Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể lần thứ 11

PV - 09:12, 10/10/2018

Ngày 9/10 tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã họp phiên họp toàn thể lần thứ 11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh. Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cùng đại diện một số Bộ, ngành…

Trong phiên làm việc đầu tiên, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 76 của QH về giảm nghèo bền vững; tình hình thực hiện các chỉ tiêu KT-XH, dự toán ngân sách, đánh giá giữa kỳ 2016 - 2020… thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tình hình thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quang cảnh phiên họp. Quang cảnh phiên họp.

Đối với nội dung giảm nghèo, giai đoạn 2015 - 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%. Cả nước có 8/64 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a. Ngân sách được phê duyệt dành cho giảm nghèo là 41 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng chỉ đạo từng bước giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn. Từ 2016 - 2018, vốn bố trí cho Chương trình dự án 30a và 135 là hơn 19 nghìn tỷ đồng. Trên 1 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề.

Liên quan đến nội dung này, trong dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ ra nhiều hạn chế như: Việc thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, tuy đạt được nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ tái nghèo cao, số hộ nghèo phát sinh lớn, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng chưa được thu hẹp, nhất là ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đáng chú ý là tỷ lệ người có công thuộc hộ nghèo còn khá lớn, chiếm 1,42% tổng hộ nghèo. Tại phiên họp, nhiều đại biểu băn khoăn về thời gian thẩm định vốn cho người nghèo quá dài; giải ngân chậm, phê duyệt giữa năm đến cuối năm mới phân bổ. Có đại biểu đề nghị công khai nguồn lực dành cho sự nghiệp này là bao nhiêu để thấy rõ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội và tính được hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận phiên họp thứ nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, đồng thời chỉ ra nhiều thách thức đối với những lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời lưu ý các bộ, ngành tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực phụ trách.

Theo chương trình, Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ diễn ra đến ngày 11/10 tới.

LÊ TÙNHG