Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giàng A Bê với dự án “Âm nhạc của chúng mình”

HỒNG MINH - 09:10, 04/10/2019

Sưu tầm, giới thiệu dân ca dân tộc Mông đến với chính đồng bào người Mông và những người yêu âm nhạc Mông là dự án của nhóm bạn trẻ người Mông đang thực hiện với tên gọi “Âm nhạc của chúng mình” dưới sự khởi xướng của Giàng A Bê-chàng trai dân tộc Mông đến từ tỉnh Yên Bái.

Giàng A Bê (thứ 3, từ trái qua) chụp ảnh cùng đồng bào Mông trong quá trình sưu tầm, điền dã.
Giàng A Bê (thứ 3, từ trái qua) chụp ảnh cùng đồng bào Mông trong quá trình sưu tầm, điền dã.

Từ những ngày còn ngồi trên giảng đường Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cậu sinh viên Giàng A Bê đã luôn trăn trở, làm sao để âm nhạc của dân tộc Mông không bị mất, phát huy được giá trị trong xã hội. “Một thời gian, nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... mở ra, do chính bà con tự làm, giúp cộng đồng khác biết đến văn hóa dân tộc nhiều hơn. Với âm nhạc cũng có thể thông qua cách thức tương tự, mình nghĩ vậy, rồi biết đến Quỹ Kết nối di sản của Hội đồng Anh, đó chính là cơ hội để thực hiện mong muốn của mình”, A Bê tâm sự.

Tháng 3/2019, Giàng A Bê cùng nhóm sinh viên dân tộc Mông thành lập Dự án “Âm nhạc của chúng mình”, với mục đích sưu tầm và giới thiệu về âm nhạc dân tộc Mông. Quá trình sưu tầm âm nhạc truyền thống của A Bê cùng những người bạn rất kỹ lưỡng và bài bản. Đó là quá trình tìm hiểu về dân ca, sáo, đàn nhị, kèn môi, kèn lá... các vùng khác nhau, từ Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, sắp tới là Sơn La, bằng cách ghi âm, quay phim, soạn nhạc cho những bài dân ca đã thu thập được.

“Sau hơn nửa năm thực hiện, đến nay, nhóm đã sưu tầm được gần 100 bài/đoạn dân ca, hơn 20 bài nhạc. Quá trình đi sưu tầm, đến mỗi vùng, thành viên thông thạo nhóm ngôn ngữ Mông ở đấy sẽ là người giao tiếp chính, đưa về vẫn giữ nguyên giọng địa phương chứ không áp vào quy chuẩn chung nào”, A Bê cho biết. 

Trong văn hóa Mông, âm nhạc là sự gửi gắm những lời chúc, răn dạy, biểu lộ tình cảm giữa con người với nhau, là những yếu tố toát lên sự tinh tế, sâu lắng trong tâm hồn. Giàng A Bê xác định giới trẻ Mông chính là người quyết định thực hành âm nhạc của dân tộc mình. Bởi lẽ, là chủ thể của văn hóa, chính thế hệ trẻ phải có ý thức về trách nhiệm, vai trò trong việc lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng mình. 

Trong quá trình tìm về với dân ca dân tộc Mông, Giàng A Bê đã chứng kiến nhiều câu chuyện khá buồn khi giải nghĩa điển tích, điển cố các bài dân ca không như kỳ vọng. Nhiều đoạn, nhiều câu ngày xưa các cụ vẫn hát nhưng bây giờ, chính người Mông cũng không hiểu nghĩa, rồi nhiều bài dân ca cổ chỉ còn một vài đoạn. 

Cùng với việc sưu tầm, Giàng A Bê cùng các thành viên trong nhóm đang biên soạn Tuyển tập âm nhạc dân gian để truyền tải rộng rãi tới cộng đồng người Mông. Xây dựng một thư viện âm nhạc trực tuyến, hay kết nối với các đơn vị tổ chức du lịch trải nghiệm văn hóa là những kế hoạch xa hơn. Đồng thời cả nhóm còn kỳ vọng, Dự án “Âm nhạc của chúng mình” sẽ là bước đệm giúp cho nhiều bạn trẻ khác đang có ý tưởng làm phim, làm âm nhạc, làm về văn hóa... có thể nhìn vào đó, phát triển thành ngôn ngữ của riêng mình, giúp lan tỏa giá trị dân ca Mông.

“Âm nhạc của chúng mình” chính là đòn bẩy để mọi người nhìn vào, có thể thấy tốt hay chưa tốt, phù hợp hay không phù hợp, nhưng ít ra đã có một sự bắt đầu. Bắt đầu để tất cả cùng nhìn vào đời sống dân ca, âm nhạc Mông và nếu ai thấy có thể làm tốt hơn thì sẽ bắt tay vào”, Giàng A Bê chia sẻ.

Giới trẻ Mông chính là người quyết định thực hành âm nhạc của dân tộc mình. Bởi lẽ, là chủ thể của văn hóa, chính thế hệ trẻ phải có ý thức về trách nhiệm, vai trò trong việc lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng mình.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.