Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Châu Âu và mối đe dọa từ biến thể Delta

PV - 11:25, 25/07/2021

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành khắp châu Âu và nhiều quốc gia lại phải tiếp tục cuộc chạy đua với đại dịch COVID-19 bằng cách kết hợp giữa những hạn chế mới nhằm phòng dịch và đẩy nhanh tốc độ, quy mô tiêm chủng.

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Derby, Anh ngày 31/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Derby, Anh ngày 31/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/7 cho biết dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6-11/7, biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. ECDC dự báo rằng đến cuối tháng 8, tỷ lệ này sẽ lên tới 90%.

Delta, biến thể được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, đang khiến cả thế giới lo ngại vì khả năng lây lan nhanh. Cho dù các loại vaccine hiện có được cho là cũng hiệu quả với biến thể này nhưng tính hiệu quả đó không cao đối với những người mới chỉ tiêm 1 trong 2 mũi vaccine. Đáng chú ý hơn, biến thể Delta dường như đang lây lan nhanh nhất ở những người dưới 30 tuổi, nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 thấp nhất ở hầu hết các quốc gia châu Âu.

Daniel Altmann, chuyên gia dịch tễ tại trường Imperial (London, Anh), nhận định: "Biến thể Delta khiến các nước sẽ phải thay đổi chiến lược ngăn chặn dịch bệnh, vì nó có thể gây là những lây nhiễm xuyên thủng phòng tuyến ở những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ và ở những người trẻ". Chuyên gia này nhấn mạnh những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn đang tự bảo vệ được khá tốt trước mọi biến thể, kể cả Delta. Họ ít có nguy cơ bị lây nhiễm, hoặc nếu có thì các triệu chứng bệnh cũng ít có khả năng trở thành nghiêm trọng. Vấn đề là có hàng trăm triệu người ở châu Âu chưa đạt đến mức độ này.

Một số nước đang áp dụng những chiến lược mới nhằm khuyến khích người dân tiêm phòng. Ví dụ tại Italy, tuần qua chính phủ ra quy định từ ngày 6/8 yêu cầu mọi người phải có chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hay xác nhận có kháng thể từ lần nhiễm bệnh trước mới có thể vào nhà hàng phục vụ trong nhà, các cơ sở thể thao, giải trí... Động thái này dẫn tới không ít phản đối nhưng tác dụng khá rõ. Đặt lịch tiêm phòng đã tăng từ 15% đến 200%, tùy từng khu vực.

Theo Francesco Luchetta, chuyên gia phân tích về virus corona, các quốc gia châu Âu đang kết hợp giữa những hạn chế phòng dịch với những đẩy mạnh nỗ lực tiêm phòng, dù một số nước thực hiện 2 biện pháp này không cân bằng với nhau. Chuyên gia này đánh giá trước mắt, tỷ lệ lây nhiễm nhiều khả năng sẽ lại cao nhưng nhờ có nhiều người được tiêm phòng hơn cũng như các biện pháp điều trị được cải thiện hơn, làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ không gây nhiều ca tử vong hay ca bệnh nặng phải điều trị đặc biệt như trước.

Chuyên gia Luchetta dự báo phần lớn các nước sẽ không phải đưa ra những biện pháp cách ly diện rộng như đã từng khiến kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng đóng cửa hồi năm ngoái, trừ khi hệ thống y tế một lần nữa bị quá tải: "Nếu số các ca bệnh nghiêm trọng vẫn có thể trong tầm xử lý, tôi cho là các chính phủ có thể tránh được những biện pháp mạnh bao gồm cả phong tỏa".