Tỉnh Cao Bằng có 43 thôn đặc biệt khó khăn; 4 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực II có 15 thôn đặc biệt khó khăn; 124 xã thuộc khu vực III có 938 thôn đặc biệt khó khăn; có 7 huyện biên giới, 40 xã, thị trấn biên giới; có 7 huyện nằm trong 74 huyện nghèo nhất cả nước.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay tỉnh đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 169 công trình, duy tu bảo dưỡng 84 công trình; triển khai thực hiện trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho 2.608 hộ nghèo, hộ cận nghèo… Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm từ 5% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4% trở lên, với 5.150 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 24,71% đầu năm xuống còn 20,71% vào cuối năm 2024. Theo đó, đào tạo nghề cho hơn 6.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 50,9%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 38,8%. Giới thiệu việc làm với hơn 3.738 lượt người tham dự. Tư vấn việc làm cho 14.460 lao động; số lao động được giới thiệu việc làm, cung ứng thông qua Trung tâm: 668 người; giới thiệu việc làm trong nước 637 người; giới thiệu việc làm ngoài nước 31 người. Trung tâm khai thác và cung ứng thông tin thị trường lao động đối với 231 doanh nghiệp, tổ chức.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tổng số vốn ngân sách Trung ương được giao trong năm 2.240.116 triệu đồng. Đến thời điểm 31/12/2024, công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư của tỉnh 1.349.142/2.240.116 triệu đồng, đạt 60,2% KH (Trong đó: vốn đầu tư: 789.324/864.270 triệu đồng, đạt 91,3% KH; vốn sự nghiệp: 559.818/1.375.846 triệu đồng đạt 40,7% KH) đứng trong 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2024 Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng triển khai hiệu quả các Nội dung, Tiểu dự án, Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 được phân công. Tổ chức 10 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 624 đại biểu; 217 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp cho 12.622 lượt người. Tổ chức 3 đoàn công tác cho 176 đại biểu Người có uy tín (NCUT) gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh; 12 lớp tập huấn cho 611 NCUT; tiếp đón 3 đoàn gồm 156 đại biểu NCUT 2 huyện: Hà Quảng, Bảo Lâm đến làm việc với Ban Dân tộc tỉnh; thực hiện cấp 292.400 tờ báo các loại cho NCUT, với kinh phí 1.051,178 triệu đồng.
Các huyện, thành phố tổ chức 5 hội nghị cung cấp thông tin cho 519 NCUT tham gia; tổ chức 7 đoàn cho 316 đại biểu đi học tập kinh nghiệm trong tỉnh; tặng quà Tết 473 NCUT, trị giá 236,5 triệu đồng; khen thưởng 60 NCUT.
Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương; đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đặc biệt, năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã hướng dẫn, tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024 thành công tốt đẹp. Tại Đại hội, Chủ tịch UBND huyện, thành phố tặng giấy khen cho 119 tập thể, 213 cá nhân; Trưởng Ban Dân tộc tặng giấy Khen cho 10 tập thể; 44 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen 8 tập thể, 24 cá nhân; Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen 1 tập thể, 5 cá nhân; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen 2 tập thể, 2 cá nhân.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực viện trợ; chính sách đầu tư và phát triển bền vững (Chính sách cho hộ nghèo DTTS vay vốn); chương trình đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý…
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe nhiều tham luận, ý kiến của đại diện các ngành, địa phương đề xuất những giải pháp triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Phát biểu định hướng nhiệm vụ năm 2025, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tiếp tục triển khai, đôn đốc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc như: Quyết định số 1719/QĐ-TTg, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 498/QĐ-TTg, Quyết định 1898/QĐ-TTg, Quyết định 414/QĐ-TTg, Đề án phát triển giáo dục học sinh dân tộc. Thường xuyên bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình, chính sách dân tộc. Chỉ đạo các ngành, các cấp nắm tình hình trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp điều hành, chỉ đạo sát thực tiễn, hiệu quả cao nhất. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước, vào cộng đồng; xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiên tiến, văn minh, nhân văn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan công tác dân tộc các cấp, sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đề nghị thời gian tới, cơ quan làm công tác dân tộc ở các cấp, các sở, ngành của tỉnh tiếp tục tăng cường nắm tình hình địa bàn vùng đồng bào DTTS trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội; tình hình thiên tai, dịch bệnh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các điểm nóng về an ninh trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới…; nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS; trên cơ sở đó tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh những giải pháp phù hợp, đảm bảo ổn định cuộc sống cho đồng bào.
Quan tâm thực hiện các chính sách đối với NCUT trong vùng đồng bào dân tộc, từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; kịp thời bình xét, bổ sung, thay thế NCUT trong vùng đồng bào DTTS theo quy định. Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt các chính sách dân tộc theo các quyết định của Trung ương, của tỉnh; làm tốt công tác phối hợp với các ngành, giữa các địa phương trong việc thực hiện các công tác dân tộc, chính sách dân tộc…