Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Nỗ lực đẩy lùi hủ tục ở miền biên viễn: Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” để đẩy lùi tảo hôn (Bài 2)

Hoàng Phúc - 18:29, 08/12/2024

Tỉnh Cao Bằng đã và đang vận dụng hiệu quả nguồn lực của Chương trình MTQG 1719 để hướng tới hoàn thành mục tiêu Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”. Những hoạt động được tỉnh tích cực triển khai trong thời gian qua đã và đang thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” ở vùng đồng bào DTTS.

(Ban Chuyên đề- Loạt 3 bài CĐ Cao Bằng) Nỗ lực đẩy lùi hủ tục ở miền biên viễn: Xua mây mù từ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” (Bài 2)
Tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cân huyết thống. (Trong ảnh: Buổi tập huấn về tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 50 học viên tại xóm Lũng Giàng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng tháng 9/2024)

Tăng cường tuyên truyền

Những năm qua, Cao Bằng đã huy động cả hệ thống chính trị để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số cặp tảo hôn đã giảm xuống còn hai con số; trên địa bàn tỉnh đã cơ bản không phát sinh trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho thấy, trong tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh phát sinh 04 cặp tảo hôn; lũy kế trong 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 80 trường hợp tảo hôn xảy ra tại huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang, Hoà An (giảm 12 cặp so với cùng kỳ năm 2023).

Theo ông Nông Văn Khôi, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, một trong những “trợ lực” quan trọng cho nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719). Trong đó, thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 9, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

“Trong 11 tháng năm 2024, Ban Dân tộc đã tổ chức thành công 22 Hội thi Rung chuông vàng tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường PTDT Bán trú, THPT, THCS, TH&THCS trên địa bàn tỉnh với 5.136 học sinh tham gia; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư Pháp tổ chức 02 phiên tòa giả định tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Nguyên Bình”, ông khôi cho biết.

Trước đó, giai đoạn 2021 - 2023, Ban Dân tộc tỉnh ban hành 3 kế hoạch và hơn 40 văn bản liên quan khác triển khai thực hiện các nội dung của Tiểu dự án 2 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719. Đồng thời tổ chức 18 hội thi tuyên truyền tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; THCS và các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh; lắp đặt 18 pa nô tuyên truyền trên địa bàn tỉnh; ban hành 17.500 tờ rơi tuyên truyền; chỉ đạo cấp huyện tổ chức 77 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với 3.824 đại biểu tham dự...

“Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã tổ chức 46 buổi ngoại khóa giáo dục truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho 3.041 học sinh lớp 8, lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện in ấn và cấp phát 18.000 tờ rơi với nội dung về những hiểu biết đầy đủ để có hành động đúng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho đối tượng là học sinh, thanh niên, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi...”, ông Khôi cho biết thêm.

(Ban Chuyên đề- Loạt 3 bài CĐ Cao Bằng) Nỗ lực đẩy lùi hủ tục ở miền biên viễn: Xua mây mù từ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” (Bài 2) 1
Tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cân huyết thống. (Trong ảnh: Buổi tập huấn về tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 50 học viên tại xóm Lũng Giàng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng tháng 9/2024)

Lấy văn hóa nuôi dưỡng văn hóa

Để hướng tới hoàn thành mục tiêu Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, tỉnh Cao Bằng đã và đang nỗ lực đưa nếp sống văn hóa mới đi đến từng thôn bản, vào mỗi gia đình. Với công tác tuyên truyền được chú trọng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, từng bước đi vào chiều sâu, nhận được sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân.

Theo ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hằng năm, Sở ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy ước xóm, tổ dân phố; tổ chức tập huấn, tuyên truyền lồng ghép nội dung thực hiện quy ước xóm, tổ dân phố 02 cuộc/năm; kịp thời hướng dẫn, bổ sung vào quy ước xóm, tổ dân phố các nội dung: Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước.

Đồng thời lồng ghép xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn liền việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm xóa bỏ những phong tục lạc hậu; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; gắn với phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

“Trong năm 2024, Sở cũng đã tổ chức tập huấn cho gần 200 học viên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc Phòng Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố; công chức văn hóa, xã hội các xã, phường, thị trấn và Người uy tín trên địa bàn tỉnh. Qua đó trang bị, nâng cao cho học viên kỹ năng cần thiết đảm bảo cho việc chỉ đạo, triển khai các mô hình, nội dung trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần nâng cao chất lượng việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh”, ông An cho biết.

Với phương châm nhân rộng cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy văn hóa để nuôi dưỡng văn hóa, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng đã và đang nỗ lực phục dựng, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những nét đẹp truyền thống của cộng đồng các dân tộc được hồi sinh trong dòng chảy cuộc sống đương đại đã tạo sức lan tỏa, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; từng bước xóa bỏ các hủ tục, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đẩy lui hủ tục, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng đã bố trí vốn để đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa và thiết chế văn hóa ở cơ sở. Giai đoạn 2022 – 2024, toàn tỉnh xây mới được 77 nhà văn hóa xóm, sân thể thao từ vốn Chương trình MTQG 1719. Đến nay, 98,5% thôn, xóm trên địa bàn tỉnh có nhà sinh hoạt cộng đồng; 85% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 59% làng, xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa.