Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người mở cánh cửa học vấn cho đồng bào Mông xứ Nghệ

PV - 10:03, 18/09/2019

Với nhiều đồng bào Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), thầy giáo Thò Bá Sinh chính là người mở ra cánh cửa cho sự học ở vùng đất này. Với mong muốn giúp những đứa trẻ người Mông đi xa hơn con đường mà thầy đã đi, biết nhiều hơn những điều thầy biết để sau này trở thành người có ích cho xã hội, thầy giáo Sinh đã không quản gian truân, vất vả, miệt mài với sự nghiệp trồng người...

“Lý” và “tình” để trẻ đến trường

Anh Xồng Bá Thái, bản Mường Lống, xã Tri Lễ tâm sự: Năm nào cũng vậy cứ sau mỗi dịp nghỉ Tết, nghỉ hè lại thấy thầy Sinh đi khắp các bản làng đến từng nhà gặp gỡ phụ huynh, động viên các em tiếp tục đến trường. Thầy Sinh nói rằng, chỉ có con đường học hành mới có cơ hội thay đổi cuộc sống, học để tiếp cận với khoa học-kỹ thuật biết làm ra hạt lúa, hạt ngô được nhiều hơn; biết cách chăm sóc con trâu, bò, lợn, gà không bị chết… Nghe thầy Sinh nói đồng bào ưng cái bụng nên ai cũng cố gắng cho con em theo học con chữ để sau này giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế.

Thầy giáo Sinh chia sẻ: Những đứa trẻ từ khi lọt lòng đã được mẹ địu trên lưng đi làm nương rẫy, với nếp nghĩ đơn giản rằng “không có cái chữ không chết, không có cái ăn mới chết”. Vì vậy, việc vận động các gia đình cho trẻ đến trường là một điều không hề đơn giản. Muốn phân tích cho họ hiểu thì không những phải có “lý” mà còn phải có “tình”. Và để minh chứng cho lời nói học để cuộc sống sau này đỡ khổ tôi đem chính cuộc đời tôi ra kể cho phụ huynh và học sinh nghe để họ tin tưởng làm theo.

 Học sinh người Mông ở xã Tri Lễ náo nức đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới. Học sinh người Mông ở xã Tri Lễ náo nức đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới.

Cuộc đời của thầy giáo Thò Bá Sinh được tóm gọn trong một dòng “không ngừng cố gắng vươn lên để thành người”. Thầy giáo 48 tuổi người Mông này sinh ra và lớn lên ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ. Cũng như bao nhiêu người Mông khác, cuộc sống gia đình thầy gắn bó với nương rẫy, với sự vất vả. Nhiều đứa trẻ trong bản chưa kịp lớn đã theo cha mẹ lên núi kiếm sống; chưa kịp trưởng thành thì đã dựng vợ gả chồng. Thò Bá Sinh may mắn hơn là được đi học nhưng cũng phải 10 tuổi mới bắt đầu vào lớp 1, học ở điểm trường Huồi Mới. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, cậu học trò Thò Bá Sinh vẫn quyết tâm ra huyện lỵ theo học 2 năm bổ túc cấp 2 tại Trường Phổ thông Lao động huyện.

Tuy nhiên, do cuộc sống gia đình khó khăn và không có người định hướng nên con đường xuống núi học của Thò Bá Sinh phải dừng lại. Đến năm 1990, Thò Bá Sinh mới hoàn thành chương trình cấp THCS. Sau đó, Thò Bá Sinh được ngành Giáo dục huyện quan tâm, cho đi học lớp sư phạm cấp tốc 9 + 3 (Hệ sư phạm vừa học vừa làm) rồi trở về địa phương tham gia công tác giảng dạy ở điểm trường Nậm Tột, điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Với khát khao học tập để vươn lên, thầy giáo Thò Bá Sinh đã được các cấp, ngành tạo điều kiện bố trí cho theo học các lớp nâng cao kiến thức. Từ năm 1995 đến nay, thầy giáo Sinh đã học xong chương trình THPT và tốt nghiệp đại học. Năm 2002, thầy Sinh được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

Qua cuộc đời của thầy giáo Thò Bá Sinh, người Mông ở Tri Lễ đã nhận thấy rằng: Ông là nhân chứng sống động và chân thực nhất của người Mông dám vượt qua mọi rào cản để tìm đến sự học, để có cuộc sống ấm no hơn. Và người Mông ở Tri Lễ đã nhìn vào tấm gương thầy giáo Sinh để học tập, để đổi thay.

Mong con em người Mông đi xa hơn

Được biết, thầy giáo Thò Bá Sinh có 5 người con. Với sự chăm lo, nuôi dạy chu đáo, cả 5 người con đều đã học xong THPT và đều thành đạt trong cuộc sống. Người làm giáo viên, người làm công an, cán bộ… cuộc sống gia đình thầy là tấm gương phản chiếu tinh thần hiếu học ở vùng biên giới Tri Lễ.

Trong những thầy giáo trẻ ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có thầy giáo Thò Bá Chờ. Anh là con trai thứ của thầy giáo Sinh. Kể chuyện đi vận động trẻ đến trường, thầy giáo Thò Bá Chờ cho biết: “Bây giờ cũng giống ngày xưa thôi. Để vận động được thì các thầy cũng phải thật sự tâm huyết. Và chính bản thân mỗi thầy giáo là nhân chứng sống để các phụ huynh, học sinh người Mông nhìn thấy học tập”.

Chuyện học của gia đình thầy giáo Sinh thêm một lần giúp cho nhận thức của người dân các bản Mông thay đổi. Trong mắt nhiều người Mông ở Tri Lễ, thầy giáo Thò Bá Sinh là điển hình của thành công nhờ sự cố gắng học tập và tự học. Ở cái tuổi gần 50 với cương vị là Hiệu phó Trường Tiểu học, đến thời điểm này thầy Sinh vẫn luôn là người “đi đầu” trên con đường vận động con em người Mông đến trường. Thầy Sinh luôn tâm niệm: “Nếu chưa có điều kiện hay thi đậu ngay cao đẳng, đại học thì học từng bước cũng được. Quan trọng của việc học là có kiến thức chứ không chỉ là bằng cấp. Có học mới đi xa hơn, cao hơn”.

“Trong những năm trở lại đây, việc học của con em người Mông Tri Lễ có nhiều chuyển biến, không còn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, số học sinh theo học hết THCS, THPT và vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Nhận thức và tư duy của đồng bào Mông ở Tri lễ đã có nhiều thay đổi, ông Lữ Thanh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong nhận định.

MINH THỨ - THÀNH CHUNG