Được thành lập từ năm 2021, mô hình "Đan, dệt thổ cẩm" tại làng Thơh Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh đã tập trung được những chị em đam mê giữ nghề truyền thống của đồng bào Gia Rai.
Tranh thủ lúc nông nhàn, các thành viên của mô hình dệt thổ cẩm truyền thống xã Chư Don lại tập trung bên khung cửi cùng nhau tạo ra những tấm thổ cẩm độc đáo, màu sắc tinh tế, bắt mắt, vừa để sử dụng trong gia đình và bán để kiếm thêm thu nhập. Mỗi tấm vải sau khi dệt xong được định giá từ 1.200.000 đồng trở lên, tùy vào kích cỡ. Trong những lễ hội của buôn làng, các chị phấn khởi khoác những bộ đồ, tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu cũng như trưng bày các sản phẩm thổ cẩm do chính mình làm ra.
Gắn bó với khung dệt đã hàng chục mùa lúa rẫy, chị Rmah H' Alen, thành viên mô hình dệt thổ cẩm truyền thống làng Thơh Ga B, xã Chư Don chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình; từ khi có mô hình, chúng tôi được thoả sức thể hiện khả năng, trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm của các nghệ nhân trong và ngoài làng để tạo ra những sản phẩm đẹp hơn. Chúng tôi có cơ hội đưa sản phẩm dệt thổ cẩm ra các địa phương khác và cũng có thêm thu nhập cho gia đình. Chị em phụ nữ ở đây rất vui khi được tham gia mô hình và sẵn sàng tham gia gìn giữ, xây dựng mô hình ngày càng phát triển hơn.
“Đan, dệt thổ cẩm là mô hình phát triển kinh tế từ tài nguyên bản địa đã thể hiện nỗ lực trong hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng của phụ nữ DTTS. Họ ngày càng nỗ lực vượt qua định kiến giới và thể hiện giá trị bằng tài năng, tri thức, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội”, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho hay.
Cùng với việc thành lập các mô hình phát triển kinh tế, nhằm “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” giúp chị em phụ nữ tự tin xây dựng cuộc sống tốt hơn, nhiều buổi truyền thông, tập huấn đã được Hội LHPN huyện Chư Pưh tổ chức tại 7 xã, thị trấn triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Qua đó, phụ nữ DTTS được bổ sung kiến thức về phòng - chống bạo lực gia đình; phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thông tin các quy định của pháp luật về Luật bình đẳng giới nhằm đảm bảo thượng tôn pháp luật trong mỗi gia đình và xã hội… Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông cũng được tổ chức giúp phụ nữ vùng đồng bào DTTS có thêm kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS.
Cùng với đó, Hội LHPN huyện Chư Pưh đã thành lập 18 mô hình thúc đẩy bình đẳng giới; tổ chức Hội thi các mô hình sáng tạo, hiệu quả thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, cuộc thi Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, triển khai chi trả chế độ gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em cho 2 phụ nữ DTTS trong diện được nhận gói hỗ trợ…
Sự nỗ lực triển khai Dự án 8, đã trở thành động lực mạnh mẽ thay đổi cuộc sống của phụ nữ DTTS ở các làng đặc biệt khó khăn huyện Chư Pưh. Phụ nữ DTTS được trao quyền và mở ra cơ hội mới, tự do phát triển, tự tin khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian tới, từ nguồn lực Dự án 8, Hội LHPN huyện Chư Pưh sẽ hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp tập huấn, quảng bá sản phẩm của các mô hình phát triển kinh tế từ tài nguyên bản địa như dệt thổ cẩm, từ đó, tạo động lực giúp chị em gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá, đồng thời giúp có thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, buổi truyền thông nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực của cán bộ hội phụ nữ cơ sở, già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng..., giúp người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, xoá bỏ định kiến giới, xây dựng nếp sống văn minh, phát triển.