Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

COVID-19: Mức độ gia tăng số ca nhiễm, tử vong giảm song vẫn ở mức cao

PV - 08:30, 11/10/2021

Đến sáng 11/10, thế giới có tổng số 238.624.237 ca nhiễm và 4.866.865 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua, thế giới có thêm 293.566 ca nhiễm và 4.450 ca tử vong mới. Mức độ gia tăng theo ngày số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã giảm song vẫn ở mức cao.

Trong một ngày qua, thế giới có thêm 293.566 ca nhiễm và 4.450 ca tử vong mới do COVID-19. (Ảnh: AFP)
Trong một ngày qua, thế giới có thêm 293.566 ca nhiễm và 4.450 ca tử vong mới do COVID-19. (Ảnh: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 11/10, đã có 215.788.011 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.969.361 ca bệnh đang điều trị, có 17.886.841 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 82.520 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 34.574 ca nhiễm mới, Anh là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Nga (28.647 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (28.370 ca). Trong khi đó, Nga là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 962 ca, sau đó là Mỹ (510 ca) và Mexico (348 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 77.129.534 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 11/10, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 118.186 ca nhiễm mới và 1.395 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 28.370; 19.018 và 12.159 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Iran (222 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (196 ca) và Ấn Độ (193 ca).

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 122.921 ca nhiễm và 1.674 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 60.398.870 ca nhiễm mới và 1.244.525 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Anh, Nga và Ukraina có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 34.574; 28.647 và 11.344 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 962 ca, tiếp sau đó là Romania (211 ca) và Ukraina (162 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 54.348.358 ca, trong đó có 1.104.902 ca tử vong và 42.490.843 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 21.703 ca nhiễm và 510 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico với 6.153 ca, Cuba với 3.604 ca nhiễm mới; và Mexico với 348 ca, Guatemala với 41 ca tử vong mới vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 11.970 ca nhiễm và 237 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 38.028.325 ca và 1.160.936 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 8.639 ca nhiễm mới, sau đó là Colombia với 1.518 ca, Chile với 1.063 ca nhiễm mới. Đồng thời, với 167 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Colombia với 38 ca và Argentina với 15 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 11/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.462.594 ca, trong đó có 214.412 ca tử vong và 7.750.183 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.912.145 ca nhiễm và 88.317 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 648 ca nhiễm mới và 25 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 939.187 và 709.834 ca nhiễm bệnh cùng 14.457 và 25.028 ca tử vong do COVID-19.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 255.835 ca nhiễm (tăng 2.533 ca) và 3.192 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 15 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 2.390 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 127.470 ca, trong đó 1.432 ca tử vong (tăng 11 ca).

Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, phát triển và tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.

Ngày 10/10, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin nước này sẽ khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh trên 12 tuổi vào tuần tới. Theo đó, với nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, khoảng 1 triệu học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã nhập học trong năm học 2021-2022 sẽ được tiêm chủng vaccine. Thông cáo ngày 10/10 của Bộ Y tế Myanmar cho biết tính tới ngày 9/10, hơn 4,11 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine trên khắp cả nước, trong khi hơn 5,78 triệu người đã được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19.

Ngày 10/10, Bộ trưởng Y tế Venezuela Carlos Alvarado cho biết nước này đã tiếp nhận 2.594.0000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối. Ông Alvarado khẳng định số vaccine sẽ được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng đại trà với mục tiêu đến ngày 31/10 có thể tiêm ít nhất là một mũi vaccine cho 70% dân số. Để đẩy nhanh kế hoạch này, Chính phủ Venezuela cũng kêu gọi tất cả người dân trên 18 tuổi đến những trung tâm tiêm chủng mà không cần phải đặt lịch trước. Cùng với đó, giới chức y tế cũng triển khai các nhóm tiêm chủng di động đến từng nhà, trong đó ưu tiên cho các đối tượng là người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người tàn tật. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện đã có khoảng 50% dân số Venezuela được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và trên 20% đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng.

Cùng ngày 10/10, Indonesia đã tiếp nhận thêm 2.000.700 liều vaccine phòng COVID-19 thành phẩm của hãng dược Pfizer để phân phối trực tiếp đến 12 tỉnh. Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết việc mua vaccine này là để tăng thêm nguồn dự trữ vaccine quốc gia và Chính phủ Indonesia tiếp tục cố gắng đảm bảo nguồn dự trữ vaccine và phân bổ vaccine trực tiếp đến các tỉnh trên khắp quốc gia để rút ngắn chuỗi phân phối và duy trì khả năng tiếp cận vaccine cho tất cả mọi người. Bà Siti Nadia Tarmizi cũng kêu gọi công chúng sớm đi tiêm chủng và không kén chọn các loại vaccine phòng COVID-19 vì tất cả đều an toàn và hiệu quả./.