Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giám sát thực hiện chính sách dân tộc tại An Giang

PV - 10:27, 19/03/2019

Trong 2 ngày (ngày 18-19/3), Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) do bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội làm Trưởng đoàn, đã có chuyến công tác tại tỉnh An Giang giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2012-2018.

Cùng tham gia Đoàn công tác có bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cùng đại diện lãnh đạo một số vụ thuộc Văn phòng Quốc hội.

Đoàn công tác đã đến làm việc với huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Đây là những huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tại các địa phương, Đoàn công tác đã nghe đại diện lãnh đạo các huyện báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội tặng quà cho các em học sinh DTTS Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tặng quà cho các em học sinh DTTS.

Theo đó, tại huyện Tri Tôn, trong giai đoạn từ 2016-2018, chính sách giảm nghèo-an sinh xã hội đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, bình quân 3,07%/năm. Tuy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tăng bình quân mỗi năm 1,87%. Từ đó cho thấy, nếu không có giải pháp đầu tư hỗ trợ cho hộ cận nghèo thì nguy cơ rơi xuống hộ nghèo rất cao và tình trạng tái nghèo trong thời gian tới sẽ xảy ra.

Tại huyện Tịnh Biên, báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Bá Phước, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên đề xuất, để giúp bà con vùng dân tộc, miền núi thoát nghèo bền vững, chính quyền các cấp, các bộ, ngành có liên quan cần tập trung thực hiện các giải pháp căn bản và toàn diện hơn, “từ chỗ tập trung hỗ trợ vốn tín dụng chuyển sang gắn kết với dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp người nghèo biết cách tự tạo việc làm để có nguồn thu nhập từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo”.

Ông Trần Bá Phước cho rằng, Chính phủ giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như: vay vốn qua ngân hàng chính sách để khơi dậy tính chủ động, có trách nhiệm và sự vươn lên của người nghèo. Việc triển khai chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, đồng thời tạo điều kiện cho các xã, thị trấn thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo của địa phương mình. Đối với các dự án chính sách thực hiện tại cấp xã thì cần có cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở”, ông Phước đề nghị.

Thay mặt Đoàn công tác, bà Nguyễn Thúy Anh đã biểu dương nỗ lực của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS và miền núi. Bà Thúy Anh cũng ghi nhận, tổng hợp những kiến nghị, đóng góp của địa phương đối với những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Dịp này, Đoàn đã tặng 100 phần quà cho các em học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

N.TÂM