Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vượt qua nghịch cảnh để hướng đến tương lai

Lâm Anh - 19:12, 18/11/2023

Bảo Lạc là huyện miền núi của tỉnh Cao Bằng có tới 98% dân số là người dân tộc thiểu số (bao gồm các dân tộc Mông, Dao, Sán chay, Tày, Nùng...) điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Đáng chú ý, trên địa bàn hiện vẫn còn tồn tại một số tập tục lạc hậu, mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại, bế tắc trong cuộc sống, một số người đã tìm đến lá ngón để mong được “giải thoát” và để lại phía sau những câu chuyện buồn...Câu chuyện của gia đình em Vàng A Thành là một ví dụ.

Em Vàng A Thành (người thứ hai bên phải) trao đổi kiến thức cùng các bạn trong nhóm
Em Vàng A Thành (người thứ hai bên phải) trao đổi kiến thức cùng các bạn trong nhóm

Cách đây 8 năm, Vàng A Thành, dân tộc Mông (17 tuổi) ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc cũng có một gia đình đầy đủ bố, mẹ, anh chị em. Thế nhưng, không rõ nguyên nhân gì mà bố, mẹ, anh trai và chị dâu đều lần lượt qua đời bằng lá ngón, để lại mình em sống trong căn nhà gỗ vốn dĩ đơn sơ nay càng trở nên trống vắng. Bố em mất lúc em đang học lớp 4 (khi em 10 tuổi), năm sau mẹ em mất rồi lần lượt đến anh trai và chị dâu cũng bỏ em mà đi. 

Trước những sóng gió của cuộc đời, Thành trở nên kiên cường, tự lập và trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa. Chỗ dựa duy nhất của em lúc này là bà ngoại. Bà cũng đã ở cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng bà vẫn minh mẫn, động viên em cố gắng học hành để sau này có công ăn việc làm ổn định.

Gặp em trong sân trường THPT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), dáng em nhỏ nhắn và hơi thấp so với các bạn cùng lứa. Đã 8 năm trôi qua, nay em đã 17 tuổi và học lớp 12 ở Trường. Đôi mắt em rơm rớm, giọng nói run run khi nhắc về người mẹ “em rất nhớ mẹ, vì từ nhỏ em đã phải xuống núi để đi học ở trường nội trú huyện Bảo Lạc. Cứ hai tuần em được mẹ đón về nhà một lần. Ngày cuối tuần, cả nhà quây quần ngồi ăn cơm vui vẻ, cười đùa. Em rất thích được ngủ với mẹ, tâm sự với mẹ chuyện học hành… Thế nhưng giờ đây, ngôi nhà của em trở nên hiu quạnh, một mình em lủi thủi, cuộc sống không có bố, không có mẹ, không có anh chị người thân nên em rất buồn và hay tủi thân ngồi khóc một mình.."..

Từ khi bố mẹ mất, Thành phải học cách tự lo cho bản thân mình, vì hoàn cảnh hai bên nội, ngoại đều rất khó khăn, nên hai bên không có điều kiện để chăm lo cho em mà chỉ giúp đỡ, hỗ trợ được phần nào đó. Hiện, Thành đang theo học lớp 12 tại trường PTTH huyện. Ngôi trường cách nhà 20km, mỗi tháng Thành trở về nhà một lần. Và mỗi lần về nhà, em đều tranh thủ thời gian giúp bà mọi việc: ra ruộng cắt cỏ cho bò, cơm nước, lợn gà...  Mỗi khi vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho hai bà cháu, dù đạm bạc nhưng Thành luôn thấy chất chứa đầy yêu thương. Vì chỉ có lúc như thế này, em mới cảm nhận được hơi ấm tình thương của người thân trong chính ngôi nhà của mình. Thành luôn khao khát về một bữa cơm gia đình. Không còn bố, mẹ nên tình cảm của Thành cũng dồn hết cho bà ngoại...

 “Bố Thành mất sớm, mẹ cũng bệnh mà mất theo, giờ còn lại mình cháu, thương lắm. Sức khỏe của tôi cũng yếu rồi, nhưng vì xót thương cháu, nên tôi cố gắng lo cho cháu ăn học, nên người. Lúc nào tôi cũng dặn dò cháu, bà còn thì dù có khó khăn bà vẫn cố gắng để lo cho cháu. Biết tôi vất vả, nó cũng cố gắng dành thời gian rảnh rỗi để chăm sóc, giúp đỡ việc cho tôi. Cũng mừng vì cháu nó học tập tốt. Chỉ mong cháu lớn trưởng thành, có sức khỏe tốt để chăm lo cho gia đình sau này nữa", Bà ngoại của Thành chia sẻ.

“Hiện, sức khỏe của bà đã yếu, bà cũng cần được nghỉ ngơi, uống thuốc. Nhưng hai bà cháu không có tiền.... Em mong bà luôn khỏe mạnh để luôn là chỗ dựa tinh thần cho em trong cuộc sống và học tập..", Thành nghẹn ngào nói. 

Khối học sinh lớp 12, trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024 của trưởng THPT Bảo Lạc (Cao Bằng) nơi Vàng A Thành đang học tập
Khối học sinh lớp 12, trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024 của trưởng THPT Bảo Lạc (Cao Bằng) nơi Vàng A Thành đang học tập

Cô giáo Hà Thị Luân Hiệu trưởng trường THPT huyện Bảo Lạc cho biết: Vì biết em Vàng A Thành có hoàn cảnh đặc biệt như vậy,  nên các thầy cô giáo luôn luôn dành nhiều tình yêu thương cho Thành. Ngoài các chế độ, chính sách được hỗ trợ theo quy định, hằng tháng cứ đến kỳ lĩnh lương các thầy cô đã tự nguyện trích ra một ngày lương để hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong đó có Thành. Mỗi tháng thầy cô hỗ trợ 500 ngàn đồng/em. Không chỉ các thầy cô giáo dành tình cảm, quân tâm đến Thành mà các bạn trong trường cũng luôn gần gũi chia sẻ và giúp đỡ Thành trong học tập.

Nhờ có sự quan tâm, yêu thương, đùm bọc của các thầy cô giáo, các bạn trong lớp, nên trong hơn 2 năm học vừa qua, kết quả học tập của Thành đã vượt trội, các môn học đều đạt kết quả từ khá giỏi. Điều dễ nhận thấy sự tiến bộ ở Thành đó là em rất chăm chỉ học tập, em học mọi lúc mọi nơi, hăng hái tham gia phát biểu trong giờ học, tự tin trong giao tiếp với bạn bè và các thầy cô giáo, khác hoàn toàn lúc em mới vào trường.

Khi chúng tôi hỏi về ước mơ của Thành sau này, em không ngại ngùng chia sẻ "em muốn làm một đầu bếp giỏi, trước hết là để nấu những món thật ngon mời bà ngoại. Sau đó, em muốn trở thành “anh nuôi” trong quân đội, được nấu những bữa ăn phục vụ các chú bộ đội để các chú cầm chắc tay súng, giữ yên vùng đất biên cương…”

Chia tay Thành, chia tay ngôi trường PTTH Bảo Lạc, tôi và Thành nắm chặt tay nhau. Tôi biết phía trước, Thành vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng, với ý chí, lòng quyết tâm của mình, Thành sẽ vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục gặt hái những thành công và trở thành người có ích cho xã hội, cho quê hương, đất nước.