Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Cuộc chiến" đẩy lùi hủ tục lạc hậu ở vùng cao Lào Cai

PV - 10:29, 27/02/2020

Để thay đổi tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số, vấn đề quan trọng là phải phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đó là kinh nghiệm quan trọng trong “cuộc chiến” chống hủ tục ở vùng cao Lào Cai…

Phối hợp tuyên truyền xây dựng đời sống mới ở bản Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Ảnh: dangcongsan.vn
Phối hợp tuyên truyền xây dựng đời sống mới ở bản Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Ảnh: dangcongsan.vn

Bài học từ những điểm sáng

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, đoàn thể ở địa bàn vùng cao, vùng sâu Lào Cai đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát, Lào Cai) là một trong những điểm sáng về thực hiện công tác này.

Xã Nậm Chạc có 10 thôn, với đa số là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy sinh sống. Chị Vùi Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, về việc cưới, người Giáy quan niệm đám cưới càng lớn, thách cưới càng cao,hạnh phúc của đôi trẻ càng bền chặt. Trước đây, nhà gái thách cưới nhà trai 140 kg lợn móc hàm, 28 - 30 đôi gà, 2 chỉ vàng, kiềng đeo cổ bạc, vòng tay bạc, 8 lít rượu, 80 kg gạo tẻ để nấu cơm, 80-100 kg gạo nếp để làm bánh phục vụ đám cưới... Đám cưới được tổ chức linh đình trong nhiều ngày.

Sau đám cưới, nhà trai, nhà gái, vợ chồng trẻ phải vất vả làm việc để trả nợ. Cái vòng nghèo đói luẩn quẩn hết đời này sang đời khác. Thấu hiểu điều đó, chị Xuyến cùng tổ chức hội vận động gia đình, họ hàng không thách cưới cao, khi kết hôn phải đến UBND xã đăng ký, trai gái đủ tuổi mới được kết hôn, không kết hôn cận huyết thống, tổ chức cưới chỉ ăn một bữa chính...

"Lúc đầu, công tác vận động rất khó khăn. Mưa dầm thấm lâu, đến nay, người Giáy trong thôn không còn thách cưới cao, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương", chị Xuyến cho biết.

Trong việc tang, phong tục từ xa xưa là người Giáy phải để người chết quá 48 tiếng mới đem đi chôn cất. Ngoài ra, người Giáy phải đợi thầy cúng, thầy mo xem ngày, giờ mới được đem đi chôn cất. Những ngày tang lễ, gia đình tổ chức cúng, ăn uống, làng xóm nghỉ việc đến giúp, lễ cúng nhiều lãng phí…

Về việc này, chị Xuyến trăn trở suy nghĩ rồi bàn cùng gia đình, họ hàng với những lý lẽ đơn giản, chân thành: Nếu để như thế sẽ mất nhiều lợn, gà, gạo, rượu, vừa mất người, vừa mất của, dân làng mất công, mất thời gian. Con người có sinh, có tử đó là quy luật vì vậy con cháu làm sao phải hiếu thảo với bố mẹ lúc còn sống, lúc chết thì làm đám ma cho phải đạo, không nên quá xuề xòa, qua loa cũng không nên quá đình đám tốn kém. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, người Giáy ở Nậm Chạc không còn để người chết quá 48 tiếng, nếu không chọn được ngày, giờ đẹp sẽ chôn cất trước, làm lễ sau.

Tương tự, tại huyện vùng cao Si Ma Cai, những năm trước, khi có đám tang, thông thường, đồng bào để người chết trong nhà 3-5 ngày, thậm chí 7 ngày mới chôn cất, còn tổ chức "lễ ra nắng" đồng thời mổ trâu bò lợn, gà ăn uống nhiều ngày... ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe và thời gian của gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, việc thả rông gia súc gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng tới sức khỏe, khó khăn cho công tác xây dựng thôn bản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ huyện đến cơ sở, đến nay, các thôn, bản tại Si Ma Cai đều được học tập quy định về nếp sống văn minh trong việc tang, không còn tình trạng mời thầy mo thầy cúng về cúng tế, "yểm bùa, trừ tà, bắt ma" hoặc làm nghi lễ có tính chất mê tín, gây lãng phí tiền bạc, thời gian và hoang mang trong nhân dân. Đến nay, việc phúng viếng, đi lễ, trả lễ trong tổ chức đám tang đã được cải tiến nhiều. 100% người chết được đưa vào áo quan, cơ bản không để quá 48 giờ, kèn trống không quá 23 giờ. Tỷ lệ gia đình có nhà vệ sinh, chuồng nhốt gia súc đạt 73,7%, toàn huyện có 5/13 xã đạt tiêu chí nông thôn mới...

Đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số đã dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Ảnh: baolaocai.vn
Đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số đã dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Ảnh: baolaocai.vn

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương, năm 2018, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành kế hoạch số 158-KH/TU về tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020. Qua hơn một năm triển khai, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền, vận động cải tạo một số tập quán lạc hậu của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong việc cưới, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bổ sung quy ước, hương ước thôn bản; tổ chức ký cam kết không để con cháu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không thách cưới cao. Đặc biệt tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng giảm dần.

Năm 2018, toàn tỉnh có 320 trường hợp tảo hôn, 6 cặp hôn nhân cận huyết thống. Đến năm 2019, địa bàn đã giảm còn 283 trường hợp tảo hôn, 2 cặp kết hôn cận huyết thống. Việc thách cưới trong đồng bào đã giảm, các nghi lễ tổ chức cưới đã được giảm bớt, tiết kiệm.

Về việc tang, các địa phương đặc biệt tranh thủ được lực lượng thầy cúng, thầy mo, người có uy tín trong cộng đồng làm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân. Đến nay cơ bản không còn tình trạng mời thầy mo, thầy cúng về cúng tế, “yểm bùa, trừ tà, bắt ma” hoặc làm các nghi lễ có tính chất mê tín, gây lãng phí tiền của, thời gian... Một số dân tộc trước đây còn hủ tục không cho người chết vào áo quan, đến nay, đám tang đã cơ bản thực hiện đúng quy định (cho người chết vào áo quan, không để ở nhà quá 48 giờ, không bắn súng kíp báo hiệu...). Việc tổ chức tang lễ bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, bỏ tập quán chia thịt trong đám tang, chôn cất người chết tập trung nơi quy định.

Một số lễ hội như "Gầu tào", lễ hội cúng rừng "Nào lồng" trong đồng bào dân tộc Mông, lễ hội nhảy lửa, lễ cấp sắc trong đồng bào Dao cũng được điều chỉnh giảm những nội dung còn lạc hậu...

Trong sinh hoạt đời sống, việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa, văn nghệ đã giúp đồng bào tiếp cận nét văn hóa mới, tiến bộ trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt. Qua đó nhận thức của phần lớn đồng bào đã được nâng lên, nhân dân dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ. Đến nay, cơ bản đồng bào các dân tộc thiểu số đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hoá, ăn, ở hợp vệ sinh. Nhiều thôn, bản đã vận động các hộ làm chuồng trại xa nhà, làm nhà tiêu hợp vệ sinh...

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, thực tế “cuộc chiến” chống hủ tục ở xã vùng cao Lào Cai cho thấy, những tập quán lạc hậu đã ăn sâu trong suy nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, những hủ tục đó chỉ có thể đẩy lùi được khi sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại cơ sở được phát huy. Khi những hủ tục đã không còn chỗ đứng trong đời sống người dân, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước sẽ là tiền đề thuận lợi để đồng bào có thể vững bước xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc...