Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Cơn sốt" giá nhà trên toàn cầu: Ở đâu tăng mạnh nhất?

PV - 09:00, 16/09/2021

Giá nhà trên toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2005. Lý do được cho là lãi suất thấp cộng với nguồn cung thiếu hụt trong khi các khoản tiết kiệm dồi dào.

Tốc độ tăng giá nhà ở các nền kinh tế phát triển cao gấp đôi so với các nước đang phát triển (Ảnh: Getty).
Tốc độ tăng giá nhà ở các nền kinh tế phát triển cao gấp đôi so với các nước đang phát triển (Ảnh: Getty).

Theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank, giá nhà trung bình tại 55 quốc gia trên thế giới đã tăng 9,2% trong 12 tháng tính đến tháng 6. Đây là mức tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 3/2005. Thậm chí, giá nhà hiện nay còn cao hơn từ 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái khi thị trường bất động sản nhiều quốc gia lên "cơn sốt".

Nhìn chung, cứ 3 quốc gia thì có một nước ghi nhận giá nhà tăng ở mức 2 con số, bao gồm Nga và Đức. Các thị trường bất động sản ở Mỹ, Australia, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada đều ghi nhận giá nhà tăng hơn 16%, theo dữ liệu của Knight Frank.

"Sự bùng nổ giá nhà do đại dịch gây ra vẫn đang tiếp diễn", bà Kate Everett-Allen, Trưởng bộ phận nghiên cứu dân cư quốc tế tại Knight Frank, nhận định. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, sự bùng nổ này phần lớn diễn ra ở các nền kinh tế đang phát triển, nơi có các gói kích thích để bảo vệ việc làm và cho phép tăng tiết kiệm.

Theo đơn vị tư vấn này, tốc độ tăng giá nhà ở các nền kinh tế phát triển cao gấp đôi so với các nước đang phát triển. Ấn Độ và Tây Ban Nha là những quốc gia duy nhất ghi nhận giá nhà đất giảm.

Nhà kinh tế Sid Bhushan tại Goldman Sachs cho rằng, thị trường nhà đất ở Mỹ, Canada, Anh và New Zealand đang rất "nóng" nhờ lãi suất thấp và sự dịch chuyển sang làm việc tại nhà thúc đẩy nhu cầu về nhà ở.

Theo dữ liệu do Oxford Economics thu thập, tỷ lệ thế chấp trung bình đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2007 tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức, Anh. Điều này phản ánh chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo ở hầu hết các nền kinh tế phát triển nhằm đối phó với cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra.

Nhu cầu nhà ở cũng tăng mạnh do người dân chuyển sang làm việc tại nhà để phòng chống dịch. Ngoài ra, việc mua sắm nhà mới cũng nhiều hơn nhờ khoản tiết kiệm dồi dào được tích lũy trong đại dịch do chi tiêu bị hạn chế.

"Một lý do nữa góp phần thổi bùng giá nhà là nguồn cung nhà ở eo hẹp", Bhushan cho biết thêm. Tồn kho nhà vẫn ở gần mức thấp nhất trong lịch tại Mỹ, Canada và Anh. Trong khi đó, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng và nhân công đã cản trở hoạt động xây dựng nhà mới. Điều này càng làm tình trạng thiếu nhà ở thêm trầm trọng.

Financial Times cho rằng hiện vẫn chưa rõ cơn sốt giá nhà sẽ tiếp diễn trong bao lâu nữa.

Tại châu Á, theo bà Helen Qiao - chuyên gia kinh tế tại Bank of America, thị trường nhà đất Hàn Quốc đang "nóng" nhất trong lịch sử do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung ở mức thấp.

Tại Anh, việc chính phủ rút dần các ưu đãi thuế gần đây đã khiến thị trường bất động sản nước này giảm nhẹ. Tuy nhiên, "sự kết hợp giữa nguồn tiền rẻ và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ có thể kích hoạt cơn sốt nhà đất nhỏ lẻ trở thành bong bóng nhà đất thực sự", ông Kallum Pickering - nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Berenberg - khẳng định.

Còn với Mỹ, theo Everett -Allen, sự sụt giảm trong các đơn xin thế chấp nhà có thể khiến nhu cầu nhà ở tại nước này bớt nóng.

Tương tự như vậy tại Canada. Theo ông Stephen Brown - chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, giá nhà ở nước này đã tăng đạt đỉnh. Số lượng giao dịch nhà đất giảm cùng với tỷ lệ rao bán bất động sản mới ít hơn cho thấy cơn sốt giá nhà tại nước này dường như đang hạ nhiệt.