Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Đak Đoa (Gia Lai): Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngọc Thu - 09:15, 23/11/2024

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, đã dần khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội, nhất là phụ nữ vùng đồng bào DTTS trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngol (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) trao đổi kinh nghiệm, trang bị kiến thức trong tuyên truyền bình đẳng giới cho dân vùng đồng bào DTTS và miền núi
Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngol (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) trao đổi kinh nghiệm, trang bị kiến thức trong tuyên truyền bình đẳng giới cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025 (gọi tắt là Dự án 8), Hội LHPN các cấp đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tập huấn lồng ghép giới, đối thoại chính sách, thành lập và duy trì các mô hình như Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", Tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy ở cơ sở.

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngol, thị trấn Đak Đoa họp tổ nâng cao kỹ năng tuyên truyền bình đẳng giới
Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngol, thị trấn Đak Đoa họp tổ nâng cao kỹ năng tuyên truyền bình đẳng giới

Trong những buổi họp định kỳ hằng tháng, các thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngol (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) luôn tập trung đầy đủ để chia sẻ, trau dồi kiến thức, kỹ năng truyền thông bình đẳng giới cho dân làng. 

Ông Joah, Thôn trưởng, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngol cho biết: Thôn Ngol có 80% là đồng bào DTTS Gia Rai. Thời gian qua, các thành viên trong Tổ đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền lồng ghép những kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới đến với đông đảo hội viên và Nhân dân. 

Đặc biệt kịp thời hoà giải nhiều vụ mẫu thuẫn trong gia đình, thôn làng. Nhờ đó, người dân đã dần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Chị em phụ nữ trong thôn đã được các thành viên trong gia đình hỗ trợ, chia sẻ khi tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội và các công việc nặng nhọc, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa bỏ những định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Các thành viên trong CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” làng Dung Rơ được trang bị kiến thức ngăn ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, tự tin giúp đỡ nhau vươn lên trong học tập
Các thành viên trong CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” làng Dung Rơ được trang bị kiến thức ngăn ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, tự tin giúp đỡ nhau vươn lên trong học tập

Có mặt từ khá sớm trong buổi ra mắt mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại cộng đồng làng Dung Rơ (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) mới đây, em Sa Yon học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Đinh Tiên Hoàng - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhanh chóng tập trung các thành viên vào lớp học, cùng tham gia những hoạt động sôi nổi của Câu lạc bộ.

Theo đó nhiều hoạt động bổ ích như: Tổ chức sinh hoạt giao lưu, trong đó, tập trung chia sẻ thông tin kiến thức bổ sung về tâm lý lứa tuổi, giới tính, giới, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới; bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, phòng - chống tai nạn thương tích ở trẻ em, hệ luỵ của tảo hôn, kết hôn sớm ở trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh phù hợp với từng lứa tuổi... Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức, hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với các vấn đề liên quan tới trẻ em.

Các em học sinh DTTS được tham gia hoạt động bổ ích, trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới thông qua các mô hình, câu lạc bộ
Các em học sinh DTTS được tham gia hoạt động bổ ích, trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới thông qua các mô hình, câu lạc bộ

"Trước đây, em còn rụt rè, nhút nhát không dám nói trước đám đông và chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về bình đẳng giới, những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự an toàn của bản thân. Giờ đây, được tham gia hoạt động của câu lạc bộ, em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng giúp chúng em có thể tự bảo vệ bản thân. Đồng thời, mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình trong gia đình, cộng đồng và sẵn sàng chống lại những hủ tục như tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", em Sa Yon chia sẻ.

Triển khai Dự án 8 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Đoa đã thành lập 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 5 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; 24 Tổ truyền thông cộng đồng tại 24 thôn, làng của 8 xã, thị trấn triển khai dự án với 240 thành viên. Đồng thời, phối hợp với Hội LHPN tỉnh Gia Lai thành lập điểm 1 mô hình Tổ truyền thông cộng đồng của tỉnh với 10 thành viên.

Huyện Đak Đoa đã thành lập 24 Tổ truyền thông cộng đồng giúp cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS có cuộc sống tốt đẹp hơn
Huyện Đak Đoa đã thành lập 24 Tổ truyền thông cộng đồng giúp cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS có cuộc sống tốt đẹp hơn

Nhằm nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý các mô hình có hiệu quả, Hội LHPN huyện đã tổ chức hơn 30 lớp tập huấn nâng cao và tập huấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng cho gần 500 đại biểu tại 8 xã, thị trấn thực hiện Dự án. 

Cùng với đó, tổ chức hội nghị giao lưu chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình truyền thông cộng đồng, hội thi mô hình sáng tạo và các lớp truyền thông, chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới… tại các xã, thị trấn với 1.500 lượt người tham dự.

Bà Nay Danh Nam, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Đoa cho biết: Những năm qua, Hội LHPN huyện đã nỗ lực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ về thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn. Trong đó, các mô hình truyền thông được thành lập đã góp phần quan trọng trong công tác truyền thông, vận động, từ đó nhận thức về bình đẳng giới của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. 

Qua đó, vai trò, vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Nhiều chị em phụ nữ đã tự chủ, tự lập trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Việc tăng cường công tác truyền thông đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và Nhân dân cùng chung tay để thu hẹp khoảng cách giới, xóa bạo lực trên cơ sở giới, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội an toàn, văn minh, hạnh phúc cho tất cả mọi người. 

Tin cùng chuyên mục