Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đại tướng Phạm Văn Trà: Không có nhân dân thì không có Mậu Thân 1968

PV - 08:59, 25/01/2018

Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, vai trò của quân dân miền Nam hết sức vĩ đại.

Rất nhiều vị tướng trải qua bao năm trận mạc đã khẳng định rằng: Nếu năm 1968 không có sự ủng hộ của nhân dân mà đặc biệt là của đồng bào Nam Bộ thì chúng ta không thể có được những cuộc tấn công lớn tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Và nếu không có những trận đánh quyết định của Mậu Thân 50 năm trước thì chúng ta không thể nào đạt được những thắng lợi tiếp theo từ Hiệp định Paris cho đến đại thắng mùa xuân 1975.

Các nữ Thanh niên xung phong vận chuyển vũ khí vào nội đô Sài Gòn, chuẩn bị cho chiến dịch... (Ảnh tư liệu) Các nữ Thanh niên xung phong vận chuyển vũ khí vào nội đô Sài Gòn, chuẩn bị cho chiến dịch... (Ảnh tư liệu)

 

Sẵn sàng hy sinh tất cả

Ông Ngô Văn Lập, con trai ông Ngô Toại, chủ quán phở Bình ở đường Yên Đỗ, nay là đường Lý Chính Thắng, Quận 3, TPHCM còn nhớ như in những ngày tháng của năm Mậu Thân 1968. Hồi đó ông mới 12, 13 tuổi, nhưng đã nhận thức rõ cha ông tham gia cách mạng và ông cũng là chân liên lạc thân tín của cha.

Ông Ngô Toại là chủ của nhiều căn nhà ở Sài Gòn và tích lũy được rất nhiều tiền bạc để phục vụ cho cách mạng. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, quán phở Bình được chọn làm Sở chỉ huy Tiền phương - Phân khu 6 (thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định), nơi tập kết của 100 cán bộ, chiến sĩ đặc công biệt động đánh vào Sài Gòn. Đây cũng là nơi phát đi lời hiệu triệu của Mặt trận giải phóng và lệnh tổng công kích Sài Gòn vào 3h sáng ngày mùng 2 Tết.

Hồi đó cả gia đình ông Lập đều tham gia hoạt động cách mạng, mỗi người một nhánh riêng. Sau cuộc Tổng tiến công, sáng mùng 3 Tết, cả gia đình ông Ngô Toại đều bị địch bắt. Ông Toại và con rể là Nguyễn Kim Bạch bị tra tấn, tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Giờ đây, khi nhắc lại với con cháu về sự kiện Mậu Thân 1968, ông Lập vẫn luôn tự hào về người cha của mình là ông Ngô Toại và truyền thống cách mạng của gia đình.

“Tôi hãnh diện về cha tôi, sự hy sinh của ông rất lớn lao. Nếu bản thân thoát li thì một mình hy sinh, nhưng ở đây ông đưa cả gia đình vợ con và cả gia tài tham gia cách mạng. Cả cuộc đời ông, tiền của làm lụng cả đời mấy chục năm đều đem cống hiến cho sự nghiệp cách mạng” – ông Lập cho biết.

Không chỉ có quán phở Bình mà rất nhiều cơ sở của cách mạng lúc đó tại Sài Gòn đã không tiếc sức người, sức của và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để phục vụ cho cuộc tấn công vào các trung tâm đầu não của địch. Điển hình phải kể đến cơ sở cất vũ khí bí mật ở số 287/70 đường Võ Văn Tần, quận 3.

Ông Phan Văn Hôn, một đặc công biệt động tham gia trận đánh Mậu Thân 1968 đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Năm Lai, tức Trần Văn Lai về hầm chứa vũ khí bí mật này ngay trong lòng dịch.

“Ông Năm Lai hoàn toàn xứng đáng là anh hùng. Một gia đình giữa lòng Sài Gòn, biểu tượng cho tinh thần ý chí của người Sài Gòn. Chỉ cần một trái lựu đạn trong gia đình thôi, chứ chưa nói tới hầm vũ khí bí mật là đủ hại cả gia đình rồi, vì máy chém của nó ở cạnh bên. Ông đã hy sinh cả sức người, sức của. Một người dám làm những việc cao cả như thế, chịu đựng 5 năm trong lòng địch như thế rất anh hùng” – ông Hôn bày tỏ.

Sau đợt 1, đến đợt 2, quân giải phóng tấn công vào Sài Gòn và các đô thị lớn ở miền Nam, nếu không có người dân Sài Gòn và đồng bào Nam Bộ thì chúng ta sẽ còn bị tổn thất nặng nề hơn và sẽ không bao giờ có chiến thắng. Đại tá Nguyễn Văn Tòng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 9 Quân đoàn 4, tham gia các đợt tấn công năm 1968 kể lại rằng: Trong đợt 1 và đợt 2, Sư đoàn 9 của chủ lực miền đã tấn công vào các điểm của Sài Gòn và sau mỗi lần rút ra là lại tạo ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Sài Gòn.

Trước đó địch xuyên tạc về hình ảnh người chiến sĩ giải phóng rất nhiều, khiến cho người dân rất lo sợ. Nhưng đến khi tiếp xúc với quân giải phóng, thấy đội quân rất kỷ luật, đặc biệt là rất trân trọng tính mạng và tài sản của nhân dân nên dân Sài Gòn cảm thấy quý mến, yêu thương, giúp đỡ và chở che cho quân giải phóng.

“Năm 1975 khi quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn mà dân Sài Gòn vẫy nón, vẫy cờ chào đón là do có ấn tượng tốt đẹp từ Mậu Thân 1968” –  Đại tá Nguyễn Văn Tòng bồi hồi.

Ông Nguyễn Trọng Xuất, Tổng thư ký công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến khẳng định rằng: Cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa vì vậy mà đã huy động được nhân dân tham gia, ngay cả người dân ở trong lòng địch. Hàng tấn vũ khí trong nội đô Sài Gòn phục vụ cho các cuộc tấn công cũng nhờ sự mưu trí, dũng cảm của nhân dân mà ra.

“Chúng ta đấu tranh chính trị vũ trang, cho nên người dân sống trong vùng của địch nhưng lại theo. Đêm là mình, ngày là của địch; chứa vũ khí ở vùng ven, rình địch sơ hở là đưa vào ngoại ô, từ ngoại ô đưa vũ khí vô nội đô” – ông Nguyễn Trọng Xuất kể lại.

"Không có nhân dân thì không bao giờ thành công"

Theo đánh giá của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, vai trò của quân dân miền Nam hết sức vĩ đại. Nếu không có nhân dân miền Nam thì chúng ta không có sự kiện Mậu Thân.

Người dân đã mang đồ tiếp tế, súng đạn và dẫn đường cho bộ đội, rồi che dấu, chăm sóc cho bộ đội. Biệt động Sài Gòn, đặc biệt là chị em phụ nữ là những người luôn tiên phong và dũng cảm trong các trận đánh vào những vị trí trọng yếu dù biết mình sẽ hy sinh bất cứ lúc nào.

Đường phố Sài Gòn bị quân giải phóng tiến công. Ảnh tư liệu TTXVN Đường phố Sài Gòn bị quân giải phóng tiến công. Ảnh tư liệu TTXVN

Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại: "Quân đội vào lúc bấy giờ còn bỡ ngỡ, nhất là những chiến sĩ miền Bắc. Nhưng nhờ có nhân dân Nam Bộ dẫn đường, chỉ đường mà đặc biệt là đội biệt động quân và đặc công của ta đã ém sẵn ở đây. Có thể khẳng định rằng: Không có nhân dân thì chúng ta không bao giờ thành công. Không có nhân dân thì không đánh được Mậu Thân 1968. Qua đây cũng có thể khẳng định được lòng yêu nước của người dân Nam Bộ luôn hướng về Tổ quốc, hướng về đất nước và hướng về Bác Hồ”.

Đại tướng Phạm Văn Trà khẳng định rằng, chỉ có những ai ở trong cuộc mới biết Mậu Thân có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với cách mạng Việt Nam. Tầm chiến lược của Mậu Thân 1968 chính là đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Thế giới cũng phải công nhận rằng cách đánh này của Việt cộng không ai có thể lường nổi. Một cách đánh trí tuệ, thông minh, làm cho kẻ địch mạnh hơn mình gấp nhiều lần phải chịu thua, thua mãi cho đến năm 1975.

50 năm đã trôi qua, đã có những hy sinh, mất mát, đau thương cả về sức người, sức của trong chiến dịch Mậu Thân 1968, nhưng sự hy sinh đó được dân tộc khắc ghi vào lịch sử và con cháu ngàn đời sau mãi mãi không quên./.

Theo vov