Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần luật hóa trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động phòng thủ dân sự

PV - 21:04, 22/09/2022

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự án Luật Phòng thủ dân sự cần luật hóa nội dung “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ) và trách nhiệm người đứng đầu từng lĩnh vực, địa bàn trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến vào dự án Luật Phòng thủ dân sự trong phiên họp chiều 22/9
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến vào dự án Luật Phòng thủ dân sự trong phiên họp chiều 22/9

Chiều 22/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó theo cấp độ thảm hoạ, sự cố dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Việc xây dựng dự thảo Luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, trình bày báo cáo tóm tắt về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, trình bày báo cáo tóm tắt về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh, dự án Luật được xây dựng dựa trên quan điểm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phòng thủ dân sự; tăng cường tính chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức điều hành; bảo đảm các nguồn lực thực hiện; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân…

Dự thảo Luật quy định chi tiết về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự; đánh giá mức độ rủi ro về thảm hoạ, sự cố; khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các dạng thảm họa, sự cố…

Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự, dự thảo Luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương.

Phân loại cấp độ phòng thủ dân sự theo mức độ nguy hại của thảm họa, sự cố

Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, Tờ trình đã nêu rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến phòng thủ dân sự; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự.

Về bố cục của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, bố cục của dự thảo Luật được xây dựng cơ bản hợp lý, nhưng đề nghị cần bám sát khái niệm “phòng thủ dân sự” để thiết kế thêm một số nội dung cho phù hợp, thống nhất, bảo đảm cân đối giữa các nội dung lớn, giữa các chương, mục và nghiên cứu bổ sung, làm rõ thêm các quy định về phân công, quan hệ phối hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Đối với vấn đề phân loại cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng, nhưng quy định này chưa rõ mối quan hệ với các cấp độ, sự cố, rủi ro cụ thể tại các luật chuyên ngành.

Việc quy định căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự chưa có cơ sở, tiêu chí cụ thể, khó áp dụng; quy định mức độ gây thiệt hại chưa cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để khi có tình huống xảy ra sẽ kích hoạt ngay các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần quy định cụ thể hơn về thiết chế, cơ cấu, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy trong công tác phòng thủ dân sự; nghiên cứu theo hướng hợp nhất các ban chỉ đạo nhưng vẫn tôn trọng tính chuyên trách của từng bộ phận.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 22/9
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 22/9

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về đầu tư trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách; đồng thời luật hóa nội dung “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ) và trách nhiệm người đứng đầu từng lĩnh vực, địa bàn trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự chỉ theo địa giới hành chính như trong dự thảo Luật là chưa hợp lý. Theo đó, cần phân loại cấp độ theo mức độ nguy hại của thảm họa, sự cố để triển khai lực lượng ứng phó chuyên trách phù hợp, qua đó mới có thể giảm thiệt hại tới mức thấp nhất.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung khác của dự thảo Luật như: khái niệm phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự; các dạng thảm họa, sự cố; đánh giá mức độ rủi ro thảm họa, sự cố; các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố…

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.