có nghèo đâu, khi đó mới thật” – ông Đào Ngọc Dung nói.

Thay mặt cơ quan thẩm tra phát biểu, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 76, trong đó chủ đạo là tinh thần chuyển sang tiếp cận nghèo đa chiều, hỗ trợ có điều kiện. Sau 5 năm thực hiện, 2/3 chỉ mục tiêu cụ thể đã đạt được, bước đầu tích hợp được các chính sách, tăng nguồn lực, từng bước bỏ dần chính sách cho không và thay bằng hỗ trợ có điều kiện. Đối tượng cũng tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Trong đó có những vấn đề mà báo cáo các giai đoạn đều lặp lại là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao, khoảng cách giàu nghèo gia tăng và sự trông chờ ỷ lại vẫn lớn.

“Chuẩn nghèo có nhiềm điểm chưa phù hợp thực tế. Hiện nay đạt chỉ số giảm nghèo nhưng là con số vượt qua chuẩn nghèo chứ không phải vượt qua tình trạng nghèo, đó là lý do mà báo cáo đánh giá là giảm nghèo chưa bền vững” – ông Nguyễn Hoàng Mai nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ khi xây dựng Nghị quyết mới trình Quốc hội cho giai đoạn tới cần tiếp tục tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 76 là áp dụng nghèo đa chiều, hỗ trợ có điều kiện, gắn đối tượng địa bàn, thời gian thu hưởng, khuyến khích vượt nghèo, bố trí nguồn lực; không có chồng lấn chính sách.

Vốn ít mà còn rơi rớt, phân tán thì hiệu quả không cao

Phân tích sâu hơn về thực hiện Nghị quyết 76, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, nguồn lực chủ yếu vẫn là từ ngân sách Trung ương, nhưng quá trình triển khai bố trí chậm, chủ yếu vào cuối năm và cuối giai đoạn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện, song báo cáo lại cho thấy kết quả giảm nghèo khá nhanh. Do đó Chính phủ cần đánh giá sâu hơn để từ đó rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, câu chuyện phân cấp, phân quyền hay trao quyền cũng phải lưu ý, nhất là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương để tránh “cứ nói giao tỉnh rồi giao huyện nhưng huyện chưa muốn thoát nghèo, xã cũng thế, rồi một bộ phận người dân cũng chưa muốn thoát nghèo”.

Tương tự về chuẩn nghèo, phải phân tích khả năng đáp ứng của người dân, của địa phương rồi còn lại Nhà nước hỗ trợ chứ không thể Nhà nước lo tất để rồi hết giai đoạn, khi điều chỉnh chuẩn nghèo lại quay lại con số tỷ lệ nghèo ban đầu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì nhấn mạnh, việc có các chương trình như giảm nghèo bền vững, nông thôn mới... với nguồn lực lớn, được sự quan tâm của cả hệ thống và tập trung vào vùng lõi là miền núi và nông thôn là thuận lợi. Tuy nhiên sự phối hợp để các chương trình về đến địa phương thì thống nhất lại không đơn giản. Do đó cần khách quan để đi chặng đường tiếp theo.

Từ phân tích trên, vị đại biểu đoàn Bến Tre đề nghị bổ sung cụm từ về trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai, phối hợp để tránh thích thì làm và làm sai thì phải xử lý để chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành có điểm nhấn, có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị quan tâm phân bổ nguồn lực để đến tay người nghèo
Bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị quan tâm phân bổ nguồn lực để đến tay người nghèo

Góp ý vào báo cáo, bà Nguyễn Thị Thanh – Phó trưởng Ban công tác đại biểu cho rằng nguồn lực cho các chương trình là khá lớn dù địa phương nói chưa đáp ứng như mong muốn. Tuy vậy, nguồn lực này đến với người nghèo lại còn có khoảng cách vì sự mamh mún, phân tán, nằm ở khâu trung gian.

“Đi cơ sở thấy nguồn lực nằm ở khâu trung gian thì hiệu quả đầu tư có mức độ, có dự án hiệu quả không cao. Dân ở nhiều địa phương miền núi khó khăn nhưng cán bộ cấp huyện thì rất khá, thậm chí cán bộ lãnh đạo còn dùng phương tiện phục vụ cá nhân sang trọng hơn cán bộ nơi khác. Chúng tôi nhìn thấy nhiều” – bà Nguyễn Thị Thanh lưu ý và đề nghị quan tâm phân bổ nguồn lực vì đã ít rồi mà còn rơi rớt, phân tán nơi này nơi kia, khâu này khâu kia rồi với cách làm cũ thì các nhiệm kỳ vẫn phải tiếp tục đi lo.

Phát biểu làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định những thành công của hôm nay là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống và xã hội chứ mình cơ quan chủ quản không thể làm được. Ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân có chuyển biến.

“Mong muốn nhiều người thoát nghèo phải trên cơ sở thực tiễn vì đất nước còn nhiều khó khăn. Hôm nay thoát nghèo rồi nhưng sau một trận mưa bão, chết mấy con bò, con trâu lại nghèo. Chống đói nghèo thì chúng ta phải kiên trì”’ – ông Đào Ngọc Dung nói./.

Nhiều ý kiến đề nghị tách trường hợp khó có khả năng thoát nghèo như người già cô đơn, tàn tật... để có chính sách riêng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cũng đã tính chuyển đối tượng “nghèo kinh niên” sang diện bảo trợ xã hội và khi sửa Nghị định 136 cũng phải cân nhắc vấn đề này. Tuy nhiên, tách ra không phải là Nhà nước đảm bảo tất cả mà phải có xã hội hoá để chăm lo.