Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời đã từng nhấn mạnh: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Lời dạy của Bác luôn luôn là kim chỉ nam để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay và là động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Chúng ta vui mừng nhận thấy những chuyển biến rất tích cực về kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống đồng bào ngày càng được nâng lên, sinh kế được cải thiện, với khí thế vui tươi, phấn khởi. Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng, nỗ lực vươn lên làm giàu từ tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Bức tranh kinh tế -xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều điểm sáng. Điều này cho thấy những chủ trương, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị.
Những điểm sáng nổi bật có thể kể đến là, tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2024 cao hơn bình quân chung của cả nước, ví dụ vùng Tây Bắc đạt khoảng 8%; Tây Nguyên đạt khoảng 7,5%; Tây Nam Bộ đạt khoảng hơn 7%... Trong điều kiện tự nhiên khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt; điểm xuất phát thấp..., mức tăng trưởng như vậy là rất đáng mừng, tạo đà và nền tảng cho những bứt phá, phát triển tiếp theo trong thời gian tới và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngày càng xuất hiệu nhiều mô hình phát triển rất tích cực, có hơn 340 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi; hơn 2.000 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với sự tham gia của 25.000 hộ tham gia. Về du lịch, vùng đồng bào DTTS và miền núi đang ngày càng trở nên hấp dẫn du khách trong nước, ngoài nước; người dân địa phương có nguồn thu rất lớn từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên.
Bên cạnh đó, hơn 4.000 công trình hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi được hoàn thiện, có 99,3% đường giao thông đến cấp xã; 91% thôn có đường ô tô được cứng hóa, 92% trường lớp học được kiên cố hóa; 124.000 hộ dân được sử dụng nước sạch; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Công tác giáo dục và đào tạo, nghề nghiệp, tạo việc làm, có bước tiến lớn; công tác giảm nghèo có thay đổi tích cực; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Thoát nghèo phải bền vững
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả tích cực, nhiệm vụ thời gian tới của ngành công tác dân tộc còn nhiều thách thức, khó khăn, trăn trở, đặc biệt là giải quyết nhóm vấn đề 5 nhất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được nhận diện, đó là: điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất, kinh tế chậm phát triển nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá rất cao tinh thần kiểm điểm thẳng thắn của Ủy ban Dân tộc, nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Trăn trở khi tỷ lệ tái nghèo còn cao, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu thay đổi, mở rộng hình thức hỗ trợ, có thể hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo để người dân thoát nghèo thực sự bền vững.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tưởng Thường trực chỉ rõ những hạn chế, tồn tại về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn thấp. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn yếu. Sự phối hợp của các bộ, ngành trong thực hiện công tác dân tộc còn hạn chế.
Tâm huyết, trách nhiệm với vùng đồng bào DTTS và miền núi
Nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, năm về đích, năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị ngành công tác dân tộc cần xác định quyết tâm, trách nhiệm chính trị cao hơn để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Đường lối, cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đầy đủ, vì vậy, mỗi cán bộ làm công tác dân tộc phải tâm huyết, trăn trở, tận tâm, tận tụy, làm việc hết mình.
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ; các Chương trình MTQG, các chính sách lớn có liên quan đến công tác dân tộc. Năm 2025 phải tổng kết Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I và chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn II của Chương trình, dứt khoát không để nhiệm vụ nào trong giai đoạn I của Chương trình còn nợ đọng.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, thời gian tới, một phần chức năng, nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về công tác giảm nghèo và một phần chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ về công tác tôn giáo sẽ sáp nhập vào Ủy ban Dân tộc. Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc -Tôn giáo.
Sau khi thành lập Bộ mới, Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu sắp xếp bộ máy mới tinh gọn, hiệu quả, sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ mới với hai Chương trình MTQG rất quan trọng (Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững). Sau khi hoàn thành xong việc sáp nhập, Ủy ban Dân tộc cần tổ chức Hội nghị đánh giá lại 2 Chương trình MTQG, đề xuất, chuẩn bị nội hàm trong giai đoạn tới, phải bảo đảm thực chất. Đồng thời rà soát, bổ sung, đề xuất hoàn chỉnh các chính sách dân tộc giai đoạn tới.
Một nhiệm vụ lớn nữa được Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm trong phối hợp chung tay cùng Ủy ban Dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc; không chỉ coi công tác dân tộc là trách nhiệm của riêng Ủy ban Dân tộc mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân có khát khao thoát nghèo
Đồng tình với những nhiệm vụ được Ủy ban Dân tộc đề ra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS, để mục tiêu công tác giảm nghèo của cả hệ thống chính trị được đặt ra, trở thành khao khát thoát nghèo của chính người dân. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn, tập trung nguồn lực, tránh dàn trải.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng mong muốn Ủy ban Dân tộc, các điạ phương tổng hợp các sáng kiến hay, mô hình tốt đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh trong thực tiễn để nhân rộng cách làm trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Tất cả với một quyết tâm cháy bỏng cải thiện tình hình kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2025 rất quan trọng – là năm nền tảng định hướng công tác dân tộc cho giai đoạn 2026-2030, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị quyết tâm sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sẽ có không ít khó khăn, nhiều tâm tư, trăn trở, nhưng với trách nhiệm đầy đủ với đồng bào DTTS, với sự quyết tâm cao, đồng lòng, đoàn kết thì nhiệm vụ khó khăn nào cũng hoàn thành”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tin tưởng.