Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Con đường riêng” của Sùng Seo Dì

PV - 09:19, 20/07/2020

Cả bản Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) vẫn còn kháo nhau câu chuyện của anh Sùng Seo Dì bị nhà gái ở Đắc Lắk từ hôn, bởi lễ thách cưới tận 30 triệu đồng. Thế nhưng Dì vẫn cưới được cô gái người Mông là Ma Thị Úc về làm vợ. Sau 15 năm kết hôn, anh thực hiện đúng lời hứa của chàng trai xứ Tuyên, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ấm êm. Giờ đây, ngoài gia tài là những đứa con thì đôi vợ chồng trẻ còn có cơ ngơi đáng ngưỡng mộ: Có nhà riêng, xe ô tô và đặc biệt hơn 40 ha vườn rừng, cây ăn quả.

Vợ chồng anh Sùng Seo Dì, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) chăm sóc vườn đồi.
Vợ chồng anh Sùng Seo Dì, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) chăm sóc vườn đồi.

Chuyện tình từ M’Đrắc đến Khuổi Khít

Chúng tôi cũng phải hò hẹn mãi mới gặp được Sùng Seo Dì. Vừa chạy chuyến xe từ Na Hang về thì vợ chồng anh lại vào chăm sóc vườn rừng. “Mà Seo Dì ở “thủ phủ” đó thì chẳng biết đến bao giờ mới về nhà! ham việc lắm!”. Đồng chí Phùng Đức Tân, Bí thư Đảng ủy xã Kiến Thiết cười thật tươi khi giới thiệu qua về Seo Dì.

Sùng Seo Dì dáng người thanh thoát, nhanh nhẹn và khá hoạt ngôn. Dì biết cách chuyện trò hài hước, vui vẻ khiến người đối diện bị cuốn hút. Chả thế mà cô gái Mông tận huyện M’Đrắc, Đắc Lắk về chơi nhà họ hàng ở Khuổi Khít, xã Kiến Thiết đã trúng ngay tiếng sét ái tình. “Sau một tuần gặp nhau, lời tỏ tình đầu tiên của chồng là hỏi em có thích anh hay không thích? Lúc đó mình gật đầu luôn”. Úc bẽn lẽn kể lại.

Thế nhưng tình yêu của đôi bạn trẻ vừa “đơm bông” thì gặp phải sự ngăn cản kịch liệt từ phía nhà gái. Bà Mẩy -mẹ của Úc biết tin con gái muốn lấy chồng ở Tuyên Quang, ngăn không được, lo quá không biết làm gì. Bà chạy thẳng một mạch lên núi, ngồi trong rừng suốt cả ngày dài. Trời tối mịt, cả bản phải đi tìm! Người Mông thẳng tính lắm, có gì là thể hiện ra ngay thế mà mẹ của Úc bỏ đi, không thèm nói gì là khó nghĩ lắm rồi. Dì hiểu điều đó!

Ở Khuổi Khít không ai không biết gia cảnh éo le nhà Dì. Gia đình anh vừa từ Xuân Lập (Lâm Bình) chuyển đến Khuổi Khít được gần 2 năm. Ngày mới đến đây, bố bỏ 7 mẹ con Dì để đi theo người khác. Dì là con cả nên phải cùng mẹ chèo chống nuôi các em ăn học, vượt qua bao khó khăn. Ở bản Mông, tục lệ xưa nay các thành viên trong gia đình gắn bó, thủy chung, sống hòa thuận. Vợ chồng bỏ nhau là việc “động trời”, đáng xấu hổ lắm! Người Mông có câu “Hạt nào, giống nấy”, bà Mẩy sợ sau này Dì cũng giống bố mình, lại làm khổ Úc thôi.

Con gái đang yêu thì mắt bị che kín hết, không nghĩ được gì đâu, nói mãi mà Úc không chịu trở lại M’Đrắc. Ngăn không được, nhà họ Ma bàn nhau thách cưới nhà họ Sùng 30 triệu đồng. Ôi! Cái số tiền mà chỉ mới nhắc đến thôi khiến Dì và mẹ vã mồ hôi, choáng váng. Gia cảnh túng thiếu, chạy ăn từng bữa của nhà anh thì biết đến bao giờ mới gom được số tiền lớn đến thế. Thế là đã biết là làm khó cho nhau rồi!

Úc lo sợ và khóc nhiều lắm nhưng Dì không khóc đâu. Anh bảo, con trai Mông chỉ khóc một lần duy nhất trước mặt người khác lúc lọt lòng mẹ thôi. Thế nên, anh phải tìm cách lấy được Úc và làm cho vợ mình được hạnh phúc. Vậy là, ngay trong đêm ấy Dì tìm gặp bà Mẩy để thể hiện thành ý của mình. Anh kể lại, ngày đấy gặp mẹ Úc, nghĩ thế nào là mình nói thế thôi. Mình hứa là không bao giờ bỏ Úc, sẽ luôn bên cạnh và sống thật lòng với Úc; đúng như truyền thống thủy chung bao đời của đàn ông, đàn bà Mông... Mình phải gặp mẹ đúng 5 lần để nói như thế!

Cũng may có nhiều người trong bản ủng hộ thì bà mới đồng ý tin tưởng giao con gái cho Dì. Và số tiền “thách cưới” giảm hẳn đi 10 lần, đủ cho nhà trai xoay xở được. Vậy là, sau gần 2 tuần gặp nhau, yêu nhau, Dì và Úc đã được sống bên nhau mang theo bao mong ước, khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

“Có cày có thóc, có học có nên”

Nhắc đến Sùng Seo Dì bà con Khuổi Khít vẫn chưa hết ngạc nhiên về chàng trai Mông này. Dì luôn có những cách làm khác lạ mà chẳng ai có thể lý giải nổi. Ví như việc, sau 1 năm trời hai vợ chồng tích góp mua được mảnh đất để dựng nhà ra ở riêng. Thế mà ngay tháng sau, anh gọi người bán rồi chuyển hẳn sang khu đồi tận thôn Tân Minh vốn heo hút, chưa có ai đặt chân đến để lập nghiệp.

Ngay từ những ngày đầu, hai vợ chồng trẻ nai lưng cải tạo đất đai trên khu đồi hẻo lánh; cùng nhau phát quang cánh rừng lau sậy trồng ngô, lúa nương để giải quyết nhu cầu lương thực trước mắt. “Cái bụng có ấm thì mới nghĩ đến được chuyện làm ra của cải, làm cho cái nhà to lên” - Dì tâm sự. Khi quen dần với thổ nhưỡng anh bắt đầu tính toán làm giàu. Ý tưởng ló ra khi anh thấy trên đồi cao những cây chuối rừng không ai chăm sóc mà phát triển xanh tốt, buồng chuối lúc lỉu quả. Thế thì lý do gì mà mình không trồng được chuối để phát triển kinh tế?

Dự định đó thành hiện thực ngay sau khi Dì đến tận nơi học hỏi kỹ càng những mô hình trồng chuối tây hiệu quả ở xã Kim Bình (Chiêm Hóa). Anh nhận thấy đặc điểm của cây chuối là dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, quả lại bán được quanh năm, có thể phát triển tốt trên đất đồi. Vậy là, Sùng Seo Dì quyết tâm đưa cây chuối về với vùng đất mới.

Hơn 15 ha vườn đồi mà 2 năm trời hai vợ chồng Dì khai hoang nay đã phủ bạt ngàn cây chuối tây. Đúng như tính toán của Dì, cây rất hợp thổ nhưỡng phát triển xanh tốt, đến mùa thu hoạch buồng chuối lúc lỉu quả. Vụ mùa năm ấy, anh thắng lớn, khi xuất bán 1 kg chuối có giá là 8 - 9 nghìn đồng.

“Con đường mới” tiếp tục mở ra khi Seo Dì nhận thấy rõ được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân trong bản rất cao. Anh nảy ra ý tưởng mua xe tải loại nhỏ để chở nông sản, hàng hóa phục vụ bà con. Nhờ sự nhanh nhạy, quyết đoán đó mà chiếc xe tải 6 tấn, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của gia đình Dì. Chỉ 3 tháng sau khi mua xe, đúng vào thời điểm giáp Tết nhu cầu cao, anh đã thu về 150 triệu đồng. Anh kể lại, xe tải nhỏ nên dễ di chuyển trên các con đường nhỏ, mấp mô, việc thu mua nông sản tại vườn đồi khá thuận lợi. Thay vì trước đây, thương lái phải thuê xe máy chở hàng chục chuyến thì nay chỉ cần mấy chuyến xe tải nhỏ của Dì là đủ để lấp đầy thùng xe tải to. Mọi việc giải quyết nhanh gọn và cứ thế… xe của anh đắt hàng lắm!

Dần dà, thạo đường sá, làm quen được với các mối lái, anh tự đánh xe đi buôn các mặt hàng ngô, chuối, sắn… tại các tỉnh bạn như Yên Bái, Hà Giang… Dì tạo ấn tượng với mọi người nhờ sự thật thà, chịu thương chịu khó, anh trở thành cơ sở thu mua tín nhiệm của bà con dân bản. Giờ đây, bà con bản Mông gọi vui Dì là “Xo nang woa” nghĩa là người lắm việc, chăm việc. Có cơ ngơi và công việc ổn định thế nhưng anh vẫn tiếp tục thực hiện mô hình kinh tế mới, đem lại thu nhập 800 triệu đồng/năm. Bao gồm: 20 ha chuối tây, 1.000 gốc bưởi, 2 sào ao và 20 ha vườn rừng. Dì cười vui phân trần, người Mông vẫn có câu “Có cày có thóc, có học có nên”, con người cần phải làm việc và không ngừng học hỏi, áp dụng nhiều cách làm mới để không bị tụt hậu phía sau.

Gia cảnh nghèo khó, tháng ngày bươn trải đã rèn luyện cho chàng trai ý chí và chọn con đường riêng trong cách làm giàu cho mình. Trong căn nhà nhỏ, chị Úc năm nay 36 tuổi, người đàn bà Mông qua mấy lần sinh nở vẫn giữ được vẻ đẹp tươi tắn. Ngồi bên cạnh người chồng, gương mặt Úc lúc nào cũng rạng rỡ, vui vẻ. Vậy là, sau bao năm chung sống, lời hứa năm nào của Sùng Seo Dì đã trở thành hiện thực: Xây đắp mái nhà hạnh phúc, ấm no cùng người con gái mình yêu thương.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.