Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cẩn trọng với chiêu trò thu mua nông sản “lạ”

Lê Hải Yến - 19:40, 23/06/2024

Những năm gần đây, thương lái nước ngoài luôn có chiêu trò thu mua các nông sản "lạ", như: Đỉa, ốc bươu vàng, giun đất, lá bàng khô, lá điều khô, hạt na, cam non, búp thanh long, bọ xít đen… Chưa rõ động cơ của các thương lái có nhằm phá hoại kinh tế hay không, nhưng dễ thấy là họ đã kiếm lợi rất lớn bằng chiêu trò như vậy.

Đối tượng Lê Thị Anh lừa bán bọ xít đen rồi chiếm đoạt tiền cọc
Đối tượng Lê Thị Anh lừa bán bọ xít đen rồi chiếm đoạt tiền cọc

Mới đây nhất, phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Lai Châu) vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Lê Thị Anh ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua đơn trình báo của anh Lý Dâu Thường (sinh năm 1993) thường trú tại bản La Vân, xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Do đang có nhu cầu kinh doanh bọ xít đen để bán hàng sang Trung Quốc nên anh Thường đã chủ động tìm kiếm trên mạng xã hội và tìm thấy các bài đăng bán bọ xít khô của tài khoản Facebook “Hải sản tươi sống”. Anh Thường đã nhắn tin thương lượng giá cả và thống nhất phương thức chuyển hàng là gửi qua xe khách, đồng thời đặt cọc tiền cho tài khoản Facebook này 3 lần trong ngày 22/4/2024 (lần thứ nhất, chuyển khoản số tiền 2.600.000 đồng; lần thứ hai, chuyển khoản số tiền 2.900.000 đồng; lần thứ 3, chuyển khoản số tiền 3.500.000 đồng; tất cả các lần chuyển cọc tiền trên, Thường đều gửi về số tài khoản mang tên Le Thi Anh 4907205298076 ngân hàng Agribank).

Sau một thời gian liên lạc, đến ngày 21/5/2024, tài khoản “Hải sản tươi sống” đã chặn liên lạc đối với Thường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, Công an tỉnh Lai Châu đã khẩn trương xác định tài khoản Facebook “Hải sản tươi sống” là của đối tượng Lê Thị Anh. Ngoài Facebook “Hải sản tươi sống” đối tượng này còn tạo lập, sử dụng nhiều tài khoản khác trên mạng xã hội Facebook để đăng tải các bài viết trên các hội, nhóm đông thành viên, nội dung bài viết chủ yếu quảng cáo việc buôn bán các loại hản sản tươi, khô để nhận tiền đặt cọc của người mua nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Quá trình điều tra, cảnh sát xác định, Lê Thị Anh đã thực hiện thủ đoạn lừa đảo tương tự với nhiều cá nhân trên phạm vi cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024, với tổng trị giá trên 800 triệu đồng.

Bọ xít đen được săn lùng và thu mua giá cao
Bọ xít đen được săn lùng và thu mua giá cao

Nhận định của ngành chức năng qua các vụ việc: Đầu tiên, thương lái sẽ tự nghĩ ra một sản phẩm gần như vô giá trị và ai cũng có thể kiếm được như đỉa, ốc bươu, lá vải khô, giun đất... Ban đầu, họ sẽ thu mua từ thương lái Việt với giá cao, ví dụ một triệu đồng một kg để thu hút sự chú ý.

Sau một thời gian, các thương lái của ta thấy những thứ đó rất dễ kiếm mà lại bán được nhiều tiền, nên thi nhau thu gom mua của dân với giá rẻ hơn rồi bán lại cho thương lái, chủ yếu các thương lái nước ngoài. Sau khi đã ôm đủ số lượng hàng và hàng của dân cũng khan dần, thương lái nước ngoài sẽ tăng giá thu mua lên gấp nhiều lần. Lúc này, thấy miếng mồi béo bở, các thương lái gom hàng lại càng lùng sục mua bằng được, sẵn sàng trả giá cao cho người bán lại. 

Lợi dụng tâm lý đó, các thương lái nước ngoài  sẽ âm thầm mở kho hàng ban đầu ra, giả vờ là các điểm thu gom của dân rồi bán lại cho thương lái của ta với giá cao hơn giá mua lúc trước. Khi xả hết, họ bất ngờ thông báo không thu mua nữa. Lúc đó, thương lái của ta không kịp trở tay, lỗ nặng vì mặt hàng đó vô giá trị, không bán được cho ai. Xong xuôi, họ cầm vali tiền lời rút về nước, bỏ lại chúng ta với khoản lỗ ngập mặt. Vậy nên, các tiểu thương nên tỉnh táo tránh rơi vào cái bẫy của thương lái nước ngoài.

Vấn đề cần bàn ở đây là phản ứng của nhà nông. Đã rất nhiều vụ xảy ra với chiêu lừa tương tự, nhưng bà con vẫn bị lừa. Tất nhiên, việc nông sản được bán với giá cao khiến ai cũng ham. Có người còn nói rằng, bán một kg bọ xít đen bằng cả năm trồng cấy của họ, thậm chí còn hơn thế. Thế nhưng tất cả cần phải tỉnh táo. Bởi bài học nhãn tiền vẫn còn đó.

Những năm trước thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua những thứ lạ đời chưa từng thấy. Ở Bình Phước họ thu mua lá điều khô, là thứ chỉ bỏ đi không ai thèm lấy. Nhiều chủ vườn thi nhau phun thuốc diệt cỏ trên cây điều để có số lượng lá khô lớn và đồng loạt. Một việc làm tác hại đến sự sinh trưởng cây điều và làm giảm năng suất năm sau. Đến khi người bán đã gom lá với số lượng lớn thì những thương lái này cũng lặn mất tăm.

Ở Phú Yên, thương lái thu mua thân cây sắn. Nông dân đồng loạt chặt cây, từng cánh đồng sắn bị tận diệt không thương tiếc. Ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, họ tung tin thu mua gốc, rễ tiêu. Ở miền Tây Nam bộ, họ tung tin thu mua lá khoai lang còn non, khi chưa thu hoạch củ, búp thanh long, cam non khi còn chưa thành quả chín. 

Ở TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…, họ thu mua đỉa, gây nên phong trào nuôi đỉa, khiến cho bà con nông dân bỏ cả việc đồng áng, nhà nhà đi săn đỉa, người người đi thu gom đỉa để “làm giàu”. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi thấy bà con nông dân đã tích trữ được một khối lượng đỉa rất lớn, những “con buôn” này đột ngột ngừng mua, đẩy bà con nông dân vào thế điêu đứng vì đã trót đầu tư.

Tình trạng kích trộm giun đất cũng từng diễn ra tràn lan khi thương lái thu mua giun đất giá cao
Tình trạng kích trộm giun đất cũng từng diễn ra tràn lan khi thương lái thu mua giun đất giá cao

Cơn sốt mua đỉa chưa nguôi, lái buôn nước ngoài lại chuyển sang mua ốc bươu vàng - loài vật từng một thời gây họa trên đồng ruộng. Tại thời điểm đó, có những lúc giá của 1kg ốc bươu vàng cao hơn cả 3kg thóc. Người dân đổ xô đi bắt ốc, cũng chẳng ai quan tâm xem họ mua để làm gì đối với lượng ốc hàng tấn mỗi ngày. Và đỉnh điểm khi cơn sốt thu mua ốc bươu vàng lan rộng, vì tham lợi trước mắt, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng, thay vì phải tận diệt, đã có không ít hộ gia đình nông dân đào ao nuôi loại ốc này. Thậm chí đến trứng ốc bươu vàng, thay vì tiêu diệt như trước đây, người dân lại bảo vệ để mong nở thành con tiếp tục bắt bán.

Hay phong trào thu mua giun đất giá cao để về làm thuốc cũng khiến nhà nhà, người người đi kích giun đất bán cho thương lái. Từ đó tình trạng kích trộm giun tại các vườn cây trái liên tiếp xảy ra khắp các tỉnh phía Bắc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất.

Giá thu mua nông sản bị đẩy lên cao, được vài lần rồi họ bỏ cọc, “bom” hàng, khiến bà con điêu đứng, còn kinh tế, môi trường thì ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng bài học nhãn tiền cay đắng vẫn chưa khiến nhiều người tỉnh ngộ và trở thành miếng mồi béo bở của nhiều kẻ lừa đảo.